Chủ nhật, 24/11/2024, 02:27[GMT+7]

Hành trình về đích nông thôn mới của An Ninh

Thứ 2, 06/01/2014 | 08:51:28
1,304 lượt xem
An Ninh (Tiền Hải) là một trong 8 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay An Ninh đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Là một trong 4 xã đầu tiên của Tiền Hải về đích xây dựng nông thôn mới.

Kiểm tra tiêu chí số 2 (đường giao thông nông thôn) tại xã An Ninh.

Sở dĩ tỉnh chọn An Ninh là một trong số xã điểm xây dựng nông thôn mới bởi nhiều lý do tích cực: Ðây là xã có truyền thống cách mạng kiên cường, là địa phương có tổ chức đảng và chính quyền liên tục đạt trong sạch vững mạnh, là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển… Trong niềm vui vô bờ, Ðảng bộ và nhân dân An Ninh cũng không khỏi lo lắng, trở trăn. Song với tinh thần và truyền thống cách mạng, sau hơn 4 năm phấn đấu quyết liệt đã giành được kết quả toàn diện (đạt 19/19 tiêu chí). Sau 6 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy (từ tháng 4/2009 đến 10/2009) là một trong số ít xã hoàn thành sớm công tác quy hoạch…

Từ kết quả này, An Ninh đã tập trung lãnh đạo, xây dựng được: Ðề án xây dựng nông thôn mới, đề án đào tạo nguồn nhân lực, kế hoạch sử dụng đất… Cũng như các xã làm mô hình điểm của tỉnh, buổi đầu An Ninh gặp không ít khó khăn ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong đó dồn điền đổi thửa (DÐÐT) là việc làm nhạy cảm, va chạm trực tiếp tới hộ nông dân, nhưng với quyết tâm cao và với tinh thần công khai, dân chủ nên sau 6 tháng đã hoàn thành, đạt 1,9 thửa/hộ. Kết quả DÐÐT đã giúp xã quy hoạch được các vùng sản xuất hàng hóa, giúp cho công tác quy hoạch và xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng sớm được thực hiện. Xã đã xây mới 1 trạm bơm điện, 38km kênh mương, 15 cống các loại phục vụ tưới tiêu; bê tông hóa 14.517m đường trục chính nội đồng.

Ðến tháng 12/2013, An Ninh đã làm mới 4.965m đường trục xã, 4.532m đường trục thôn, 114.439m nhánh của trục thôn. An Ninh còn đầu tư xây dựng hoàn thiện 5 nhà văn hóa thôn, các phòng học của Trường THCS, đầu tư xây mới tượng đài liệt sĩ, xây dựng lại chợ, hoàn thiện khu xử lý rác thải và nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới theo đúng tiêu chí.

Xây dựng nông thôn mới ở An Ninh còn làm chuyển biến tư duy cho cán bộ và nhân dân, trong đó có tư duy kinh tế. Toàn xã có hơn 300ha canh tác, được quy hoạch thành các cánh đồng mẫu. 100ha đã ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Thái Bình để sản xuất lúa giống chất lượng cao, diện tích sản xuất cây vụ đông theo vùng tập trung chiếm hơn 50% diện tích canh tác.  HTX DVNN An Ninh vẫn giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mỗi năm đạt doanh thu từ 2,5 - 3 tỷ đồng.

Phát huy lợi thế, An Ninh từ trước đó đã thu hút được 6 doanh nghiệp về đầu tư, vì vậy trừ 582 người không còn khả năng lao động, số còn lại 3.845 lao động luôn đủ việc làm (không có lao động thất nghiệp). Sau nhiều năm phấn đấu, đến nay toàn xã đã đạt thu nhập 22.606.000 đồng/người/năm. Cũng đến thời điểm này, An Ninh chỉ còn 2,95% hộ nghèo.

Song song với lãnh đạo phát triển kinh tế, An Ninh còn đạt kết quả cao trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới tới nay, các thôn đã tạo điều kiện ra đời các câu lạc bộ: chèo truyền thống, thơ ca, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, dưỡng sinh… không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn làm giàu thêm tinh thần, tình cảm của một vùng quê thanh bình.

Cùng với việc xây dựng lại tượng đài liệt sĩ cao đẹp, đầu tư tôn tạo 2 khu di tích lịch sử, An Ninh còn nhiều công trình mới được nâng cấp như đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho 3 trường học, hoàn thiện 5 sân vận động của 5 thôn, giữ vững Trạm Y tế chuẩn quốc gia. 5/5 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Ðảng bộ, chính quyền xã liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, các đoàn thể đạt vững mạnh.

Tình hình an ninh trật tự luôn ổn định, giữ vững. 70% cán bộ cơ sở có trình độ lý luận chính trị trung cấp; 90% có trình độ chuyên môn đạt trình độ trung cấp trở lên (trong đó 40% đại học). Với người lao động, liên tục được cập nhật khoa học kỹ thuật về sản xuất và tham gia nhiều lớp dạy nghề như sửa chữa, dạy các nghề móc sợi, may dân dụng… để có điều kiện tìm việc làm, gia tăng thu nhập.

Ðẩy mạnh tuyên truyền, cộng với tư tưởng dân chủ hóa, công khai minh bạch trong quản lý đã tạo cho An Ninh nguồn lực lớn để xây dựng nông thôn mới. Trong tổng số hơn 151 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, An Ninh đã huy động từ sự tự nguyện đóng góp của nhân dân 47 tỷ đồng. Ðể phong trào xây dựng nông thôn mới có hiệu quả thiết thực, An Ninh đã xây dựng các mô hình điểm để đúc rút kinh nghiệm. Thôn Trình Nhì là điểm sáng phát triển kinh tế; Trình Nhất Tây là mô hình nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; thôn Trình Nhất Ðông có mô hình vận động nhân dân hiến đất, làm đường giao thông; thôn Trình Trung Ðông với mô hình vận động nhân dân chỉnh trang khu dân cư... Thành công các mô hình điểm đã giúp An Ninh sớm hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đồng thời cũng là bài học để tiến hành những mục tiêu, hướng đi sau khi nhận quyết định của tỉnh công nhận “An Ninh - xã nông thôn mới”.

An Ninh đã đề ra 5 nhiệm vụ cho bước tiếp theo: Toàn xã tiếp tục chỉnh trang khu dân cư theo chủ đề “xanh - sạch - đẹp”. Phát huy kết quả đạt được, Ðảng và chính quyền tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, toàn diện, bền vững. Phát triển mạnh nghề, làng nghề và mở mang thương mại - dịch vụ. Ðồng thời thu hút đầu tư vào xã tạo việc làm, thu nhập cho nhân dân. Cùng với 3 nhiệm vụ trên, Ðảng bộ An Ninh tiếp tục lãnh đạo phát triển văn hóa - giáo dục. Trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng dạy và học. Về công tác Ðảng, Ðảng bộ phấn đấu giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh, lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể giữ vững phát huy các danh hiệu đã giành được.

 Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày