Thứ 6, 15/11/2024, 13:26[GMT+7]

Vũ Thắng Phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 25/03/2013 | 08:24:24
1,475 lượt xem
Phát huy truyền thống vẻ vang, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Vũ Thắng lại tích cực chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp theo tiêu chí nông thôn mới.

Xã Vũ Thắng (Kiến Xương) đang trên đường xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Đức

Là địa phương có truyền thống cách mạng, trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Vũ Thắng (Kiến Xương) đã làm nên nhiều kỳ tích được cả nước biết đến. Năm 1985, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lao động trong sản xuất nông nghiệp”; năm 2005, Vũ Thắng lại vinh dự được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Vũ Thắng lại tích cực chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu đẹp theo tiêu chí nông thôn mới.

Cán bộ và nhân dân Vũ Thắng xác định: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời cũng là cuộc cách mạng lâu dài, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khắc phục lối sản xuất nhỏ. Xây dựng nông thôn mới nhằm khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động. Chính vì vậy, tuy không được chọn là xã điểm của tỉnh, huyện nhưng tới nay Vũ Thắng đã hoàn thành 9/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Nằm ở phía Tây Bắc huyện Kiến Xương, Vũ Thắng có trên 1.400 hộ với hơn 5.200 nhân khẩu, trong đó trên 90% số hộ làm nông nghiệp, mức thu nhập tính đến năm 2012 đạt 19.600.000 đồng/người/năm. Hết năm 2011, nhân dân trong xã đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa (DĐĐT), giao ruộng cho dân, tổng số hiện còn 2.434 thửa, giảm 1.077 thửa (bằng 31%) so với trước, bình quân 1,58 thửa/hộ, trong đó có thôn 5 chỉ còn bình quân 1,1 thửa/hộ. Ông Ngô Xuân Tám, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thuận lợi với xã khi thực hiện DĐĐT đó là đồng ruộng tập trung, không bị chia lẻ. Hơn nữa, những năm trước đây, Vũ Thắng là địa phương đi đầu của tỉnh về năng suất lúa. Xã đã thực hiện DĐĐT từ rất lâu rồi, bờ thửa, mương máng được Viện Thủy lợi quy hoạch, nay vẫn dựa vào quy hoạch cũ và chỉnh sửa lại cho phù hợp với các tiêu chí nông thôn mới”.

Sau khi DĐĐT, 8/8 thôn đều quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa với diện tích mỗi vùng từ 10 - 30 ha, chủ yếu cấy giống RVT cho Viện Giống cây trồng Trung ương. Về giao thông thủy lợi (GTTL), toàn xã có 8.700m mương loại I, hiện tại đã cứng hóa được 1.400 m. Nhân dân tự nguyện hiến mỗi khẩu 30 m2 đất làm GTTL; đào đắp được 21.410 m3 đường trục rộng 4,5 m (đạt 75%), trục 2,5 m đào đắp được 24.820 m3 (đạt 76%), trong đó trục 2,5 m do nhân dân tự nguyện đóng góp ngày công và kinh phí để làm. Hàng năm xã tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy vì vậy luôn chủ động trong việc tưới tiêu. Đây là một trong những lý do lý giải vì sao Vũ Thắng là đơn vị đi đầu trong thay đổi phương thức sản xuất với diện tích gieo sạ luôn dẫn đầu huyện giúp giảm chi phí sản xuất, năng suất lúa tăng từ 10 - 15%, cây lúa sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh. Từ thắng lợi của mô hình gieo thẳng vụ xuân năm 2008 ở Vũ Thắng mà hiện nay tỉnh, huyện đang chỉ đạo nhân rộng cho các xã.

Trước khi xây dựng nông thôn mới, giao thông ở xã đã được chú trọng đầu tư. Toàn xã có 2.800 m trục đường giao thông liên xã có nền đường 9 m, mặt đá 3 m; 4 tuyến trục đường liên thôn với tổng chiều dài 4.230 m, nền 4 - 4,5 m, cứng hóa bê tông mặt 2 m. Để đạt tiêu chí nông thôn mới chỉ cần chỉnh trang, mở rộng thêm bề mặt, vì vậy hoàn thành tiêu chí này với Vũ Thắng không còn quá khó. Hiện tại, 100% hộ dân trong xã đều được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước sạch liên xã (Vũ Hòa, Vũ Thắng, Vũ Vinh) do Ngân hàng Thế giới đầu tư; 95% hộ có đủ 3 công trình: nhà tắm, bể nước, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Từ năm 2003, ở mỗi thôn đã thành lập tổ thu gom rác thải, hiện tại 3 bãi rác đã được quy hoạch, nghĩa trang cũng được xây dựng theo đúng quy chuẩn. Tuy ít ngành nghề, nhưng người dân Vũ Thắng đi làm xa khá đông, nhiều con em đi xuất khẩu lao động nên thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 3,8%, không còn nhà tạm, nhà ở dột nát. Hệ thống điện của xã cũng được chú trọng, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đúng tiêu chuẩn. Hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tính đến hết năm 2012, Quỹ có gần 1.500 thành viên, tổng vốn hoạt động là 27 tỷ 981 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2011 là 41%, riêng nguồn vốn huy động tiền gửi dân cư chiếm 92,35% tổng nguồn vốn, tăng 68,61% so với 2011. Con số ấy đã phần nào chứng minh cho sự đi lên trong đời sống của người dân địa phương.

Ngọn gió nông thôn mới thổi bừng khí thế, quyết tâm để Vũ Thắng phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 10% so với năm 2012. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp còn 37%, tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 38%, thương mại dịch vụ là 25%; giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/1 ha canh tác.

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày