Thứ 6, 15/11/2024, 10:51[GMT+7]

Thượng Hiền Cán đích tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 24/07/2013 | 10:51:41
1,933 lượt xem
Là 1 trong 8 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Kiến Xương, đến nay Thượng Hiền đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Trong đó, môi trường- một trong những tiêu chí khó nhất, Thượng Hiền cũng đã đạt được.

Bể tẩy liên hoàn xử lý nước thải của Doanh nghiệp Du Dương (xã Thượng Hiền, Kiến Xương).

Thượng Hiền là xã nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan xuất khẩu, được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề năm 2007. Những năm qua, đời sống nhân dân ở đây được cải thiện khá rõ rệt, một mặt là do sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa, mặt khác là nhờ khôi phục và phát triển làng nghề mây tre đan truyền thống. Làng nghề mang lại nguồn thu lớn cho người dân, nhưng cũng kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường. Dẫn chúng tôi đi thăm một số cơ sở đan mây tre, ông Phạm Đức Thơi, cán bộ khuyến công xã cho biết: Ước tính mỗi năm toàn xã nhập về khoảng 200 tấn nguyên liệu, trên 5 tấn hóa chất để sơ chế và bảo quản sản phẩm, chủ yếu là: lưu huỳnh chống mốc, ba-zơ, ô-xi già tẩy trắng, keo, phẩm màu công nghiệp dùng nhuộm cho sản phẩm được bóng, cứng. Khi nhập nguyên liệu về, việc đầu tiên là phải dùng hóa chất để tẩy trắng, từ lúc còn là nguyên liệu thô cho đến khi hoàn thành sản phẩm luôn luôn chú ý đến khâu bảo quản không để bị mốc, công đoạn sau cùng là nhúng keo, nhuộm màu. Chính việc thường xuyên sử dụng hóa chất tẩy trắng, sấy khô, nhuộm màu cho các sản đã thải ra môi trường một lượng lớn nước thải, khí thải độc hại.

Khi hỏi về thông số cho phép sử dụng các hóa chất trong sản xuất và quá trình xử lý chất thải, ông Thơi chia sẻ: Trước đây, quá trình sản xuất thô sơ lạc hậu, chủ yếu làm bằng tay. Cụ thể như khi tẩy trắng và nhuộm màu cho sản phẩm, người dân tự pha chế dung dịch, đổ ra các chậu lớn, bể chứa tự chế rồi tiến hành tẩy, nhuộm cho đến khi sản phẩm đẹp thì thôi, chất thải còn thừa phần lớn không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường để các hóa chất tự phân hủy. Từ khi được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới, cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã chung tay cùng với nhân dân trong xã có những biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến môi trường và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 Đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng mây tre đan xuất khẩu trên địa bàn xã cơ bản đạt tiêu chuẩn về môi trường, giảm thiểu tối đa các hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường; đầu tư hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống xử lý chất thải. UBND xã tuyên truyền, vận động các cơ sở tránh đốt lưu huỳnh vào những khung giờ cao điểm (từ 10h – 12h và từ 17h – 21h) vì đây là thời điểm các gia đình trong thôn sinh hoạt tập trung. Khi đốt cần phải phủ bạt che chắn thật kín, tránh để khí lưu huỳnh lọt ra ngoài sẽ làm hoen rỉ những vật dụng bằng kim loại và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nói về việc mùi lưu huỳnh ảnh hưởng đến môi trường, bác Phạm Thị Thu, nhà gần cơ sở mây tre đan Du Dương cho biết: “Trước đây, cứ khoảng 9h tối, cở sở này lại đốt lưu huỳnh để sấy khô sản phẩm, mùi bốc lên nồng nặc, con tôi không thể ngồi học bài được, phải lánh đi chờ hết mùi mới về học tiếp. Gia đình tôi đã làm đơn kiến nghị và chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời nên hiện nay không còn xảy ra tình trạng này nữa”. Việc xử lý nước thải cũng được giải quyết khá tốt, lượng nước thải trước khi đưa ra môi trường được xử lý qua bể tẩy liên hoàn, những hóa chất độc hại được lọc qua các lớp cát, đá, sỏi, than hoạt tính. Hiện tại, toàn xã có 4 hệ thống bể tẩy liên hoàn đạt tiêu chuẩn phục vụ cho người dân trong quá trình sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu.

Bên cạnh việc chú trọng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường từ làng nghề, xã tăng cường tuyên truyền đến các hộ gia đình về vệ sinh môi trường trong khu dân cư. 4/4 thôn có đội vệ sinh môi trường tự quản, đảm nhận việc thu gom rác thải sinh hoạt của người dân 2 buổi/tuần, sau đó tập kết về bãi rác do UBND xã quy định. Các đội vệ sinh môi trường được thành lập trên tinh thần tự nguyện, dân chủ và hưởng thù lao từ nguồn kinh phí do nhân dân trong thôn đóng góp với mức phí 5.000 đồng/hộ gia đình/tháng.

Vào ngày 24 hàng tháng, Trạm Y tế xã kết hợp với các hội, đoàn thể trong 4 thôn tổ chức cho nhân dân lao động vệ sinh môi trường, với các hoạt động cụ thể như: phát quang bụi rậm, khơi thông các cống rãnh nơi công cộng; đôn đốc nhắc nhở các hộ gia đình giữ vệ sinh chung, để gọn rác vào nơi quy định, không vứt rác bừa bãi… Nhờ duy trì hoạt động hiệu quả của mô hình này nên môi trường ở Thượng Hiền được cải thiện đáng kể, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi làm mất vệ sinh chung. Đường làng, ngõ xóm phong quang sạch sẽ, nhân dân các thôn có ý thức hơn và hưởng ứng tham gia nhiệt tình công tác vệ sinh môi trường tại địa phương.

Với việc hoàn thành tiêu chí môi trường, Thượng Hiền đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí còn lại: Giao thông, thủy lợi, văn hóa, trường học phấn đấu cán đích xã nông thôn mới trước năm 2015.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày