Thứ 6, 15/11/2024, 08:22[GMT+7]

Kiến Xương Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

Thứ 4, 09/10/2013 | 09:01:28
2,244 lượt xem
Môi trường là tiêu chí số 17 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là tiêu chí khó thực hiện đối với hầu hết các xã nhưng với những giải pháp cụ thể, đến nay Kiến Xương đã có 19/35 xã đạt tiêu chí môi trường.

Người dân huyện Kiến Xương tham gia khơi thông dòng chảy, giữ vệ sinh môi trường các tuyến sông.

Để đạt được kết quả đó, ngay khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, UBND, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Kiến Xương đã chỉ đạo cho các phòng, ban chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn nhằm từng bước thay đổi căn bản nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng về sự cần thiết phải thực hiện tiêu chí môi trường.

Hàng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện phối hợp với các đoàn thể, địa phương tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng như: “Ngày Môi trường thế giới”, “Giờ trái đất”, “Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường”, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. UBND huyện phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư các công trình vệ sinh môi trường cho các xã như: công trình cấp nước sạch cho nông thôn; xây dựng nghĩa trang nhân dân; bãi xử lý rác thải cho các xã; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng hầm bioga… Đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ, đội vệ sinh tự quản thu gom, vận chuyển rác thải. Tại nhiều địa phương tiêu chí BVMT đã được gắn với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa, đưa tiêu chí BVMT vào quy ước, hương ước của thôn, làng.

Nhiều phong trào, mô hình về BVMT được duy trì có hiệu quả như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm” vào ngày 24 hàng tháng, phong trào “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học... đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Toàn huyện có 14 nhà máy, trạm cấp nước đang hoạt động cung cấp nước sạch cho 24 xã, thị trấn. Nước sạch về làng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn, tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch lên trên 90%, đồng thời làm giảm thiểu các loại dịch bệnh liên quan đến nguồn nước như: tiêu hóa, đau mắt hột, bệnh phụ khoa.

Nam Cao là xã có nghề dệt đũi truyền thống nhưng gần đây làng nghề đã không còn hưng thịnh. Số hộ gia đình làm nghề giảm mạnh, nhờ đó mà chất lượng môi trường sống được cải thiện. Hơn nữa, ý thức BVMT của người dân trong xã ngày càng được nâng cao. Các hộ làm nghề đã từng bước đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền xã xác định cần phải tập trung giải quyết vấn đề môi trường, coi đây là nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền từ xã đến các thôn, bởi đây là tiêu chí rất khó đối với địa phương.

Vì vậy, tất cả các thôn đã thành lập tổ thu gom rác thải. Xã quy hoạch bãi rác cách xa khu dân cư, với diện tích trên 2.000 m2; đồng thời hỗ trợ tiền mua xe chở rác, dụng cụ và bảo hộ lao động cho nhân viên thu gom rác thải của các thôn... Đến nay, 100% lượng rác thải sinh hoạt đều được thu gom, vận chuyển tập kết về bãi chứa theo quy định. Chỉ cách đây vài tháng, tiêu chí số 17 vẫn là một trong những tiêu chí khó đối với Nam Cao nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Nam Cao vừa cán đích tiêu chí môi trường trong tháng 9. Cũng giống như Nam Cao, Thượng Hiền nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan xuất khẩu.

Không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà bộ mặt làng quê cũng ngày càng đổi thay. Trở lại Thượng Hiền lần này, điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là môi trường đã trong lành hơn, đường làng ngõ xóm rộng rãi, sạch đẹp. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh mây tre đan xuất khẩu đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn về môi trường. 4/4 thôn đều có đội thu gom rác thải với tần suất 2 lần/tuần. Xã đã quy hoạch bãi rác thải tập trung và khu nghĩa trang nhân dân. Trên 90% dân số được sử dụng nước máy. Đến nay, trong tổng số 14 tiêu chí Thượng Hiền đạt được đã có tiêu chí môi trường.

Với những nỗ lực trong công tác BVMT, hiện nay môi trường sống ở nông thôn Kiến Xương tuy có những chuyển biến và được cải thiện đáng kể nhưng để phát triển bền vững thì vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hầu hết rác thải đã được thu gom nhưng mới chỉ được chôn lấp. Cách xử lý này chỉ là biện pháp tạm thời, hiện nay các xã chưa có nguồn vốn để xây dựng, quy hoạch bãi rác đạt tiêu chuẩn.

Về nghĩa trang, nhiều xã đều đang giữ nguyên nghĩa trang cũ, chưa quy hoạch đường đi, cây xanh, rào ngăn thích hợp. Việc sử dụng đất nghĩa trang chủ yếu phụ thuộc vào phong tục, tập quán của từng địa phương. Khi có người mất, thân nhân của họ chỉ quan tâm đến việc chọn chỗ, chọn hướng chôn cất, không quan tâm đến diện tích cây xanh và các công trình hạ tầng... Hệ thống thoát nước thải chưa được chú trọng đầu tư, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề ở một số nơi vẫn đổ trực tiếp ra môi trường.  Một bộ phận người dân thiếu ý thức đã “tiếp tay” cho ô nhiễm môi trường khi vứt rác bừa bãi.

Cùng với đó, tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như: phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng phân tươi, nhất là trong sản xuất các loại rau xanh, không chỉ có hại trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Giải quyết vấn đề môi trường không phải làm một lần, một đợt là xong mà là công việc thường xuyên, liên tục. Do đó, cùng với ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Kiến Xương cần phát huy nội lực, đồng thời huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các dự án để đạt các chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày