Thứ 6, 15/11/2024, 09:06[GMT+7]

Tiêu chí hộ nghèo ở xã đa nghề Đông La Ðích đến còn lắm gian nan

Thứ 5, 10/10/2013 | 08:55:46
1,804 lượt xem
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nếu các xã đã đạt được tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động sẽ không khó để đạt được tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo. Tuy nhiên, với xã Đông La - một xã đa nghề, kinh tế phát triển bậc nhất huyện Đông Hưng lại không như vậy. Đây là vấn đề nan giải mà chính quyền địa phương nơi đây đang quyết tâm thực hiện để kịp về đích vào năm 2015.

Gia đình ông Bùi Mạnh Xương - hộ nghèo ở thôn Thuần Túy, xã Đông La (Đông Hưng) sinh hoạt trong căn nhà hơn 20 m2 .

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông La có diện tích đất tự nhiên 671,87 ha với 2.810 hộ, 11.000 khẩu. Xã có nhiều nghề truyền thống như mây tre đan, thêu thảm, dệt chiếu, làm chăn bông, làm thuốc gia truyền, dịch vụ vận tải, nghề xây, may mặc. Nhiều nghề mới được du nhập và phát triển, thu hút nhiều lao động như đan đệm cói, làm giấy tiền, thêu hạt cườm... Nghề và làng nghề của xã có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay đã có khoảng 6.000 lao động có việc làm, chiếm 96,4% số lao động trong độ tuổi, 7/7 thôn đều có nghề, 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Bình quân thu nhập đầu người đạt trên 27 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, địa phương vẫn còn 181 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,5%. Đến thời điểm này, xã đã đạt được 14 tiêu chí nhưng đối với tiêu chí hộ nghèo thì vẫn còn nhiều gian nan. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do một số hộ vẫn trong độ tuổi lao động nhưng bị bệnh tật kinh niên, một số gia đình có người nghiện ma túy dẫn đến đói nghèo. Nhiều hộ già cả neo đơn, phụ nữ đơn thân, nhiều phụ nữ nuôi con một mình do chồng gặp tai nạn hoặc bệnh tật mất sớm. Với những lý do đó nên đói nghèo đã đeo đẳng họ, nhiều hộ hàng chục năm nay vẫn chưa xóa được nghèo.

Mặc dù trước đó khi chưa bắt tay vào xây dựng NTM, xã rất quan tâm tới công tác xóa đói giảm nghèo. Đông La đã có nghị quyết và chương trình hành động về việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống, mở mang và tiếp thu những ngành nghề mới, xây dựng đề án phát triển cụm công nghiệp tạo việc làm cho người lao động. Đưa dự án Lishap vào chăn nuôi để các hộ được hỗ trợ trang thiết bị, hệ thống chuồng trại, kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học để làm giàu.

Các ban, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo. Do vậy mà từ năm 2009 đến nay, Đông La đã giảm được 7% hộ nghèo. Có một nghịch lý nữa là ở những thôn kinh tế phát triển nhất, nhiều ngành nghề nhất lại có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, điển hình như thôn Thuần Túy có 44 hộ, thôn Bảo Châu 34 hộ và thôn Đồng Vi 31 hộ.  

Qua lời kể của bác Hoàng Xuân Hợi, Trưởng thôn Thuần Túy, chúng tôi được biết, mặc dù thôn đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề nhưng do số dân quá cao (tới 2.500 khẩu) nên số hộ nghèo cũng khá lớn. Thôn có trên 1.300 lao động, trong đó gần 800 lao động làm nghề, thu nhập từ nghề tới trên 25 tỷ đồng/năm. Nhưng hộ nghèo trong thôn lại là những người không có đủ sức khỏe để lao động do già cả, ốm đau, bệnh tật nên rất khó để giúp họ thoát nghèo.

Tới thăm những gia đình nghèo trong thôn chúng tôi mới hiểu tại sao cái nghèo đeo đẳng họ lâu đến vậy. Hun hút theo con đường gồ ghề gần cánh đồng, một ngôi nhà nhỏ chừng hơn 20 m2 được lợp bằng ngói prôximăng là nơi sinh sống của 2 ông bà gần 70 tuổi, đó là ông Bùi Mạnh Xương và bà Bùi Thị Rát. Trong căn nhà, ngoài hai chiếc giường cũ kỹ không thấy đồ gì quý giá. Ông Xương đã bị ung thư dạ dầy hơn 1 năm nay còn bà Rát bị bệnh tiểu đường và gút rất nặng. Người ta thì đi bằng hai chân còn bà Rát thì di chuyển cùng với chiếc ghế nhựa. Tuổi cao, sức yếu lại thêm bệnh tật triền miên, hai thân già chăm nhau còn không nổi nói gì tới việc kiếm tiền để chữa bệnh.

Đời sống của ông bà phụ thuộc vào mấy cô con gái lấy chồng xa thỉnh thoảng về thăm bố mẹ cho được đồng nào biết đồng ấy, vừa để ăn vừa để chữa bệnh nhưng các cô ấy cũng chỉ là những người dân cấy lúa bình thường sống chỉ đủ ăn thì lấy đâu ra cho bố mẹ được nhiều. Còn những người như hai mẹ con chị Nguyễn Thị Họp cũng khó khăn không kém. Một mình chị Họp nuôi con từ nhỏ, lo cho con ăn học mong con có cái chữ để nên người. Nhưng đã gần 60 tuổi, lại chỉ có hơn 2 sào ruộng, nghề phụ không làm được do mắt kém, sức khỏe có hạn, chỉ trông chờ vào mấy đồng làm thuê ai gọi thì đi nên mặc dù đứa con trai duy nhất của chị vừa thi đỗ đại học nhưng đành phải ở nhà đi làm thuê do không có điều kiện về kinh tế để theo học.

 Hay như hộ bà Bùi Thị Quyên 68 tuổi sống đơn thân, do bệnh tật hoành hành nên phải bán hết nhà cửa để chữa bệnh. Tiền đã không có, nhà lại không có để ở nên phải đi ở nhờ nhà xứ... Tất cả những hộ nghèo này đều là những trường hợp khó xóa nghèo.

Tìm hướng đi để giảm nghèo, ông Đông cho biết thêm: Ngay từ đầu năm 2013, Đông La đã mới được chương trình “Lục lạc vàng” về giúp cho 6 hộ ở 6 thôn, mỗi hộ có 1 cặp bò sinh sản. Tiếp tục phân loại hộ nghèo để hỗ trợ vốn tạo việc làm cho các hộ. Yêu cầu các cơ sở sản xuất hương thu nạp những lao động thuộc hộ nghèo còn có thể làm được để nhận vào làm.

 

Đối với những hộ đơn thân, tàn tật sẽ đề nghị sự hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định số 13 của Chính phủ. Đồng thời giao cho các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, mỗi tổ chức giúp 2 hộ thoát nghèo/năm. Với chủ trương đó, Đông La phấn đấu mỗi năm giảm 1% và tới năm 2015 xã còn dưới 3% tỷ lệ hộ nghèo. 

Bài, ảnh: Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày