Chủ nhật, 24/11/2024, 02:47[GMT+7]

Xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã - Gian nan sắp qua

Thứ 2, 30/12/2013 | 09:33:23
2,617 lượt xem
Ðược thực hiện sâu rộng trong thời kỳ 2001 - 2010, bước sang giai đoạn 2011 - 2020, việc xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã ở Thái Bình vừa đòi hỏi những yêu cầu cao hơn vừa góp phần tích cực thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong tỉnh.

Trạm Y tế xã Vũ Tây (Kiến Xương) được đầu tư xây mới để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia y tế xã trong năm 2014. Ảnh: Thành Tâm

 

Thực hiện chuẩn quốc gia y tế xã (CQGYTX) là nội dung quan trọng trong tiến trình củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những năm từ 2001 đến 2010, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã dành sự đầu tư thích đáng cho chương trình này và đã có 75% xã, phường, thị trấn đạt CQGYTX.

 

Bước sang giai đoạn 2010 - 2020, trước những yêu cầu, đòi hỏi của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, việc xây dựng CQGYTX đặt ra những yêu cầu cao hơn. Vì vậy, khi thực hiện chương trình, ban chỉ đạo thực hiện CQGYTX tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã nỗ lực triển khai thực hiện các tiêu chí của chuẩn, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động liên ngành, đầu tư các nguồn lực cho xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, sắp xếp, đào tạo đội ngũ cán bộ, thực hiện các chỉ tiêu về chuyên môn. Ðến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 96 xã đạt CQGYTX.

 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện CQGYTX cũng phải đối diện với không ít khó khăn như: thiếu bác sĩ làm việc thường xuyên tại trạm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, kinh phí hoạt động thấp, hầu hết các trạm y tế chưa đủ danh mục trang thiết bị theo yêu cầu, một số kỹ thuật theo phân cấp chưa được triển khai…

 

Kết quả một cuộc khảo sát của ngành Y tế vào tháng 6/2013 cho thấy, toàn tỉnh còn 35,3% số xã chưa có bác sĩ; 5,9% số xã chưa có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 26,2% số xã chưa có cán bộ chuyên trách y học cổ truyền. Về cơ sở vật chất, 128 trạm y tế đã xuống cấp trong đó 51 trạm xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư xây mới, 77 trạm cần được đầu tư sửa chữa và xây thêm phòng. Trước những khó khăn trong thực hiện CQGYTX, ngày 15/8/2013, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Ðề án thực hiện Bộ tiêu chí CQGYTX giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó lộ trình xây dựng CQGYTX sẽ được thực hiện như sau: năm 2013 phấn đấu có thêm 71 xã đạt chuẩn, năm 2014 có thêm 53 xã đạt chuẩn, năm 2015 có thêm 29 xã đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2015 có 70% số xã đạt chuẩn, đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành thực hiện CQGYTX với 100% xã đạt chuẩn.

 

Bác sĩ Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2013 toàn tỉnh dành sự đầu tư cao cho y tế cơ sở với việc xây mới 15 trạm y tế (kinh phí trung bình mỗi trạm 1,5 tỷ đồng), xây thêm phòng, nâng cấp 16 trạm y tế (kinh phí trung bình mỗi trạm 1 tỷ đồng). Theo kế hoạch năm 2014, ngân sách tỉnh tiếp tục đầu tư xây mới 21 trạm y tế, ngân sách huyện và xã bố trí xây mới và nâng cấp từ 60 - 70 trạm. Với sự đầu tư này, hết năm 2014, tỷ lệ các trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn sẽ tăng cao tạo tiền đề hoàn thành thực hiện CQGYTX. Giống như nhiều huyện trong tỉnh, khác hẳn với thời điểm cách đây một năm, lĩnh vực y tế tại Ðông Hưng dường như đã bước sang trang mới.

 

Nếu như năm 2012, toàn huyện vẫn còn hàng chục trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng, năm 2013, diện mạo y tế cơ sở tại địa phương đã có nhiều thay đổi. Ông Bùi Bá Vường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng cho biết, năm 2012, huyện Ðông Hưng có 12 xã đạt chuẩn quốc gia y  tế xã. Năm 2013, từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện, xã và nguồn huy động xã hội hóa, có 10 trạm y tế xã được xây mới và nâng cấp. Với sự đầu tư này, dự kiến năm 2013 huyện có thêm 7 xã đạt chuẩn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tác động mạnh mẽ đến chương trình xây dựng chuẩn quốc gia y  tế xã. Nếu như giai đoạn 2001 - 2010 công tác xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã ở Ðông  Hưng gặp rất nhiều khó khăn (cả huyện chỉ có 16 xã đạt chuẩn và đạt thấp nhất tỉnh), sang giai đoạn 2011 - 2020, Ðông Hưng dự kiến có thể hoàn thành 100% xã đạt chuẩn quốc gia vào năm 2017.

 

Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, việc củng cố và phát triển nguồn nhân lực y tế cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo và ngành Y tế quyết liệt thực hiện. Toàn tỉnh hiện còn 101 trạm y tế xã chưa có bác sĩ, tuy nhiên có 73 cán bộ đang tiếp tục học đại học. Ðể thực hiện 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, Sở Y tế đã chỉ đạo y tế các huyện, thành phố thực hiện điều chuyển những trạm có 2 bác sĩ sang trạm chưa có bác sĩ, đồng thời bố trí bác sĩ của trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa huyện về tăng cường bảo đảm làm việc 2 ngày/tuần tại trạm y tế.

 

Với cách làm trên, đến nay, 100% trạm y tế xã đã có bác sĩ làm việc. Còn 14/35 trạm y tế chưa có bác sĩ, Hưng Hà là một trong những huyện có tỷ lệ bác sĩ làm việc tại trạm thấp nhất trong tỉnh. Bác sĩ Ðỗ văn Siu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Ðể khắc phục tình trạng này, Trung tâm Y tế đã phân công 9 bác sĩ tăng cường cho y tế cơ sở, bảo đảm 35/35 trạm y tế có bác sĩ làm việc ít nhất 2 ngày/tuần. Không chỉ tăng cường bác sĩ cho cơ sở, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cũng được triển khai mạnh mẽ. Từ đầu năm 2013 đến nay, các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã tổ chức đào tạo tại chỗ cho cán bộ trạm y tế xã, trung bình có 5 cán bộ được đào tạo hàng tháng tại mỗi bệnh viện, trung tâm y tế huyện. 

 

Giám đốc Sở Y tế Phạm Văn Dịu khẳng định, việc thực hiện CQGYTX không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở mà còn góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Theo kế hoạch của hai ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội, năm 2014 sẽ đưa 60% số đối tượng BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Ðây là cơ sở để thúc đẩy hoạt động của trạm y tế nói riêng, y tế cơ sở nói chung, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống y tế các tuyến, thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong những năm tiếp theo.

Trần Thu Hương

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày