Thứ 6, 15/11/2024, 13:20[GMT+7]

Chuyển biến sau 2 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 29/04/2013 | 19:34:47
1,092 lượt xem
Sau 2 năm các xã thực hiện xây dựng NTM đã có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp; sản xuất phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao… Qua đây có thể khẳng định xây dựng NTM là tất yếu, hợp với quy luật phát triển, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của dân cư nông thôn.

Ngành Nông nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa để nhân ra diện rộng.

Thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, hai năm qua (2011-2012) các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực triển khai thực hiện, bước đầu  thu được một số kết quả khả quan. Đến nay, 8 xã điểm của tỉnh đạt từ 14-18 tiêu chí, tăng 5-8 tiêu chí so với trước khi thực hiện Đề án thí điểm xây dựng NTM của tỉnh; 70 xã điểm (giai đoạn 2011-2015)  đạt từ 11 tiêu chí trở lên, tăng 4-6 tiêu chí so với trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; các xã còn lại đều hoàn thành quy hoạch, nhiều xã xong dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng.

 

Như vậy, sau 2 năm các xã thực hiện xây dựng NTM đã có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp; sản xuất phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao… Qua đây có thể khẳng định xây dựng NTM là tất yếu, hợp với quy luật phát triển, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của dân cư nông thôn.

 

Theo quan điểm của tỉnh trong xây dựng NTM, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, trước hết là phải ưu tiên cho phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Đến hết tháng 12/2012, toàn tỉnh đã có 253/267 xã thực hiện xong dồn điền đổi thửa. Sau dồn điền đổi thửa, các xã giảm được 51,8% số thửa; bình quân hiện còn  1,79 thửa/hộ (trước đây bình quân 3,67 thửa/hộ). Trong và sau dồn điền đổi thửa, nhiều xã đã bố trí các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh để sản xuất trên các vùng đã được quy hoạch, với quy mô hàng trăm héc-ta/vùng. Đồng thời tỉnh đã lựa chọn 9 xã để làm thí điểm mô hình cánh đồng mẫu, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp từ khâu cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn khoa học kỹ thuật đến tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu, các vùng sản xuất hàng hóa do các xã tự đứng ra thực hiện và các mô hình điểm cánh đồng mẫu đã cho kết quả khá tốt, năng suất, giá trị cây trồng tăng từ 10-20% so với sản xuất cũ; các hộ nông dân rất phấn khởi với kết quả này, đồng tình hưởng ứng nhân rộng vùng sản xuất, chấp hành nghiêm túc theo hướng dẫn của các đơn vị phối hợp thực hiện.

 

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, với mục đích giảm chi phí đầu vào, giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, gắn kết mùa vụ… trong 2 năm (2011-2012) tỉnh đã hỗ trợ trên 60 tỷ đồng cho các hộ dân mua gần 700 máy gặt, máy làm đất cỡ trung và lớn. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng có những cú hích khá mạnh về chủ trương ở tầm vĩ mô. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1310/QĐ-UBND, ngày 13/7/2011 về phê duyệt Đề án phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

 

Theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, đến nay toàn tỉnh có 524 trang trại đạt tiêu chí; trong đó trang trại trồng trọt chiếm 0,77%, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm 31,87%, trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm 64,69%... Các trang trại đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.385 lao động. Ngoài ra, tỉnh đã rà soát, điều chỉnh bổ sung 17 vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt, 10 vùng nuôi nước lợ tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô công nghệ bán thâm canh đến thâm canh. Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - TTCN, dịch vụ, thương mại phát triển khá mạnh, góp phần không nhỏ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng tích cực.

 

Toàn tỉnh hiện có 43 cụm công nghiệp được quy hoạch, với tổng diện tích 1.226 ha; trong đó, 26 cụm đã có doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho 13.232 lao động nông thôn. Các làng nghề truyền thống được duy trì phát triển, như nghề thêu, dệt khăn, chế biến lương thực…; hiện toàn tỉnh có 241 làng nghề được công nhận, tăng 8 làng nghề so với năm 2011… Có thể khẳng định, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, từ chủ trương đến đầu tư phát triển sản xuất ở các lĩnh vực đã chuyển biến khá mạnh, đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao theo đúng mục tiêu của Nghị quyết 02 đã đề ra.

 

Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, ngoài nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã đầu tư, cơ bản các hộ dân đã đồng thuận đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến công trình để tham gia xây dựng NTM. Đến nay, tiêu chí số 2 về giao thông đã làm được 173,088 km; tiêu chí số 3 về thủy lợi, kiên cố kênh mương được 97,816 km; tiêu chí số 5 về trường học, cải tạo, nâng cấp và xây mới được 15 trường THCS, trường tiểu học và mầm non được 390 phòng học… Nhìn chung, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới; điện, đường, trường, trạm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, sản xuất, học tập, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong 2 năm, tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM khoảng 1.883,979 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 476,979 tỷ đồng, ngân sách địa phương 669 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 459 tỷ đồng…

 

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và người dân nông thôn trong xây dựng NTM, đến nay có 11 xã đạt 15-18 tiêu chí, 116 xã đạt 11-14 tiêu chí, 100 xã đạt từ 8-10 tiêu chí, 40 xã đạt 6-8 tiêu chí. Đặc biệt, có 4 xã không thuộc diện làm điểm của tỉnh  nhưng đã đạt 15 tiêu chí trở lên, như Thụy Phúc, Thụy Văn (Thái Thụy), Vũ Tây, Vũ Ninh (Kiến Xương) và có khả năng hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2013. Năm 2013, tỉnh phấn đấu có 10 xã hoàn thành 19 tiêu chí; 70 xã làm điểm giai đoạn II bình quân đạt 14-16 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 8 tiêu chí trở lên.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày