Thứ 6, 15/11/2024, 05:21[GMT+7]

Những con đường hướng tới tương lai

Thứ 6, 31/01/2014 | 02:21:18
1,723 lượt xem
Ðất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì điện và đường phải đi trước một bước. Trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường giao thông nông thôn đã được Ðảng và Nhà nước xác định là tiêu chí bắt buộc trong bộ 19 tiêu chí. Thực tế và kết quả đạt được càng chứng minh: Ðường giao thông mở mang, xây dựng đến đâu thì kinh tế - xã hội phát triển tới đó. Nhiều người đã coi đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới là con đường của tương lai.

Ðường giao thông được xây dựng bảo đảm kỹ thuật, phân làn và đặt hệ thống đèn báo hợp lý, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn tỉnh hiện có hơn 7.100 km đường các loại, trong đó quốc lộ 151,9 km, tỉnh lộ 281,4km, đường huyện 774,41 km, đường xã và đường thôn xóm hơn 4.000 km, đường ra đồng gần 2.000 km. Hai năm 2011 - 2012, bước đầu thực hiện xây dựng giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã huy động hàng nghìn tỷ đồng, hàng vạn ngày công và hàng chục hét ta đất do nhân dân tự nguyện đóng góp. Thời điểm vừa qua, đi bất kể xã nào trong tỉnh đều có những công trường xây dựng đường làng, ngõ xóm. Trong đó 8 xã điểm của tỉnh, năm 2012 đã xây dựng được 190,7 km, với tổng số vốn đầu tư hơn 574 tỷ đồng.

Năm 2013, có thêm 16 xã khởi công xây dựng được 431,7 km với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Hai năm 2014 và 2015, toàn tỉnh phấn đấu có 46 xã hoàn thành xây dựng đường giao thông nông thôn đạt chuẩn với chiều dài gần 1.200 km. Ðường xã, xóm theo tiêu chí mới đúng là khác hẳn với những con đường được xây dựng trong giai đoạn “điện - đường - trường - trạm” cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Ðường trục thôn, nền đường được lai cạp rộng, mặt đường cũng mở tới 5 mét, lớp đá láng nhựa khá dày, những nơi làm đường bằng bê tông cũng dày tới 16 – 17 xăng-ti-mét, đẹp và chắc chắn. Ðường ngõ xóm (nhánh cấp I của giao thông trục thôn), không kể lề, mặt đường được đổ bê tông dày tới 14 xăng-ti-mét rộng 3,5 mét. Các đoạn đi qua khu dân cư đều được xây dựng rãnh thoát nước vừa bảo vệ môi trường sinh thái vừa bảo vệ vững chắc cốt đường.

Tại xã Thanh Tân (Kiến Xương) - địa phương được tỉnh công nhận xã nông thôn mới đợt 1 năm 2013, nhìn những con đường làng thẳng tắp vươn ra tới ruộng đồng, không khác nào dải lụa trắng đặt trên tấm thảm xanh. Ðây là mơ ước ngàn đời của nông dân, thực sự là con đường nối niềm vui với muôn nơi.

Ðể có được kết quả về xây dựng giao thông nông thôn, những năm qua, cùng với kinh phí của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ, các xã đã phải khắc phục nhiều khó khăn. Trước hết là làm thế nào chuyển biến được nhận thức của mọi người dân để họ ủng hộ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết giao thông nông thôn, giao thông, thủy lợi nội đồng, tạo sự đồng thuận theo phương châm “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ sự đồng thuận ấy mới có thể phát động phong trào tự nguyện hiến đất, góp vốn, góp sức làm đường. Tại xã Nam Hà (Tiền Hải), khi “đảng viên đi trước...” đã kéo theo phong trào tự giác của các gia đình. Nhiều gia đình còn viết thư, điện thoại cho con em ở nơi xa gửi tiền về ủng hộ. Tại xã Nam Thắng, ngày đổ bê tông đường thôn, đường xóm không khác nào ngày hội lớn. Một cụ ông tâm sự: “Thấy cháu con làm đường, tuổi cao chẳng làm được việc gì, vẫn cứ ra để động viên cổ vũ, lão chưa thấy bao giờ vui như hôm nay”.

  Duy tu, bảo dưỡng đường tại xã Tây Phong (Tiền Hải).

Ðóng góp vào thành công bước đầu xây dựng giao thông nông thôn mới ở tỉnh ta, bên cạnh cao trào toàn dân tham gia, còn có nhiều nguyên nhân khác. Ðó là vai trò lãnh đạo của Ðảng đã xác định xây dựng giao thông nông thôn mới là thời cơ để tạo sự chuyển biến cho nhiều phong trào khác. Ngành giao thông đã phối hợp với các huyện xây dựng tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật, các định mức xây dựng; tham mưu cho tỉnh nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn mới. Ðồng thời trực tiếp làm chủ dự án đầu tư của nhiều công trình đường giao thông nông thôn quan trọng thuộc loại A. Tỉnh ta đã xác định đến năm 2015, ngoài 14 xã đã đạt nông thôn mới, phấn đấu có thêm 70 xã về đích, đồng nghĩa sẽ có 70 xã hoàn thành xây dựng đường giao thông nông thôn mới. Dự tính, tổng số vốn cần huy động 4.842 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn của Trung ương và tỉnh hỗ trợ hơn 3.300 tỷ đồng, số còn lại từ nguồn vốn huy động của xã và các nguồn khác.

Cùng với việc huy động đủ và kịp thời về vốn, để hoàn thành mục tiêu đề ra, từ tỉnh tới các ngành và địa phương phải tập huấn kỹ thuật để địa phương tự lựa chọn quy mô kinh tế, các tiêu chuẩn thiết kế, công tác quản lý, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng, các ngành tài chính, kế hoạch - đầu tư lập kế hoạch bố trí vốn hàng năm, phổ biến chế độ chính sách liên quan tới giao thông nông thôn. Ðặc biệt là cấp xã, từ kinh nghiệm huy động nguồn lực của các địa phương về đích trước để huy động các tổ chức quần chúng “nhập cuộc” trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo thành sự đồng thuận cao trong toàn Ðảng, toàn dân về xây dựng nông thôn mới, trong đó có giao thông nông thôn.

Đức Lợi

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày