Chủ nhật, 24/11/2024, 00:21[GMT+7]

Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Đèo Cả sau sự cố

Thứ 3, 14/11/2017 | 15:02:34
1,011 lượt xem
Sau thời gian 10 ngày tiến hành phong tỏa, huy động mọi phương tiện và hàng trăm công nhân làm việc làm việc 3 ca liên tục nhằm khắc phục hậu quả bão số 12, vào lúc 10 giờ 40 phút sáng 14/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức tàu chạy thử tải qua Đèo Cả (đoạn từ km 1226+780 - Km 1226+825 khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh).

Chạy thử tải tuyến đường sắt Bắc Nam qua Đèo Cả.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, sau khi thử tải, nếu đảm bảo an toàn sẽ trả đường với tốc độ V=5 km/h qua công trình trên, chính thức thông tàu trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh vào đầu giờ chiều cùng ngày sau nhiều ngày gián đoạn vì sạt lở do bão số 12. 

Như vậy, VNR đã hoàn thành việc sửa chữa giai đoạn 1 bước 1, trả tốc độ 5km/h sớm hơn thời gian dự kiến 1 ngày, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công và an toàn lao động. 

Hiện, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị tốt máy móc, vật tư nhân lực để khắc phục giai đoạn 2 bước 1 ngay sau khi trả tốc độ 5 km/h..

Về kế hoạch tổ chức chạy tàu, từ ngày 14/11,VNR đã tổ chức chạy tàu khách và tàu hàng bình thường trở lại. Cụ thể: Tổ chức chạy các tàu SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 (không thực hiện việc chuyển tải hành khách giữa 2 ga Giã - Tuy Hòa và ngược lại) và từ ngày 15/11/2017, tổ chức chạy lại tàu SE9/10. 

Trước đó, do hậu quả bão số 12, đường sắt Bắc - Nam qua khu vực Đèo Cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, từ Km 1226+780 –Km 1226+825 khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh bị sụt trượt nặng, uy hiếp an toàn chạy tàu, phải phong tỏa để sửa chữa.

Tuy nhiên, do đoạn từ km km 1226+780 - km 1226+825 có mức độ hư hỏng nặng, nằm trong khu vực có địa hình khó khăn, phức tạp (một bên là núi cao, mọt bên là biển), địa hình thi công chật hẹp… vì vậy, việc thi công sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn.

Với quyết tâm thông tàu trong thời gian sớm nhất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cố gắng, quyết liệt trong chỉ đạo, thi công 24/24 giờ; Ngoài các đơn vị sở tại là Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh, Công ty cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn, Tổng công ty đã điều động tăng cường nhân lực, thiết bị, máy móc từ các Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa, Nghĩa Bình, Thuận Hải và Công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng tham gia sửa chữa.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thường trực trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường; xây dựng phương án tổ chức thi công hợp lý; phân công cụ thể theo từng hạng mục công việc độc lập để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn thi công.

Theo TTXVN