Thứ 7, 23/11/2024, 21:06[GMT+7]

An Thanh - Hành trình vượt khó

Thứ 3, 08/04/2014 | 21:36:15
1,302 lượt xem
Là một trong những xã khó khăn của huyện Quỳnh Phụ, hơn 4 năm qua, với sự cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của An Thanh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để trở thành xã NTM thì con đường phía trước còn nhiều gian nan.

Người dân thôn Thanh Mai (xã An Thanh, Quỳnh Phụ) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, An Thanh còn bộn bề khó khăn: tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, hệ thống giao thông nông thôn xuống cấp, kênh mương thủy lợi chưa đáp ứng được sản xuất, kinh tế chậm phát triển, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là những rào cản trên con đường đi đến NTM của địa phương.

Với xuất phát điểm thấp như vậy, ngay khi triển khai thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương về xây dựng NTM cũng như các tiêu chí sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò cốt lõi của quần chúng nhân dân, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, “lấy sức dân phục vụ cho dân”, các ban, ngành, đoàn thể đã vào cuộc, cùng nhau góp sức xây dựng.

Đến nay, An Thanh cơ bản đạt 13/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng ruộng được chỉnh trang, kênh mương được đào đắp, thuận lợi cho công tác điều tiết nước, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Sau dồn điền đổi thửa, hình thành một số mô hình sản xuất tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao: cấy lúa giống (BC15) cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình, cấy thí điểm gần 20 ha giống lúa Nhật ĐS1 (đưa vào thí điểm vụ xuân 2014). Vùng bãi ven sông với diện tích 26 ha chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại giá trị cao, thu nhập ổn định. Chú trọng phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, các cây trồng chất lượng cao: ớt, bí, dưa chuột… được đưa vào gieo trồng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Giao thông là một trong những tiêu chí xã đề ra cần sớm hoàn thành. Cùng với 658,76 tấn xi măng tiếp nhận theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh, toàn xã đã huy động được 1.251 ngày công, 923.300.000 đồng tiền nhân dân đóng góp, 264.400.000 đồng của con em xa quê ủng hộ bê tông hóa được 4.213m đường trục thôn và nhánh thôn. Thanh Mai là một trong những thôn đi đầu của xã trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, 85% đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa đáp ứng tiêu chuẩn NTM.

Ông Đào Ngọc Chậm, Phó Trưởng thôn Thanh Mai cho biết: Phong trào xây dựng NTM nói chung, phong trào làm đường giao thông nói riêng được nhân dân thôn Thanh Mai tích cực hưởng ứng. Không chỉ hiến đất, phá dậu, các hộ dân còn không quản ngại bỏ công tham gia làm đường. Dù nhiều tuyến trong thôn dân cư thưa thớt, người dân phải đóng góp cao song mọi người đều bảo nhau tự nguyện tham gia. Nói rồi ông chỉ ra đoạn đường đang thi công: “Cả tuyến dài 149m với 42 khẩu, trừ hỗ trợ xi măng của tỉnh, xã hỗ trợ 48 triệu đồng/km, mỗi khẩu trong khu còn phải góp khoảng 900.000 đồng để hoàn thiện con đường rộng 2,5m, dày 14cm. Nhân dân cũng cố gắng, quyết tâm lắm bởi nếu không làm được thì cũng “tiếc” khi tỉnh đã hỗ trợ xi măng rồi”.

Ông Đào Ngọc Chậm chia sẻ: Quyết tâm là thế song với lượng xi măng An Thanh đã đăng ký (đến ngày 27/3) là 772,6 tấn mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% khối lượng đường giao thông nông thôn cần làm. Trong khi đó, hệ thống kênh mương, trục chính nội đồng của xã mới chỉ được đào đắp, chưa cứng hóa. Để hoàn thành tiêu chí này đòi hỏi phải huy động sức đóng góp lớn của dân, trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp. Đây cũng là một trong những tiêu chí “khó” khi xã muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Ông Đào Văn Ngàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào hai vụ lúa, nghề phụ kém phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo của xã so với năm 2012 đã giảm hơn 2% nhưng vẫn còn ở mức cao (trên 6%), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên còn thấp… là những vướng mắc cần tháo gỡ với địa phương.

Xác định khó khăn để lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân An Thanh quan tâm cùng nhau khắc phục, từng bước xây dựng hoàn thành các tiêu chí. Xã tích cực tuyên truyền cho nhân dân mục đích, ý nghĩa cũng như những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng NTM mang lại, thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai các nguồn vốn trong xây dựng NTM… Chính vì vậy, việc xây dựng NTM trên địa bàn xã được nhân dân tích cực thực hiện.

“Xã có hệ thống giao thông nối liền với Thị trấn An Bài - nơi có Khu công nghiệp Cầu Nghìn và xã An Mỹ - địa phương phát triển thương mại dịch vụ với đông các doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn là những tín hiệu đáng mừng thúc đẩy kinh tế địa phương những năm gần đây phát triển. Tỷ lệ lao động tham gia làm việc tại khu công nghiệp Cầu Nghìn, lượng người đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động vài năm trở lại đây tăng lên đáng kể, thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt”. Ông Đào Văn Ngàn cho biết thêm.

Hy vọng với những bước đi đúng đắn cùng sự chung tay góp sức của người dân, An Thanh sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại, đưa con thuyền NTM sớm cập bến.

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày