Thứ 5, 14/11/2024, 23:25[GMT+7]

Cốm Thanh Hương

Thứ 2, 18/09/2017 | 09:12:44
1,585 lượt xem
Nhắc đến cốm người ta nghĩ ngay đến món quà bình dị thân thuộc mỗi độ thu về. Nhưng chính từ món quà bình dị ấy mà nhiều hộ dân ở xã Đồng Thanh (Vũ Thư) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Làm cốm ở làng Thanh Hương.

Nghề cha truyền con nối

Chúng tôi đến thôn Thanh Hương, xã Đồng Thanh vào một ngày đầu tháng 9 dưới ánh nắng hanh vàng dịu nhẹ của mùa thu. Mùa thu, cũng là lúc những người dân nơi đây bận rộn hơn với công việc làm cốm của mình. Thoảng trong gió có mùi hương cốm mới, những âm thanh của tiếng chày, tiếng máy làm cho không khí của làng quê thêm rộn rã. 

Những người già trong làng nói rằng, nghề làm cốm ở Đồng Thanh có từ lâu đời, là nghề cha truyền con nối. Xã có 3 làng: Đồng Đại, An Điện và Thanh Hương nhưng nghề làm cốm lại chỉ tập trung chủ yếu tại làng Thanh Hương. 

Cốm Thanh Hương vươn xa và trở thành thương hiệu nhờ có những người nhanh nhạy, tâm huyết với nghề cốm như ông Lê Văn Thái, ông Lương Đức Thọ… Ông Thọ kể: Năm 1992, tôi cùng một số người bạn ra Hà Nội để tìm hiểu về cốm làng Vòng. Nhận thấy cốm quê mình về chất lượng và mẫu mã không thua gì cốm làng Vòng, tôi đã về báo cáo với chính quyền xã và ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm thô cho thị trường của họ. Từ đó, nghề cốm Thanh Hương phát triển có chỗ đứng trên thị trường.

Những hạt cốm mềm dẻo, nhỏ bé nhưng đòi hỏi quy trình làm phải khéo léo và công phu.

Để làm ra những hạt cốm nhỏ bé mềm dẻo đòi hỏi quy trình khéo léo và công phu. Lúa làm cốm phải là lúa nếp non, hạt mẩy đều, không bị mọt và được chế biến ngay khi gặt về để cốm giữ được hương thơm của lúa non. Thóc đem ngâm trong nước 24 giờ, sau đó vớt ra đãi sạch, lại ngâm tiếp 12 giờ nữa với nước có tỷ lệ 20% nước sôi, 80% nước lạnh để cho thóc mềm hơn. Quá trình rang thóc phải đảo đều, sau khoảng 30 phút thì kiểm tra bằng cách đặt 5 hạt lên miếng gỗ, dùng ngón tay miết mạnh, nếu thấy hạt “2 quằn 3 róc”, tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng bị quằn lại, 3 hạt còn lại róc vỏ nhưng không bị quằn là được. Thóc rang xong đem bỏ vào cối giã, đảo đều tay cho đến khi hạt gạo dẹt vừa đủ. Sau đó xúc ra sàng lọc bớt vỏ trấu, rồi đổ lên máy rê để lọc hết vỏ trấu và cám. Cuối cùng là khâu lọc cốm, khâu này phải làm thủ công, mục đích là nhặt bỏ những hạt cốm lép và xấu. Cũng theo ông Thọ, ngày trước người làng Thanh Hương làm cốm bằng phương pháp thủ công, còn ngày nay 90% công đoạn đã được thay thế bằng máy móc.

Hàng năm, hội làng Thanh Hương được mở vào hai ngày 18 và 19 tháng 11 âm lịch. Trong lễ hội, ngoài phong tục dâng lễ sớ còn có cúng cáo yết của làng nghề để tưởng nhớ những ông tổ của nghề cốm. Năm 2003, làng Thanh Hương đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.

Làm giàu từ nghề truyền thống

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, sạch đẹp, rộng hơn 60m2 được xây dựng vào cuối năm 2015 với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, vợ chồng anh Hoàng Văn Hoan, thôn Thanh Hương 3 không giấu nổi niềm vui. Anh Hoan chia sẻ: Nghề làm cốm truyền thống của cha ông mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Vợ chồng tôi làm nghề này đã hơn chục năm nay rồi. Một ngày gia đình tôi sản xuất trung bình 150kg cốm, tương đương với gần 2 tạ thóc. Sau khi trừ mọi chi phí thu về gần 13 triệu đồng/tháng.

Từ hạt cốm, người dân nơi đây đã vẽ nên bức tranh làng quê nhiều màu sắc.

Gia đình anh Hoàng Đình Nhẫn ở thôn Thanh Hương 1 cho biết: Trước kia gia đình tập trung vào sản xuất cốm nhưng do nhu cầu của người dân địa phương nên mấy năm nay đã chuyển sang thu mua cốm. Mỗi tháng, gia đình tôi thu mua trên 10 tấn cốm các loại của hầu hết các hộ dân trong vùng. Với giá bán trung bình là 20.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu nhập gần 15 triệu đồng/tháng. Yêu nghề, gắn bó với nghề những người dân nơi đây đã vẽ nên một bức tranh làng quê nhiều màu sắc với những ngôi nhà bề thế, khang trang, hiện đại. Một nông thôn mới đang dần hiện hữu trên mảnh đất này với đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, số hộ giàu trong xã đã lên tới 15%. 

Ông Phạm Ngọc Năng, Chủ tịch UBND xã Đồng Thanh cho biết: Nghề làm cốm mang về thu nhập gần 15 tỷ đồng/năm, chiếm 10% tỷ trọng kinh tế của địa phương. Để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiềm năng để giúp nhân dân phát triển nghề cốm, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập và làm giàu.

Làng Thanh Hương có 3 thôn, 883 hộ, 3.358 khẩu, trong đó có 108 hộ làm cốm (96 hộ sản xuất, 12 hộ chuyên thu mua cốm). Cốm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, trong đó thị trường chủ yếu là Hà Nội.


Thu Trang 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày