Thứ 7, 23/11/2024, 10:14[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát huy các giá trị văn hóa

Chủ nhật, 12/05/2024 | 20:35:02
19,293 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”, thời gian qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế, huyện Quỳnh Phụ luôn chú trọng gìn giữ nét đẹp văn hóa, coi văn hóa là một trong những nội dung then chốt, bảo đảm tính bền vững và là nền tảng, động lực quan trọng để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Lễ rước bộ tại lễ hội truyền thống đền A Sào, xã An Thái (Quỳnh Phụ).

Nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân 

Quỳnh Phụ là huyện có truyền thống văn hóa lịch sử và phong trào cách mạng phát triển từ rất sớm; có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị truyền thống lâu đời như đền Đồng Bằng (xã An Lễ), đền La Vân (xã Quỳnh Hồng), đền A Sào (xã An Thái), đền Mẫu Đợi (xã Đông Hải)... Phát huy giá trị truyền thống của địa phương, trong công cuộc xây dựng NTM, huyện xác định văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện. 

Bà Bùi Thị Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Triển khai Nghị quyết số 04- NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu ban hành Đề án số 01 về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, giai đoạn 2021 - 2025”; chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan thông tin tuyên truyền, các tổ chức cơ sở đảng, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức. Ở địa phương, công tác tuyên truyền được tăng cường, quán triệt sâu sắc nội dung, ý nghĩa của văn hóa gắn với chương trình xây dựng NTM thông qua tuyên truyền cổ động trực quan, các cuộc thi tìm hiểu về đề tài NTM với hình thức sân khấu hóa, liên hoan văn hóa văn nghệ, liên hoan tuyên truyền lưu động, qua các lễ hội truyền thống, tổ chức các lớp ngoại khóa trong trường học..., qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. 

An Khê là địa phương đi đầu huyện Quỳnh Phụ trong xây dựng NTM, đến nay đã hoàn thành xây dựng NTM, NTM nâng cao, hiện đang phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu. Địa phương xác định xây dựng NTM hướng đến văn minh, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được những nét đẹp văn hóa đặc sắc, trong đó điệu múa cổ bát dật và tục đốt cây đình liệu tại lễ hội truyền thống đền Lộng Khê đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị qua nhiều thế hệ. 

Điệu múa cổ bát dật được gìn giữ và phát triển mạnh mẽ trong đời sống người dân xã An Khê.

Ông Đỗ Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để điệu múa cổ bát dật được lưu giữ và phát triển, trong quá trình xây dựng NTM, địa phương dành diện tích để mở rộng đền Lộng Khê. Hàng năm, tổ chức lễ hội truyền thống, xã chú trọng quảng bá điệu múa cổ bát dật cùng với tục đốt cây đình liệu đến với người dân và du khách thập phương. Hiện nay, điệu múa cổ được phục dựng, địa phương cũng đưa vào hoạt động ngoại khóa của trường học và đang tạo nên sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân An Khê. 

Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa 

Mục tiêu của Quỳnh Phụ trong giai đoạn 2020 - 2030: 90% di tích quốc gia và 70% di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo; 100% di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 100% các trường học đưa hát chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy; 100% các xã, thị trấn và khuyến khích đến thôn, tổ dân phố có câu lạc bộ hát chèo truyền thống. 

Bà Bùi Thị Nhẫn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết thêm: Trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 gồm 19 tiêu chí, lĩnh vực văn hóa có tiêu chí số 6, trong đó nhấn mạnh về cơ sở vật chất văn hóa. Đến nay, việc tu bổ, tôn tạo di tích và phát triển, khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể đã được hầu hết các địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Trung bình mỗi năm, toàn huyện có từ 20 - 25 di tích được tu bổ, tôn tạo với số vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa; 100% các trường học trên địa bàn huyện đã đưa việc dạy múa và hát chèo vào chương trình học ngoại khóa của nhà trường. Nhiều địa phương trích kinh phí và huy động nguồn xã hội hóa để đầu tư các thiết chế văn hóa: nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, sân bóng...

Nhà văn hóa các thôn của xã An Thái được đầu tư đồng bộ, có đường truyền internet để phục vụ nhân dân. 

Xã An Thái có 5 thôn, hiện nay 5/5 nhà văn hóa thôn được đầu tư đồng bộ, có đường truyền internet và wifi miễn phí bảo đảm chất lượng cho người dân truy cập; có khu vui chơi giải trí, sân bóng, bể bơi... phục vụ người dân. 

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện tiêu chí về văn hóa. Ngay trong việc lựa chọn địa bàn xây dựng chi bộ kiểu mẫu, địa phương cũng chọn một thôn đăng ký nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục duy trì thôn văn hóa. Đặc biệt, năm 2023 khi xã về đích NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, tất cả các nhà văn hóa thôn được xã đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp đồng bộ, tạo diện mạo mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. 


Nguyễn Cường  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày