Thứ 4, 13/11/2024, 06:50[GMT+7]

Vun đắp tình hữu nghị

Thứ 6, 06/10/2017 | 09:09:47
1,207 lượt xem
Là một trong các trường đào tạo chuyên ngành y khoa lớn của cả nước, những năm qua, Trường Đại học Y Dược Thái Bình không chỉ đào tạo hàng vạn bác sĩ trong và ngoài tỉnh mà còn là “cái nôi” đào tạo hàng trăm bác sĩ cho nước bạn Lào, Campuchia, qua đó góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và hai nước.

Lưu học sinh Lào, Campuchia cùng các sinh viên Việt Nam trong giờ thực hành.

Giờ thực hành của lớp Y1 - K46, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, từng nhóm sinh viên hào hứng tiến hành thí nghiệm và thảo luận về bài học. Mặc dù trong lớp có 9 lưu học sinh Lào và Campuchia nhưng tất cả sinh viên đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt khá thành thạo, nhờ đó không khí giờ học rất sôi nổi. 

Rithy Sopheak Mealdey, lớp Y1 - K46, lưu học sinh Campuchia chia sẻ: Thời gian đầu, ngôn ngữ tiếng Việt của tôi rất hạn chế. Sau đó, tôi tăng cường giao lưu, học hỏi các thầy cô, bạn bè và người dân địa phương. Mọi người đều rất nhiệt tình chỉ bảo, đến nay tôi đã có thể sử dụng tiếng Việt khá thành thạo. Tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở về nước góp sức mình khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Cùng với Rithy Sopheak Mealdey, Trường Đại học Y Dược Thái Bình hiện có 412 lưu học sinh, chiếm hơn 50% tổng số lưu học sinh ở các tỉnh miền Bắc, trong đó có 175 lưu học sinh Campuchia, 234 lưu học sinh Lào và 3 lưu học sinh Mô-dăm-bích. 

PGS, TS Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: Trường thành lập từ năm 1968, năm 1969 vinh dự được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo bác sĩ cho nước bạn Lào; đến năm 1982 mở rộng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cho Campuchia. Từ năm học 2017 - 2018, Trường bắt đầu đào tạo bác sĩ cho Cộng hòa Mô-dăm-bích với 3 lưu học sinh đang theo học. Phần lớn các lưu học sinh học tại Trường trong diện hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Mô-dăm-bích. Những năm qua, Trường luôn quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện tốt nhất về sinh hoạt, đời sống cho các lưu học sinh. Nhà trường thành lập ban quản lý lưu học sinh, phân công 1 đồng chí trong Ban Giám hiệu trực tiếp làm trưởng ban. Trong học tập, Trường chỉ đạo tất cả cán bộ, giảng viên, sinh viên ưu tiên quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ để lưu học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn. Khó khăn lớn nhất của lưu học sinh là ngôn ngữ tiếng Việt hạn chế, nhất là các thuật ngữ chuyên ngành y dược, ảnh hưởng lớn đến việc học tập. Trường đã huy động cán bộ, giảng viên nghiên cứu, biên soạn cuốn từ vựng tiếng Việt - Anh - Khơme nhằm bổ trợ vốn tiếng Việt cho lưu học sinh. Đặc biệt, dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Trường luôn ưu tiên đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tạo điều kiện sinh hoạt, nội trú thuận lợi nhất cho lưu học sinh. Hiện nay, 100% lưu học sinh được ở ký túc xá, phòng ở có công trình vệ sinh khép kín, lắp đặt bình nóng lạnh, dự kiến năm 2018 Trường sẽ tranh thủ nguồn ủng hộ của các tổ chức xã hội để đầu tư lắp đặt điều hòa nhiệt độ, tạo thuận lợi cho sinh hoạt, học tập của lưu học sinh.

Ngoài ra, những năm qua, Trường Đại học Y Dược Thái Bình luôn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho lưu học sinh. Trường phối hợp với các cấp hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào và đại sứ quán các nước bạn để vận động các gia đình Việt Nam từng công tác tại Campuchia, Lào nhận đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh của Trường; tổ chức cho lưu học sinh tham quan các di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu của tỉnh và đất nước giúp lưu học sinh hiểu sâu hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt lưu học sinh nhân dịp tết cổ truyền của Lào, Campuchia.

Nhờ nỗ lực của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, gần 50 năm qua, Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã giúp hai nước Lào và Campuchia đào tạo được 762 bác sĩ, trong đó có 310 bác sĩ của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và 452 bác sĩ của Vương quốc Campuchia. Riêng năm 2017 có 5 bác sĩ Lào và 26 bác sĩ Campuchia đã tốt nghiệp ra trường về nước nhận công tác. 

Qua đánh giá, các thế hệ bác sĩ Lào, Campuchia được đào tạo tại Trường đã có đóng góp lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân hai nước bạn. Nhiều bác sĩ tiếp tục phấn đấu, theo học các chương trình sau đại học tại Trường và có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều người giữ cương vị, trọng trách lớn trong và ngoài ngành y tế của hai nước bạn. Đặc biệt, các lưu học sinh, bác sĩ được đào tạo tại Trường là những nhân tố tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng và đóng góp tích cực trong việc vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.



PGS, TS Nguyễn Quốc Tiến, Phó Hiệu trưởng, Trưởng ban Quản lý lưu học sinh Trường Đại học Y Dược Thái Bình

Những năm gần đây, số lượng lưu học sinh Lào, Campuchia của Trường tăng cao, cơ sở vật chất của Trường chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cần thiết của lưu học sinh. Tôi rất mong Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện sớm xây dựng thêm 1 khu ký túc xá cho Trường để thu hút lưu học sinh, góp phần làm tốt công tác hợp tác đào tạo quốc tế và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các quốc gia.

Anh Horn Sop Horn, trưởng đoàn lưu học sinh Campuchia tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các thầy cô giáo, bạn bè Việt Nam luôn ưu tiên để lưu học sinh có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt nhất, tôi rất cảm động trước tình cảm chân tình này. Ngoài học kiến thức chuyên môn, tôi còn được học hỏi thêm nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa, phong tục truyền thống của đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ chúng tôi hiểu, gắn bó, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Chị Lienesone Vilaimeng lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình

Tôi nhận thấy kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình khá phát triển nhưng vẫn lưu giữ được nhiều công trình văn hóa, lịch sử độc đáo. Tôi rất ấn tượng với tinh thần mến khách, gần gũi của người Thái Bình nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tôi sắp hoàn thành chương trình học, sắp phải xa các thầy cô giáo, bạn bè, người dân Thái Bình, tôi sẽ nhớ mãi nơi này.


Quỳnh Lưu