Thứ 7, 23/11/2024, 10:18[GMT+7]

Đồng Tiến: Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Thứ 7, 29/07/2023 | 10:48:28
13,763 lượt xem
Nhằm thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên nông dân xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) đã tích cực tham gia sản xuất gắn với bảo vệ môi trường bằng nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực.

Mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô của anh Hà Văn Bốn (người bên trái) thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ).

Ông Hà Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tiến cho biết: Toàn xã có 88ha đất chuyển đổi với 26 trang trại, gia trại; có 45 cá nhân, gia đình hội viên tham gia tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 62ha. Trước đây, việc sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường chưa được người dân quan tâm đúng mức, lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật thu gom được khoảng 5 - 7 tạ/vụ. Nhiều mô hình chăn nuôi không bảo đảm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên, Hội Nông dân xã thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã xây dựng 3 mô hình về bảo vệ môi trường với 30 thành viên, thường xuyên tổ chức thu gom rác thải trên đồng ruộng. Đồng thời, tích cực vận động bà con áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quán triệt các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thực hiện theo đúng quy định, khuyến cáo của HTX; đầu tư xây dựng 50 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ở bờ ruộng của các thôn. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.

Thông qua những hoạt động này, nhận thức của hội viên, nông dân trong xã dần thay đổi. Hầu hết các trang trại, gia trại đã được chuyển ra khu chăn nuôi tập trung để không ảnh hưởng đến các hộ trong khu dân cư. Lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nilon tại mỗi thôn giảm còn 50 - 60 kg/lượt thu. Trình độ thâm canh của người dân được nâng lên, năng suất lúa cũng tăng. Nhiều hội viên, nông dân đã tích cực áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Là hộ điển hình trong tích tụ ruộng đất với 18ha, anh Hà Văn Bốn, thôn Cổ Đẳng đã mạnh dạn đầu tư mua máy rắc phân, thuê máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật để tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe, môi trường. Anh Bốn chia sẻ: Từ khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tôi giảm công lao động và hiệu quả tăng lên rất nhiều. Mỗi vụ gia đình thu hoạch được khoảng 68 tạ thóc/ha.

Anh Bốn còn tích cực ứng dụng kiến thức, kỹ thuật vào mô hình đa canh của gia đình. Anh đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng hệ thống biogas và 2 bể lọc để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn. Còn đối với mô hình nuôi ếch, anh nuôi kết hợp với cá rô trên cùng diện tích ao để tăng thu nhập và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường ao nuôi. 

“Cách làm này đã mang lại cho tôi hiệu quả kép. Trong quá trình phát triển, con ếch sẽ thải ra phân và da chết. Nếu không vệ sinh thường xuyên sẽ khiến môi trường ao bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây ra các loại bệnh. Khi đưa cá rô vào nuôi, cá sẽ ăn phân, da chết của ếch giúp giữ gìn môi trường ao luôn sạch sẽ, không có mùi hôi. Nhờ duy trì mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 500 - 600 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước đây” - anh Bốn chia sẻ.

Trên địa bàn xã Đồng Tiến có nhiều hội viên, nông dân phát triển kinh tế từ mô hình xưởng may công nghiệp, trong đó có gia đình anh Hà Đăng Doanh, thôn Cổ Đẳng. Với trên 10 năm sản xuất hàng may mặc, anh Doanh đang tạo việc làm cho khoảng 50 lao động địa phương. Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường cũng được xưởng may của anh chú trọng. 

Anh Doanh cho biết: Hiện tại xưởng may của gia đình tôi sản xuất khoảng 94.000 sản phẩm/năm. Trong quá trình sản xuất sẽ khó tránh được vải vụn phát sinh. Thay vì lựa chọn cách đưa ra bãi rác tập kết để đốt, chúng tôi gom lại và tận dụng để tạo ra sản phẩm mới hoặc cho những người dân cần dùng.

Anh Hà Đăng Doanh tận dụng vải vụn trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Châu Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến đánh giá: Bằng sự linh hoạt, sáng tạo, cán bộ, hội viên nông dân trong xã đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cùng các ban, ngành, đoàn thể hoàn thành tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để Hội Nông dân xã tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đồng hành cùng nông dân nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.


Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày