Thứ 6, 15/11/2024, 18:40[GMT+7]

Về Quân Cao nghe chuyện giáo dân dồn điền đổi thửa

Thứ 5, 19/07/2012 | 10:44:44
1,434 lượt xem
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải là tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nhưng là giải pháp quan trọng nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó bởi nó “đụng chạm” trực tiếp đến lợi ích của nông dân. Là thôn có 100% dân số là giáo dân, đặc điểm đồng đất phức tạp nhưng Quân Cao, xã Vân Trường, (Tiền Hải) lại làm rất tốt việc DĐĐT.

Thu hoạch lúa Xuân bằng máy gặt đập liên hoàn tại thôn Quân Cao

Chúng tôi về thôn Quân Cao vào lúc bà con nông dân đang nhộn nhịp khẩn trương thu hoạch lúa xuân. Niềm vui được mùa như được nhân đôi khi thôn cũng mới hoàn thành xong việc dồn điền đổi thửa. Cả thôn với khí thế sẵn sàng bước vào vụ mùa với đồng ruộng có bờ vùng, bờ thửa to đẹp vùng sản xuất hàng hóa quy hoạch rõ ràng... góp phần đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, thuận tiện chăm bón, thủy lợi... giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ xã viên.

 Quân Cao là thôn nằm phía Bắc xã Vân Trường có 2.300 nhân khẩu, 576 hộ với 100% theo đạo Thiên chúa. Thôn có 170 mẫu đất canh tác, trong đó đất trồng màu 100 mẫu, 60 mẫu chuyên lúa, còn lại là đất bể lắng. Thôn có truyền thống thâm canh lúa đạt năng suất cao và làm cây vụ đông trên đất 2 lúa từ những năm 1990. Năm 2001, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha/năm, Quân Cao là một trong 12 điểm của toàn tỉnh đi đầu trong việc quy hoạch xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha/năm và đã thành công với giá trị là 64,5 triệu/ha.

Tiếp thu chủ trương, đường lối, chính sách XDNTM của các cấp, chi ủy thôn nhận định đây là việc làm rất khó khăn, phức tạp đối với thôn, vì  Quân Cao là thôn có ruộng xen canh. Đa số ruộng xen canh đều là ruộng xa, ruộng trũng. Đối với ruộng ở địa bàn thôn thì mặt bằng không đồng đều, nơi cao quá, nơi trũng quá, hơn nữa lại có vùng đất màu bể lắng (chuyên màu), trước đây chia theo kiểu bình quân, nhà nào cũng có màu, có lúa, có cao, có trũng, có xa, có gần. Mỗi nhà từ 2 – 4 mảnh, thậm chí nhiều nhà đến 10 mảnh, rất manh mún. Khó khăn là vậy nhưng chi ủy, chi bộ và lãnh đạo thôn xác định phải quyết tâm vận động nhân dân thực hiện thành công đề án dồn điền đổi thửa.

Bởi chỉ có dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng mới thực hiện được quy vùng chuyển đổi, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu không, với giao thông nội đồng quá hẹp, ruộng nhỏ, manh mún  thì dù Nhà nước có hỗ trợ mua máy cày bừa, gặt đập phục vụ nông nghiệp vẫn ít người tiếp cận được. Trên cơ sở  phương án của xã, thôn  lập ra phương án mở rộng giao thông thủy lợi đảm bảo thuận lợi cho tưới tiêu và đi lại. Phương án dồn ruộng trong đó xác định rõ các vùng thực hiện chuyển đổi màu, vùng 2 lúa + một màu để các đoàn thể và nhân dân tham gia ý kiến. Các bước tiến hành được Quân Cao triển khai thận trọng từ họp chi bộ quán triệt và thống nhất phương án; họp chi bộ mở rộng tới các ban công tác mặt trận thôn, ban chấp hành các đoàn thể, ban trùm giáo xứ, ban chấp hành 4 giáo khu và tổ điều chỉnh ruộng ở thôn.

Tiếp đó thôn thông tin cách thức, các bước tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân nắm bắt và chuẩn bị các ý kiến tham gia trong buổi họp toàn thôn.  Trưởng thôn Đỗ Đức Hiệp cho biết, mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án và công tác vận động tuyên truyền nhưng khi họp bàn đã có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau,  nhiều ý kiến có tư tưởng cào bằng, một số người lấy lý do chưa hết thời điểm sử dụng đất 20 năm để trì hoãn việc đồn đổi, những hộ có nhân khẩu tăng thêm thì đòi bổ sung ruộng…

Chủ động lường đón những khó khăn và tình huống có thể xảy ra,  chi ủy, lãnh đạo thôn, ban công tác mặt trận, cán bộ, đảng viên đã giải thích, vận động, tuyên truyền và gương mẫu thực hiện. Thôn có 8 điểm ruộng xấu đất quá trũng, trưởng thôn đứng ra nhận điểm khó khăn nhất, còn lại 7 điểm có 11 hộ xin nhận. Dân chủ bàn bạc, đảng viên, cán bộ gương mẫu đã tác động tốt đến tư tưởng, nhận thức và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Toàn thôn thống nhất là bốc thăm đất 2 lúa, 2 lúa + 1 màu, vận động bố con, anh em và nhà cạnh nhau nhận vào một thăm. Đất màu bể lắng giao cho một số hộ có kinh nghiệm trồng màu và có lao động;  các hộ có điều kiện, có lao động nhận đất đồng xa, khó khăn. Ruộng tại thôn đảm bảo theo quy định là một dây ruộng có chiều dài 100m, đường 2,5m, bên đường là mương tưới tiêu và 500m một đường trục chính rộng 5m. Trước dồn điền đổi thửa, toàn thôn có 1.431 thửa, sau dồn điền đổi thửa còn 967 thửa với số thửa bình quân là 1,7 thửa/hộ.

Sau thành công DĐĐT, Quân Cao tiếp tục trăn trở tìm hướng đi  mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Thôn đã quy hoạch rõ các vùng, trong đó 10 ha đất chuyên màu tập trung trồng dưa, bí...; 100 mẫu đất 2 lúa chủ động tưới tiêu được quy hoạch thực hiện luân canh 2 lúa – 1 màu, trong vùng được quy hoạch vùng cấy lúa hàng hóa tập trung và trồng cây vụ đông ưa lạnh,  Ngay từ vụ xuân 2012, Quân Cao tiếp tục đưa giống DT 68 vào cấy với diện tích 10 ha cho năng suất và hiệu quả cao. Vụ mùa năm 2012, thôn hợp đồng cấy 100 mẫu lúa chất lượng làm hàng hóa cho các công ty như giống ĐS1.

 Kết quả  sau thành công DĐĐT ở Quân Cao, đặc biệt là hiệu quả bước đầu từ việc quy vùng sản xuất rất đáng để các địa phương khác học tập. Khi chuẩn bị rời khỏi Quân Cao, chúng tôi gặp Chủ tịch UBND xã Nam Cường Hoàng Ngọc Sang dẫn đoàn cán bộ đại diện các ban, ngành, đoàn thể của xã sang thăm quan, học tập. Nhìn bờ vùng, bờ thửa, xem máy gặt đập liên hoàn và máy làm đất đa năng làm việc, đoàn của xã Nam Cường cứ tấm tắc ngợi khen, khâm phục.

                                                                                       Bài, ảnh: Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày