Chủ nhật, 24/11/2024, 02:35[GMT+7]

Học Bác để xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 08/01/2014 | 09:14:09
1,717 lượt xem
Trong cái nắng hanh vàng buổi chiều cuối Ðông, chúng tôi về thôn Ái Quốc, xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) tìm gặp ông Ðặng Văn Lập, người công giáo có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp ở miền quê thuần nông này, người dân Ái Quốc đang hăng hái tham gia xây dựng con đường nông thôn mới.

Ông Đặng Văn Lập (ngoài cùng bên trái) tham gia làm đường nông thôn mới

Chúng tôi nhanh chóng tìm được ông Lập. Dáng người nhỏ bé, bước đi tập tễnh nhưng đôi bàn tay của ông vẫn thoăn thoắt gạt chiếc thước nhôm san phẳng bề mặt bê tông. Là thương binh, mất tới 61% sức khỏe nhưng không con đường, bờ kênh nào của thôn lại thiếu vắng sự đóng góp của ông.

Ông Lập tâm sự: “Sinh ra trong nghèo khó, mồ côi cha từ năm 17 tuổi, tôi đã nếm đủ sự cực khổ ở đời. Năm 19 tuổi, đất nước đang có chiến tranh, yêu cầu về sức người, sức của lớn, theo tiếng gọi của Tổ quốc tôi lên đường nhập ngũ, thuộc đơn vị 368B. Cuối năm 1974, hành quân qua Lào, Campuchia đến Tây Ninh ở tại Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Ngày 19/3/1975 tôi bị thương khi đứng trên chốt tiền tiêu cách địch 300m.

Dù vậy, tôi cố dặn anh em trong đơn vị, mình gần địch phải cảnh giác thật cao, dù thế nào cũng không được bỏ vũ khí, rồi tự mình băng bó vết thương chờ đồng đội đến giúp. Một năm nằm ở Bệnh viện K52, Sài Gòn, tôi xin về đơn vị cũ nhưng được 3 tháng vì sức khỏe yếu đơn vị làm thủ tục cho tôi ra Bắc. Cuối năm 1979, tôi trở về địa phương”.

Trở về, cái đói, cái nghèo cứ muốn đeo bám lấy cuộc đời của người thương binh; nhiều vết thương, thậm chí có những mảnh đạn vẫn nằm sâu trong cơ thể, chỉ trực mỗi khi trái gió trở trời có thể “đánh gục” ông bất cứ lúc nào. Thế nhưng, bằng sức mạnh và nghị lực của mình, ông đã chiến thắng, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình cùng họ giáo đưa miền quê nghèo “chuyển mình”. Sống trong cộng đồng cư dân họ giáo, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng giáo họ Ái Quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Quỳnh Lang, bản thân ông luôn gương mẫu, răn dạy con cháu phải sống tốt đời đẹp đạo, người công giáo phải là người công dân tốt.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn, ông đã vận động bà con trong giáo họ dỡ bỏ trên 200m tường bao, giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn; giải tỏa, hỗ trợ ngày công xây dựng kiên cố hóa 300m kênh mương bằng hệ thống mương máng nổi.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với nhân dân, ông đã tự bỏ ngày công và đóng góp tiền của làm tuyến đường dài hơn 300m trị giá gần 20 triệu đồng (không kể ngày công xây dựng). Ðể có được sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân trong việc thực hiện bê tông hóa con đường liên thôn dài 500m là một quá trình vận động, thuyết phục không đơn giản. Trước những tranh cãi, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm vốn bền chặt trong các cuộc họp làm đường, mất hàng tuần mà chưa có kết quả, bao đêm trăn trở, ông đã tìm được giải pháp mà người dân gọi là “hợp tình, hợp lý”.

Chia sẻ về cách làm của mình, ông Lập nói: “Mỗi gia đình dù giàu, dù nghèo, khỏe hay yếu, đều đóng góp một người/ngày công, nếu vắng, bận thì phải có người làm thay, không có người làm thì đóng góp 100.000 đồng/ngày công”. Ông đến từng nhà để vận động giúp bà con giáo dân thấy được lợi ích của con đường mới đối với gia đình và thôn xóm. Ông nói thêm: “Mình phân tích những cái gì có lợi cho dân, cho tương lai về sau, phải nhẹ nhàng, nói từ từ thì dân mới hiểu được, vội vã, gò ép là hỏng việc”.

Bộ mặt nông thôn đang dần khởi sắc và niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt mỗi người dân thôn Ái Quốc hôm nay là kết quả của một quá trình vận động gian nan và ai cũng biết, ở đó, có sự đóng góp không nhỏ của ông. Bà Chu Thị Luyến, thôn Ái Quốc cho biết: “Bác Lập là người rất nhiệt tình trong các hoạt động của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Dù sức khỏe yếu nhưng từ ngày làm đường không ngày nào bác vắng mặt”.

Không chỉ năng động, tận tình với các hoạt động thôn, xóm, giáo họ, ông còn hăng say phát triển kinh tế gia đình. Chấp hành chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, năm 2005, ông nhường lại phần ruộng có chân đất tốt cho những hộ khác, mạnh dạn nhận 9 sào ruộng trũng thuộc khu đồng Thổ Trì mà bà con thường nói “chiêm khê mùa trũng”, cấy lúa kém năng suất, chuyển đổi sang đào ao, thả cá, chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả theo mô hình VAC. Nhờ kiên trì, vượt khó, đến nay cuộc sống gia đình ông được cải thiện, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt. 4 con trai của ông đều đã trưởng thành, cậu con út đang tham gia quân ngũ, đóng quân tại Binh chủng công binh, Quân khu 3, tỉnh Quảng Ninh.

Rời thôn Ái Quốc khi ông Lập và đoàn người vẫn đang hăng say, miệt mài trên con đường giao thông liên thôn trong bóng chiều sắp ngả. Những cái bóng nhấp nhô xúc cát, xúc đá cùng âm thanh ồn ã đã xa dần, nhưng hình ảnh ông Ðặng Văn Lập, một con người giản dị đang nỗ lực góp sức mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới vẫn hiển hiện trong tâm trí chúng tôi. Ông là tấm gương chân thực giữa đời thường, là người công giáo tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày