Thứ 6, 15/11/2024, 13:38[GMT+7]

HTX DVNN Nam Phú Điểm tựa tin cậy giúp nông dân phát triển kinh tế

Thứ 4, 17/04/2013 | 09:38:47
933 lượt xem
Quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Nam Phú đã “phôi thai” và hình hài, vóc dáng nông thôn mới đang dần hiện hữu. Góp phần cùng với các ban, ngành, đoàn thể, HTX DVNN Nam Phú đã, đang và tiếp tục là điểm tựa giúp nông dân phát triển kinh tế, khẳng định vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Rừng ngập mặn của Nam Phú được trồng mới, chăm sóc góp phần phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ môi trường sinh thái

Cũng như nhiều xã khác của huyện Tiền Hải, năm 2013 Nam Phú bước sang năm thứ ba xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Suy cho cùng, nông thôn mới là mang lại đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn cho người dân nên hầu hết các tiêu chí đều liên quan tới người nông dân, do vậy Nam Phú xác định nông dân là chủ thể trong XDNTM. Song một câu hỏi lớn đặt ra là bắt đầu từ đâu, phải làm gì để nông dân làm chủ? Thu nhập chủ yếu của nông dân dựa vào nông nghiệp, vậy giải bài toán mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn, hiệu quả thấp với rủi ro cao bằng cách nào? Quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Nam Phú đã “phôi thai” và hình hài, vóc dáng NTM đang dần hiện hữu. Góp phần cùng với các ban, ngành, đoàn thể, HTX DVNN Nam Phú đã, đang và tiếp tục là điểm tựa giúp nông dân phát triển kinh tế, khẳng định vai trò chủ thể của họ trong XDNTM.

 

Năm 2012, trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thiên tai, sâu bệnh hại khắc nghiệt, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản lại thấp, đặc biệt cơn bão số 8 đã  làm phần lớn diện tích lúa của xã giảm năng suất từ 30 – 40%... nhưng với năng suất bình quân 116 tạ/ha/năm, Nam Phú vẫn đạt tổng sản lượng 3.016 tấn, năng suất bình quân đầu người 650kg/người/năm. Toàn xã có 29 ha đất màu, nhân dân đã đầu tư, cải tạo thâm canh, tăng và xen vụ,  chủ yếu là rau các loại, dưa bầu bí, đậu tương, ngô… mang lại thu nhập từ  1,5 - 2 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài ra nhân dân còn tận dụng vườn, gồ để đầu tư trồng cây ăn quả, cây cảnh mang lại nguồn thu  đáng kể. Nhiều hộ xã viên đã khắc phục khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi từ V.A.C, đem lại thu nhập khá. Tiêu biểu như các hộ: ông Phạm Hồng Thái, bà Dương Thị Hưng  (thôn Hợp Phố); ông Phạm Văn Huyền, bà Phạm Thị Đông (thôn Thúy Lạc); ông Phạm Văn Giới, bà Phạm Thị Chanh (thôn Bình Thành)... Chủ nhiệm HTX DVNN - Trần Ngọc Chấn cho biết, vụ xuân năm 2013 diện tích lúa của xã là 250ha (giảm 11,5ha làm giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng nông thôn mới), phấn đấu đạt năng suất cả năm 130 tạ/ha và tổng sản lượng  3.347 tấn. Để đạt được điều đó, HTX DVNN đã tham mưu chỉ đạo các biện pháp cụ thể, sát thực với từng khu vực và từng vùng. Về cơ cấu giống, tăng lúa lai, lúa chất lượng lên 50 - 60% diện tích ở vụ xuân và giảm ở vụ mùa. Chú trọng đến các giống như : J01, J02, QR1, QR2, nếp Nhật… góp phần tăng giá trị hàng hóa. Đối với 29ha chuyên màu, HTX tổ chức cho xã viên trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn so với cấy lúa từ 1,5 – 2 lần.

 

Để giải được bài toán sản xuất nhỏ, ruộng đất manh mún, phân tán, HTX tích cực tuyên truyền vận động bà con xã viên hiểu và ủng hộ chủ trương dồn điền đổi thửa. Kết quả hết năm 2012, sau dồn đổi đất canh tác của Nam Phú còn 1.570 thửa, bình quân 1,3 thửa/hộ, giảm 0,5 thửa/hộ so với trước khi dồn đổi. Do đặc thù xã ven biển, đất canh tác thường bị nhiễm chua mặn, phải chịu “đầu sóng, ngọn bão” nên Nam Phú rất coi trọng củng cố đê điều, thủy lợi nội đồng. Cùng với dồn đổi, 4 thôn của xã đã thực hiện tổng khối lượng đào đắp 50.000m3 đất phục vụ làm giao thông, thủy lợi nội đồng. Ban quản trị HTX đã đầu tư  trên 66 triệu đồng nạo vét, vệ sinh  mương cấp 3, xây dựng cống mới nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã đầu tư gần 150 triệu đồng nạo vét sông B2NT xuống cống 7 phục vụ tưới tiêu cho khu vực nuôi trồng thủy sản và vùng trũng cấy lúa ở B2NT.

 

Theo dự kiến, năm 2013 HTX tiếp tục đầu tư các cống bi tưới, tiêu nước ở tất cả các dây và các đầu khâu, tu bổ và nạo vét thường xuyên mương cấp 2 và cấp 3, tu bổ bờ vùng bờ thửa. Chủ trương trong chăn nuôi của Nam Phú là phát triển gia trại, trang trại nhỏ và vừa, đa dạng hóa về sản phẩm chăn nuôi, chủ động phòng chống dịch bệnh (đặc biệt là phòng bệnh H5N1) cho đàn gia cầm. Giữ ổn định thường xuyên  tổng đàn lợn 3.500 con, trong đó 350 con lợn nái; đàn trâu bò từ 480 con trở lên, tiếp tục sind hóa đàn bò; đàn gia cầm từ 17.500 – 20.000 con, mở rộng hình thức nuôi bán công nghiệp và mô hình thả vườn. Với lợi thế là xã có diện tích nuôi trồng thủy - hải sản lớn nhất huyện, Nam Phú xác định kinh tế biển là mũi nhọn, bằng hình thức đấu thầu, khoán hộ đã đưa vào khai thác nuôi thả các giống hiệu quả cao. Xã, HTX đã phối hợp tích cực với MCD (tổ chức phi chính phủ) mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản nên năng suất cá, tôm, ngao tăng nhanh mà lại bảo vệ được môi trường. Nhiều bà con ven biển còn đầu tư mua tàu, thuyền, ngư cụ khai thác cá trên sông, ven biển góp phần nâng cao thu nhập.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã - Trần Văn Kim, hết tháng 3, xã đã tổ chức nuôi thả được trên 90% trong tổng diện tích  1.050 ha, với 830 ha nuôi nước mặn, lợ thả tôm sú, cua xanh, cá rô phi đơn tính; 60ha nuôi ngao giống; 135 ha nước ngọt (vùng trong đê) thả trắm đen, vược, trôi, mè, chép... HTX đã phối hợp với Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản hướng dẫn xã viên kỹ thuật chuẩn bị đầm, bãi, kỹ thuật nuôi và khuyến cáo việc kiểm dịch con giống. Cũng trong tháng 3, Ban quản trị HTX DVNN Nam Phú tất bật sát cánh cùng bà con xã viên đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ 250 ha lúa xuân; củng cố và hoàn thiện tổ nông giang làm tốt công tác dẫn nước và bảo vệ đồng ruộng; tổ chức tốt chiến dịch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; chuẩn bị phòng chống hạn hán và bão lũ.

Bài, ảnh: Phan Lợi

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày