Thứ 6, 15/11/2024, 08:41[GMT+7]

Điện lực Kiến Xương Chung tay xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 11/11/2013 | 08:06:07
1,597 lượt xem
Kể từ khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) năm 2008 đến nay, Điện lực Kiến Xương đã tập trung rà soát, phân loại, từng bước đầu tư cải tạo, thay mới hệ thống lưới điện nông thôn, bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân; góp phần quan trọng cùng các địa phương sớm cán đích tiêu chí điện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Công nhân Điện lực Kiến Xương kiểm tra hệ thống đo đếm tại xã Vũ Ninh.

Theo Giám đốc Ðiện lực Kiến Xương, Nguyễn Ngọc Quỳnh: Sau gần 5 năm tiếp nhận LĐHANT, Ðiện lực Kiến Xương đang bán điện trực tiếp đến hộ gia đình tại 28 xã, thị trấn, với  trên 58.200 khách hàng. Tuy nhiên, việc tiếp nhận LĐHANT trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, Ðiện lực chỉ quản lý bán điện đến công tơ tổng, còn từ công tơ tổng đến hộ tiêu thụ do các hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện năng quản lý.

 Mặc dù các HTX cũng đã vận động người dân đóng góp để cải tạo lưới điện, nhưng cũng chẳng được là bao. Dây dẫn hầu hết là dây trần, tiết diện không đủ tiêu chuẩn. Nhiều đường dây do địa phương đầu tư xây dựng không có thiết kế, bán kính cấp điện quá dài. Dây dẫn phần lớn đã cũ, nhiều mối nối, dây tại các nhánh rẽ còn sử dụng dây lưỡng kim, dây thép, sứ đỡ bị nứt vỡ nhiều, hành lang bị vi phạm do cây mọc trùm lên đường dây. Hệ thống cột, công tơ cũng chắp vá đủ kiểu, không được kiểm tra định kỳ, dẫn đến đo đếm không chính xác, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây tổn thất điện năng khá lớn, tỷ lệ thất thoát hàng năm sau công tơ tổng trung bình lên tới 30 - 35%.

 Để đáp ứng nhu cầu dùng điện của khách hàng, ngay sau khi tiếp nhận, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã đầu tư tại địa bàn huyện Kiến Xương trên 52 tỷ đồng cải tạo giai đoạn 1 hệ thống lưới điện tất cả các xã bán lẻ, như: thay dây dẫn đường trụ và một số nhánh đường dây đã quá cũ nát, thay cáp nhập công tơ, hệ thống đo đếm, cấy trạm biến áp chống quá tải. Các xã: Namon> Cao, Vũ Thắng đã đầu tư cải tạo giai đoạn 2. Nhưng do LĐHANT được bàn giao cho ngành điện quá cũ nát, xuống cấp do xây dựng cách đây 20 - 30 năm, trong khi tốc độ tăng trưởng phụ tải khu vực nông thôn từ 14 - 16 %/năm; mặt khác, đặc thù sử dụng phụ tải ở nông thôn: giờ cao điểm công suất rất lớn, giờ thấp điểm công suất nhỏ dẫn đến quá tải lúc cao điểm làm tổn thất điện năng cao, đầu tư lớn.

Để khắc phục tình trạng này, chỉ tính từ năm 2012 đến nay, ngành điện đã đầu tư sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới lưới điện Kiến Xương với số tiền trên 72 tỷ đồng, bằng các nguồn vốn chương trình dự án RE2.2, RE2.3, RE2.5, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, góp phần giảm tổn thất điện năng từ trên 30% trước tiếp nhận xuống còn 10%. Đến nay, 100% các xã do ngành điện quản lý đều đạt tiêu chí điện trong xây dựng NTM.

Trước đây, tình trạng mất an toàn lưới điện trên địa bàn xã Vũ Ninh xảy ra khá thường xuyên như: dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo, mắc tạm bợ trên các cột tre, nứa. Nhiều đường dây điện nằm sát cây ven đường hoặc sát mái nhà dân. Nguy hiểm hơn là việc người dân tự ý đấu nối đường dây điện, vi phạm hành lang an toàn lưới điện…

Cuối năm 2011, ngành điện đã tiếp nhận LĐHANT của xã Vũ Ninh và bán điện trực tiếp đến hộ gia đình, với tỷ lệ tổn thất điện năng là 30%. Ngay sau khi tiếp nhận, đầu năm 2012, xã Vũ Ninh đã được hưởng lợi từ dự án RE2.2. Nhờ đó, chất lượng điện áp ổn định, an toàn, tỷ lệ tổn thất giảm xuống 12% và đến nay chỉ còn hơn 10%. Vũ Ninh đã đạt tiêu chí điện trong xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Thắng, thôn Độc Lập cho biết: “Trước đây, việc sử dụng điện ở khu dân cư thường xuyên mất ổn định, nhất là vào các giờ cao điểm. Việc xử lý sự cố cũng không được kịp thời, dây dẫn lại cũ nát nên gây mất an toàn. Từ khi lưới điện được bàn giao về cho ngành điện quản lý, những hạn chế trên đã được khắc phục ngay. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất là số lần và thời gian mất điện đã được giảm thiểu”.

Cũng theo Giám đốc Điện lực Kiến Xương thì việc bàn giao LĐHANT về cho ngành điện quản lý đã đem đến lợi ích thiết thực cho nhân dân, mang lại sự công bằng giữa nông thôn và thành thị trong sử dụng điện. Người dân không phải nộp thêm bất cứ một khoản kinh phí nào trong quá trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình...

Tuy nhiên, để gắn việc đầu tư, nâng cấp lưới điện nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới thì ngoài nỗ lực của ngành điện trong việc tìm kiếm, tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn, cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương trong tuyên truyền cũng như hành động của người dân trong thực hành tiết kiệm điện, trong công tác giải phóng mặt bằng và sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện.               

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày