Chủ nhật, 10/11/2024, 05:58[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới: Động lực mới, quyết tâm mới Kỳ 4: Huy động nguồn lực xây dựng Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ 5, 25/11/2021 | 08:41:24
5,966 lượt xem
Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, do đó đòi hỏi các cơ chế, chính sách mới, phù hợp với xu thế phát triển.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã và đang làm thay đổi diện mạo, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020; các chủ trương, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM, bên cạnh việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù đến năm 2020 (Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND, ngày 16/8/2011, Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND, ngày 07/02/2013, Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND, ngày 7/11/2013, Quyết định số 2376/QĐ-UBND, ngày 21/9/2018, Quyết định số 1420/QĐ-UBND, ngày 28/5/2019 …). Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thay đổi toàn diện cả về lượng và chất trong lộ trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần làm nên những kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng NTM của tỉnh.

Mới đây, ngày 11/10, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “thắp sáng đường quê” trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉnh hỗ trợ 50% giá trị thiết bị (đèn năng lượng mặt trời), phụ kiện theo giá trị quyết toán, phần kinh phí còn lại do nhân dân tự đóng góp và các nguồn huy động hợp pháp khác; những xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được hỗ trợ trước. Cơ chế này được đánh giá đúng, kịp thời trong điều kiện xây dựng NTM nâng cao còn nhiều khó khăn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân; tạo động lực phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn. 

Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Hiện nay, ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kiến Xương, người dân tự đứng ra đóng góp, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường giao thông liên thôn, ngõ xóm. Ngoài chi phí lắp đặt, hàng tháng các hộ phải đóng thêm tiền để duy trì việc chiếu sáng. Tỉnh có cơ chế hỗ trợ đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời bảo đảm quy chuẩn, chính quyền địa phương và nhân dân rất phấn khởi, nhất trí ủng hộ cao bởi qua đó đã góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân, nhất là đối với các khu vực thưa dân cư, chưa có điều kiện tài chính.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thái Thụy lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ có từ 30% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với việc ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã thành lập tổ công tác để trực tiếp phụ trách, chỉ đạo các xã xây dựng NTM nâng cao. 

Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với phương châm “làm đâu chắc đó”, ngoài 11 tiêu chí do UBND tỉnh quy định, huyện bổ sung 2 tiêu chí đối với các xã đạt chuẩn NTM nâng cao: có sản phẩm OCOP, có nhà văn hóa thôn kiểu mẫu. Đồng thời, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ các xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2022, định mức 500 triệu đồng/xã. Với sự động viên, khích lệ đó, năm 2021 huyện Thái Thụy có 2 xã được đoàn thẩm định của tỉnh công nhận hoàn thành bộ tiêu chí NTM nâng cao.

Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn tới, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực, các địa phương cần nguồn kinh phí để duy trì, nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn NTM và xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu (xây rãnh thoát nước, nâng cấp, mở rộng trường học, nhà văn hóa, cảnh quan môi trường...), trong khi nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất hạn chế, nguồn hỗ trợ xi măng không còn (từ tháng 9/2019), nguồn huy động từ các doanh nghiệp, huy động sức dân đã đến ngưỡng... Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã xây dựng dự thảo, tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm tính toàn diện, bao quát và tạo điểm nhấn, tập trung hỗ trợ các nội dung gắn với phát triển sản xuất (xây dựng hạ tầng các vùng chuyển đổi, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn...), hỗ trợ đầu tư các công trình có tính chất thiết yếu, liên vùng, có tác dụng lan tỏa.

 Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và bộ tiêu chí, cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình chưa được trung ương quyết định và ban hành, do đó tỉnh chưa có căn cứ để ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đến năm 2030 có từ 40% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 20% số xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 huyện trở lên được công nhận huyện NTM nâng cao, Nghị quyết số 01-NQ/TU xác định: Đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; các nội dung khuyến khích, ưu tiên, ưu đãi đầu tư phải thực sự đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư; đặc biệt, tránh đầu tư dàn trải, phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Tin rằng, Nghị quyết số 01-NQ/TU sẽ tạo đột phá từ nhận thức đến hành động cho các cấp, ngành, địa phương trong xây dựng NTM giai đoạn mới, xây dựng nông thôn Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vùng trồng măng tây tại xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) cho hiệu quả kinh tế cao

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày