Thứ 7, 09/11/2024, 22:36[GMT+7]

Nông thôn mới - tinh thần mới từ phái đẹp

Thứ 7, 10/02/2024 | 22:53:05
15,651 lượt xem
Trong bức tranh nhiều màu sắc của xuân mới ở các xã nông thôn mới (NTM) có niềm hạnh phúc lấp lánh trong đôi mắt mỗi người dân. Màu của niềm tin, của khát vọng đổi mới, làm giàu đang được thổi bùng lên trên những những thôn xóm. Trong thành quả ấy, phụ nữ là người tiên phong chăm chút nét đẹp của làng quê. Đó không chỉ là vẻ đẹp nhìn thấy như những con đường hoa rực rỡ, thôn xóm sạch đẹp mà còn là những giá trị văn hóa tinh thần.

Từ trồng hoa, cây cảnh, nhiều gia đình phụ nữ ở xã Hồng Việt (Đông Hưng) trở nên khá giả.

“Đánh thức” tinh thần khởi nghiệp

Tốt nghiệp THPT, chị Vũ Thị Thanh Bình, thôn Lương Ngọc, xã Tân Tiến (Hưng Hà) lấy chồng cùng quê. Anh là nhân viên kỹ thuật về điện tử, điện lạnh. Ước mơ muốn có nghề ổn định đã thôi thúc chị mở xưởng sản xuất hàng điện lạnh, điện tử tại nhà khi có sự giúp đỡ của chồng. Trải qua nhiều khó khăn, đến nay công việc kinh doanh của chị đang phát triển ổn định với khu nhà xưởng rộng 4.000m2, tạo việc làm cho 150 lao động. Trong đó 50 lao động là chị em phụ nữ với mức thu nhập từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của xưởng đã có mặt trên thị trường khắp các tỉnh, thành trong cả nước và có kế hoạch lâu dài để xuất khẩu. 

Nhớ lại những ngày đầu gây dựng xưởng, chị Bình cho biết: Lúc ấy tôi còn trẻ nhưng cũng nghĩ nếu cứ làm nông thuần túy như cha mẹ mình, khó mà giàu lên được. Tương lai khi các con ăn học lên cao sẽ khó khăn nếu chỉ trông chờ vào đồng lương của chồng. Tôi nghĩ phải tìm cách cùng chồng kiếm tiền lo cho các con ăn học và trang trải cuộc sống. Tôi quyết tâm mò mẫm thông tin kinh doanh trên mạng để học hỏi thêm và tìm hướng đi riêng cho chính mình, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Bình là người luôn tạo không khí vui tươi, phấn khởi để gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, là người dung hòa những vướng mắc của các thành viên trong gia đình 3 thế hệ.

Xưởng sản xuất của chị Vũ Thị Thanh Bình, thôn Lương Ngọc, xã Tân Tiến (Hưng Hà) tạo việc làm cho 150 lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh: Tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi địa phương. Khởi nghiệp cũng là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, trí tuệ, khẳng định bản thân. Đây cũng là phương thức thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội. Cùng với nỗ lực, sức mạnh nội tại của mỗi chị em, gia đình hội viên, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh có nhiều hoạt động để đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp như hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác; tín chấp cho gia đình hội viên vay vốn; hỗ trợ cây, con giống; chuyển giao khoa học kỹ thuật... Mỗi chị có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ. Các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ có hiệu quả cao ở các lĩnh vực đã góp phần tạo nên những đổi thay ở những vùng quê nông thôn mới.

Thắm tình chị em

Phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng dẫu truyền thống hay hiện đại, tựu trung lại vẫn luôn đề cao tấm lòng bao dung, nhân ái, vị tha. Đó là một phần làm nên chân dung tâm hồn, cốt cách, giá trị người phụ nữ. Cũng chính tình yêu, lòng nhân ái, sẻ chia là liều thuốc tốt chữa lành những vết thương, bù đắp những thiệt thòi, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Từ “trái tim lớn” là Hội LHPN tỉnh, những nhịp đập yêu thương được kết nối, lan tỏa đến đông đảo tổ chức, cá nhân, góp phần viết nên nhiều câu chuyện đẹp, truyền cảm hứng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thái Thụy thay mặt nhà hảo tâm trao kinh phí hỗ trợ hàng tháng cho trẻ mồ côi. 

Hơn 5.400 suất quà được trao tặng, 53 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa được hỗ trợ xây mới sửa chữa, 824 trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu... là những con số nổi bật trong hoạt động nhân đạo từ thiện mà các cấp hội thực hiện trong năm 2023. Có các hoạt động ý nghĩa này là sự đoàn kết, chia sẻ của mỗi chị em phụ nữ, góp phần kết nối, sưởi ấm những trái tim, lan tỏa tinh thần, thái độ sống tích cực, nhân ái, sẻ chia vì cộng đồng. 

Chị Nguyễn Thị Xiêm ở thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân (Kiến Xương) chia sẻ: Chồng tôi đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ba mẹ con tôi sống nhờ nhà ngoại, bố đẻ tôi bị tai nạn lao động, mẹ đẻ sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm, suy giảm khả năng lao động. Cả nhà sống trong ngôi nhà chật hẹp đã xuống cấp từ lâu và không có kinh tế để tự xây dựng ngôi nhà mới. Rất may mắn có sự hỗ trợ từ Hội LHPN huyện Kiến Xương, Hội LHPN xã, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng người thân, bà con lối xóm chung tay xây dựng cho gia đình ngôi nhà mới.

Khi Hội LHPN huyện Tiền Hải phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chị Trần Thị Thủy, xã Nam Cường hưởng ứng ngay và vận động thêm bạn bè cùng tham gia chương trình. Cá nhân chị nhận đỡ đầu hai em trong một gia đình ở thôn Đức Cường (xã Nam Cường) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. 

Chị Thủy cho biết: Phụ nữ chúng tôi phần lớn đều đã làm mẹ nên rất chia sẻ với những hoàn cảnh không may phải mồ côi. Những ánh mắt trẻ thơ không còn cha, mẹ bên cạnh luôn làm cho tôi cũng như các chị em khác phải trăn trở. Chúng tôi phải làm điều gì đó nhiều hơn nữa mỗi ngày để san sẻ yêu thương, để chương trình “Mẹ đỡ đầu” được duy trì cho đến khi những đứa trẻ trở nên cứng cáp, vững bước vào đời.

Vun đắp tinh thần

Xây dựng NTM không chỉ là đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập mà còn cần đến cảm xúc, cảm xúc tạo ra niềm hạnh phúc. Từ chương trình xây dựng NTM, cuộc sống của những người phụ nữ nông thôn hiện nay đã có nhiều đổi khác. Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao là món ăn tinh thần không thể thiếu của phụ nữ. Tình yêu quê hương được phụ nữ thể hiện qua những bài ca, giai điệu mượt mà. 

Bà Uông Thị Luyến, xã Thái Hưng (Thái Thụy) cho biết: Ban ngày thì đi làm, tối đến chị em bớt chút thời gian tham gia các câu lạc bộ dân vũ, văn nghệ. Ai cũng phấn chấn, tự tin hơn, thêm niềm tin yêu cuộc sống. Đó là sự tiến bộ rõ nét nhất trong phụ nữ nông thôn ngày nay.

 Câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống xã Việt Thuận (Vũ Thư) tham gia giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao năm 2023.

Những người phụ nữ ở các miền quê NTM còn say mê và hạnh phúc vì được góp sức trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống cho quê hương. Hiện toàn tỉnh có gần 100 câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống. 

Bà Phạm Thị Mây, Câu lạc bộ phụ nữ với nghệ thuật chèo truyền thống xã Việt Thuận (Vũ Thư) cho biết: Các thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng cùng đam mê nên cố gắng sắp xếp thời gian thích hợp nhất để cùng tập luyện. Cùng với việc tái hiện các trích đoạn chèo cổ, các tiểu phẩm của các tác giả nổi tiếng, Câu lạc bộ còn tự biên, tự diễn các tiểu phẩm, trích đoạn mang tính thời sự, nhân văn, phản ánh tâm tư tình cảm của nhân dân. Chúng tôi tham gia Câu lạc bộ không chỉ thỏa niềm đam mê hát chèo của bản thân, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở khu dân cư mà mong muốn được lưu truyền nghệ thuật của cha ông đến các con cháu.

Xuân về trong sự yên bình, trong nắng mai vàng tươi thắm, trên những tuyến đường đầy sắc hoa rực rỡ và rợp bóng cờ bay, ấm áp yêu thương trên những miền quê NTM. Mục tiêu mà chương trình xây dựng NTM đặt ra là tiếp tục nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn theo tiêu chí của “hạnh phúc”. Đối với người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, “hạnh phúc” là cùng chung tay xây dựng và thực sự được hưởng thụ thành quả do mình làm nên.

Phương Chi 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày