Thứ 6, 15/11/2024, 18:27[GMT+7]

Kiến Xương đưa ngành may về nông thôn

Thứ 3, 31/07/2012 | 10:53:27
3,172 lượt xem
Thời gian qua, Kiến Xương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp và cơ sở may trên địa bàn huyện nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương, từ đó góp phần tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị sản xuất toàn huyện.

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH Phú Việt đầu tư tại Thị trấn Thanh Nê(Kiến Xương ). Ảnh Thành Tâm

Cùng lãnh đạo Phòng Công thương huyện, chúng tôi đi thăm một số doanh nghiệp và cơ sở may đóng trên địa bàn huyện. Tại Công ty TNHH Phú Việt, mặc dù đã có cơ sở 1 ở Thành phố Thái Bình, song do nhu cầu mở rộng sản xuất, năm 2009, Công ty đã mở thêm cơ sở 2 tại thị trấn Thanh Nê chuyên may các mặt hàng tráng nhựa và dán sim (dùng để tránh mưa và tránh gió) xuất khẩu trực tiếp sang các nước úc, Canada và Mỹ.

Ông Vũ Đồng Phiên – Phó Giám đốc Công ty cho biết: Cơ sở 2 của Công ty được xây dựng trên địa bàn thị trấn Thanh Nê mới được 3 năm nhưng đã thể hiện ưu thế vượt trội về thu hút lao động tại địa phương. Bằng nhiều hình thức như: thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định của Nhà nước, hỗ trợ 10 nghìn đồng/bữa ăn trưa, tặng quà nhân ngày lễ, tết, phụ cấp tăng ca, khen thưởng con em công nhân đạt thành tích cao trong học tập… Công ty đã tạo được sự gắn kết lâu dài với công nhân. Nhờ vậy, các đơn đặt hàng luôn đáp ứng kịp thời cho đối tác, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu cho Công ty. Đến nay, Cơ sở 2 đã thu hút được 120 lao động đến từ thị trấn Thanh Nê và các địa phương lân cận như: An Bồi, Bình Minh, Hòa Bình, Quang Trung... với mức thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Rời Công ty TNHH Phú Việt, chúng tôi đến Công ty TNHH Khánh Hà (Hòa Bình) chuyên may khăn khô xuất khẩu. Là người Thành phố nhưng Giám đốc Công ty - Hoàng Liên Sơn lại lựa chọn Kiến Xương làm nơi đặt trụ sở sản xuất kinh doanh, bởi theo anh, nơi đây nguồn lao động khá dồi dào, bên cạnh đó, giao thông cũng tương đối thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa.

Ngoài trụ sở chính ở Hòa Bình (Kiến Xương), Công ty còn mở thêm chi nhánh ở Tiền Hải với tổng số hơn 100 lao động, thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với Công ty TNHH Phú Việt, Công ty TNHH Khánh Hà, trên địa bàn huyện Kiến Xương còn xuất hiện nhiều mô hình doanh nghiệp, cơ sở may sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương như: Cơ sở may Rạng Đông (có hai địa điểm ở Vũ Lễ và Trà Giang) chuyên may gia công hàng túi xách tay siêu thị (ở Vũ Lễ) và quần soóc nam (ở Trà Giang), tạo việc làm cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 2 triệu đồng/người/tháng; Cơ sở may xuất khẩu Tài An chuyên may áo rét và quần soóc, tạo việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân 1,8-2,5 triệu đồng/người/tháng; Công ty TNHH Thanh Hương (Vũ Hòa) chuyên sản xuất áo Jacket, tạo việc làm cho trên 100 lao động ở các xã Vũ Hòa, Vũ Thắng, Vũ Công, Vũ Trung, Vũ Quý, Vũ Ninh với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng…

Với người lao động, họ rất phấn khởi và thuận lợi hơn khi làm việc gần nhà, có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Sau một thời gian đi làm may ở miền Namon>, cảnh xa nhà thiếu thốn đủ bề nên chị Trương Thị Thu (khu Giang Đông, thị trấn Thanh Nê) đã quay về địa phương. Cũng tại đây, chị đã xin vào làm công nhân ở cơ sở 2 của Công ty TNHH Phú Việt. Chị Thu cho biết: việc trở về địa phương là hoàn toàn đúng đắn, ngoài số tiền không nhỏ tiết kiệm được từ chi phí đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ, chị có thể đi làm mà vẫn được gần gia đình. Còn đối với chị Đoàn Thị Điệp (Quang Trung) - công nhân Công ty TNHH Phú Việt thì việc về địa phương đã giúp chị có nhiều thời gian hơn chăm lo cho gia đình. Điều quan trọng hơn nữa đang được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện áp dụng, đó là cho công nhân nghỉ phép mà không trừ vào tiền chuyên cần. Chị Nguyễn Thị Mỳ (Đình Phùng) - công nhân Công ty TNHH Khánh Hà cho biết: Gia đình chị hiện có 7 sào ruộng, được nghỉ 1 ngày phép/tháng đã giúp chị tranh thủ việc nhà nông, giảm bớt công việc cho gia đình. Đây là việc làm rất cần thiết với một huyện thuần nông như Kiến Xương.

Ông Bùi Văn Nhu - Phó Trưởng phòng Công thương huyện cho biết: Chủ trương đưa ngành may về nông thôn đặc biệt quan trọng trong thời kỳ cả nước đang chung sức xây dựng nông thôn mới, bởi nó không những thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển mà còn tạo việc làm cho lao động ở địa phương, giúp lao động chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp mà không phải xa quê, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động trong nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 23 doanh nghiệp và 25 cơ sở may, tạo công ăn việc làm cho hơn 4.200 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. 6 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp và cơ sở may trên địa bàn huyện đã sản xuất trên 5 triệu sản phẩm các loại, góp phần đem lại giá trị sản xuất CN – TTCN toàn huyện ước đạt 410 tỷ đồng, trong đó khối doanh nghiệp – công ty đạt 221,5 tỷ đồng. Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp và cơ sở may trên địa bàn huyện đó là tình trạng thiếu lao động. Các doanh nghiệp phải thường xuyên thông báo tuyển dụng lao động mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu nhân công cho sản xuất. Chẳng hạn như: Công ty TNHH Sơn Hà, Công ty TNHH Hanul, Công ty TNHH Phú Việt… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất còn chật hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; công tác phòng cháy chữa cháy còn nhiều hạn chế.

Đưa ngành may về nông thôn là một trong những cách tốt nhất huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các chính sách về đất đai, thuế, đồng thời tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển dịch vụ giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Minh Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày