Thứ 6, 15/11/2024, 05:08[GMT+7]

Mô hình “5 không, 3 sạch” Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 30/12/2013 | 08:48:07
1,595 lượt xem
Ðiểm nhấn của phong trào “Phụ nữ Thái Bình chung sức xây dựng NTM” chính là CVÐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Khi các mô hình thực hiện 8 tiêu chí của CVÐ mang lại hiệu quả cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, hội viên phụ nữ đã và đang chung sức cùng địa phương xây dựng thành công NTM.

Phụ nữ thôn Bổng Ðiền Nam, xã Tân Lập (Vũ Thư) san lấp mặt bằng để đổ bê tông đường giao thông liên thôn.

Từ năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã đăng ký với UBND tỉnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” để chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau 4 năm triển khai, cuộc vận động (CVÐ) đã được đông đảo cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng với nhiều mô hình hay góp phần thực hiện đạt 9/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại các địa phương. Qua bình xét, năm 2013 có 72,9% gia đình hội viên phụ nữ đạt tiêu chuẩn “5 không, 3 sạch”, tăng 0,4% so với năm 2012.

Ðể CVÐ có sức lan tỏa rộng lớn, đi vào chiều sâu, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng những mô hình bám sát theo từng tiêu chí nhưng phải đặt lợi ích của hội viên lên trên. Ðến nay, các cấp hội đã xây dựng được hàng chục mô hình mang lại hiệu quả cao.

Với tiêu chí “không đói nghèo”, Hội phụ nữ nhiều xã đã xây dựng thành công mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững”. Ðiển hình như mô hình của Chi hội phụ nữ thôn Tô Ðàm, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) hỗ trợ về vốn, kiến thức giúp hội viên xây dựng trên 20 gia trại nuôi gà, vịt, lợn với hàng nghìn con, 11 lò ấp trứng vịt; cấy 100 ha lúa chất lượng cao và trồng 35 mẫu cây màu hình thành cánh đồng mẫu; phát triển nghề phụ để tăng thu nhập, giải quyết thời gian nông nhàn…; hay mô hình “Vận động phụ nữ cấy giống lúa mới năng suất, chất lượng cao” của Hội phụ nữ các xã: Tây Tiến, Ðông Hoàng (Tiền Hải), Thái Sơn, Thụy An (Thái Thụy), Nguyên Xá (Vũ Thư)… không chỉ làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, hiệu quả thấp của bà con nông dân mà còn đưa máy móc vào sản xuất, giảm thời gian, sức lao động, tăng hiệu quả trên một đơn vị canh tác thực hiện đúng chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu trong xây dựng NTM của tỉnh.

Chị Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiền Hải cho biết: Ban đầu chỉ có vài chục hội viên của 2 xã điểm tham gia thực hiện mô hình “Sử dụng phân bón vi sinh đa chức năng vào sản xuất nông nghiệp” nhưng sau 1 - 2 vụ, thấy loại phân bón này có tác dụng làm mục rơm rạ, cải tạo đất, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất cây trồng nên hàng nghìn hộ gia đình khác trong huyện tự mua phân bón về dùng.

Ðáng mừng là không chỉ ở Tiền Hải mà hội viên phụ nữ của gần 200 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh nhiều năm nay đã thường xuyên sử dụng phân bón đa chức năng bón cho lúa và rau màu. Mô hình tiết kiệm tiền dưới các hình thức để cho nhau vay không lấy lãi, hỗ trợ, tặng quà hội viên và con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn ngày càng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên. Hiệu quả rõ nhất mà các mô hình này mang lại là mỗi năm có hàng nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giúp chị em thực hiện tiêu chí không bạo lực gia đình, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai xây dựng mô hình “Ðịa chỉ tin cậy tại cộng đồng” bảo vệ nạn nhân của bạo hành. Hiện nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã có địa chỉ tin cậy, có nơi xây dựng được 3 - 4 địa chỉ.

Các cấp hội chủ động xây dựng, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình phòng chống tệ nạn xã hội hiệu quả góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội tại các địa phương như: “Chi hội phụ nữ không có thanh, thiếu niên nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Phụ nữ với thực hiện pháp luật”, câu lạc bộ “Phòng, chống ma túy”, câu lạc bộ “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” và “Phòng, chống tệ nạn mại dâm”…

Ðến nay, 100% cơ sở hội triển khai mô hình “Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông” thu hút 90% cán bộ, hội viên tham gia. Nhiều xã, phường, thị trấn có mô hình hoạt động hiệu quả như: “Gia đình hội viên phụ nữ thân thiện với môi trường”; “Ngày chủ nhật xanh”; “Ðoạn đường phụ nữ tự quản”. Các mô hình này bước đầu tạo cho chị em và các thành viên trong gia đình thói quen không vứt rác bừa bãi, phân đúng loại rác, có ý thức sắp xếp trong nhà, ngoài sân gọn gàng, ngăn nắp, giữ vệ sinh nơi công cộng để thực hiện tiêu chí 3 sạch và góp phần bảo vệ môi trường xanh - sach - đẹp. 

Ở tiêu chí gia đình không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, gia đình không sinh con thứ 3, các cấp hội phụ nữ tập trung tổ chức tốt các kỳ sinh hoạt của câu lạc bộ: “Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”, “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”, “Nuôi dạy con tốt” và thực hiện nội dung Ðề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”. Khuyến khích chị em sáng tác và thể hiện các bài thơ ca, hò vè, tiểu phẩm với nội dung phong phú dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo để mỗi buổi sinh hoạt đều đạt hiệu quả cao nhất làm thay đổi suy nghĩ, hành động của chị em trong việc nuôi dạy con cái khoa học và sinh đẻ có kế hoạch.

Ðiểm nhấn của phong trào “Phụ nữ Thái Bình chung sức xây dựng NTM” chính là CVÐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Khi các mô hình thực hiện 8 tiêu chí của CVÐ mang lại hiệu quả cũng đồng nghĩa với việc cán bộ, hội viên phụ nữ đã và đang chung sức cùng địa phương xây dựng thành công NTM.

Ðỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày