Thứ 6, 15/11/2024, 13:53[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Nam Cao Khó về tiêu chí môi trường

Thứ 5, 25/04/2013 | 10:58:43
1,081 lượt xem
Huyện Kiến Xương hội tụ nhiều làng nghề nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, các làng nghề góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ngày một gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân. Trong đó ô nhiễm môi trường làng nghề dệt đũi Nam Cao đang là mối lo ngại.

Gia trại chăn nuôi tập trung của gia đình anh Nguyễn Ngọc Ánh, xã Nam Cao.

Xã Nam Cao có hơn 2.000 hộ dân, trong đó có trên 300 hộ làm nghề dệt đũi. Thời hưng thịnh, làng nghề thu hút gần 100% lao động của địa phương. Mặc dù có nhiều thăng trầm, nghề truyền thống dệt đũi vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ dân. Bộ mặt nông thôn cũng ngày càng thay da đổi thịt, hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa, những ngôi nhà hai, ba tầng nối tiếp nhau vươn cao. Làng quê ở đây sung túc hơn rất nhiều những làng quê khác. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường.

 

Hàng năm, làng nghề dệt đũi Nam Cao sử dụng gần 300 tấn nguyên liệu và hơn 20 tấn hóa chất các loại, như: axit, thuốc tẩy, lưu huỳnh... Sau khi dệt, sản phẩm được đem đi tẩy trắng hoặc nhuộm theo yêu cầu của thị trường. Đặc điểm của làng nghề là sản xuất phân tán trong khu dân cư, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chắp vá. Do vậy hiệu quả sản xuất không cao, chất lượng sản phẩm kém, tiêu tốn nhiều nguyên - nhiên liệu, lượng chất thải do quá trình sản xuất lớn. Hơn nữa, các cơ sở dệt nhuộm chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải sản xuất cùng với nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nước mặt nghiêm trọng.

 

Nam Cao là xã có diện tích nhỏ, với 38 ha đất ở, trong khi đó dân số trên 6.000 nhân khẩu. Những năm gần đây, làng nghề phát triển chậm, người dân quay sang chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn. Hiện, tổng đàn gia súc của xã đạt gần 10.000 con, với 80% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô từ 5 - 10 con, nằm ngay cạnh khuôn viên nhà ở, chen chúc trong khu dân cư vốn đã chật hẹp. Mặc dù một số gia đình đã đầu tư hầm bioga, (toàn xã có 250 hầm bioga) nhưng vẫn như “muối bỏ biển”. Hầu như nước thải từ khu chăn nuôi được xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, không khí.

 

Không chỉ có chăn nuôi nhỏ lẻ mà chăn nuôi quy mô lớn cũng không được cải thiện nhiều. Toàn xã có 5 gia trại, mặc dù các gia trại này nằm tách biệt với khu dân cư nhưng việc xử lý chất thải trong chăn nuôi vẫn chưa được chú trọng, nước thải vẫn chảy trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của thôn, xã. Theo ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch UBND xã thì: Chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu ích nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bởi, đa số người dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, nằm rải rác khắp các thôn. Mặc dù công tác tuyên truyền đã được chú trọng nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa thay đổi. Họ chỉ biết nuôi, còn ảnh hưởng đến môi trường như thế nào họ cũng không mấy quan tâm, và dù có biết nhưng vì cuộc sống họ cũng không thể chuyển sang nghề khác.

 

Đến nay, Nam Cao đã đạt 12/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Môi trường là một trong những tiêu chí khó đối với Nam Cao. Vì vậy, xã đã xác định cần phải tập trung giải quyết vấn đề môi trường, coi bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ xã đến các thôn. Xã đã thành lập 10 tổ thu gom rác thải tại 10 thôn. Lúc đầu, việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn vì người dân đã quen với việc xả rác ra vệ đường, ao, hồ, mương máng.

 

Các đoàn thể trong xã, các thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường thông qua các buổi sinh hoạt và đưa thành một tiêu chí để đánh giá thi đua hằng năm. Đài truyền thanh xã thường xuyên tuyên truyền về nếp sống ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường ngay từ gia đình đến các ngõ xóm, kịp thời biểu dương các gia đình, cá nhân có những việc làm giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; đồng thời phê phán những trường hợp chưa có ý thức tự giác thực hiện. UBND xã đã quy hoạch diện tích đất làm bãi rác cách xa khu dân cư với diện tích trên 2.000 m2, hỗ trợ tiền mua xe chở rác, chổi quét, cuốc, xẻng và dụng cụ bảo hộ lao động cho các tổ thu gom rác... Đến nay, 100% lượng rác thải sinh hoạt đều được thu gom, vận chuyển tập kết về bãi chứa theo quy định.

 

Cũng theo ông Nguyễn Duy Minh thì khó khăn lớn nhất của Nam Cao hiện nay là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do phát triển làng nghề, chăn nuôi. Nguồn nước sinh hoạt của người dân hiện không được bảo đảm do nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước được lấy từ nước mặt của sông nội đồng, một nhánh của sông Trà Lý. Trong khi theo quy định, nước đạt chuẩn phải lấy từ các con sông chính. Thời gian tới, chính quyền địa phương rất mong sớm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng nhà máy nước theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày