Thứ 7, 23/11/2024, 21:01[GMT+7]

Sức dân trên những con đường nông thôn mới

Thứ 2, 21/04/2014 | 08:22:42
1,346 lượt xem
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), dù không phải là xã điểm của tỉnh, huyện song đến nay, xã Ðồng Tiến (Quỳnh Phụ) đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Ðặc biệt, thực hiện Quyết định 19 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng xây dựng hạ tầng NTM, Ðồng Tiến là xã đăng ký và nhận nhiều xi măng nhất của huyện Quỳnh Phụ.

Làm đường giao thông nông thôn ở thôn Quan Đình Bắc (xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ )

Dù đã ngoại thất thập song ông Phạm Công Sủng, xóm 7, thôn Quan Ðình Bắc vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với phong trào làm đường của thôn. Ðược nhân dân bầu quản lý việc thi công tuyến đường trục thôn qua khu, ông Sủng cho biết: xóm 7 với trên 550 nhân khẩu đảm đương thi công trên 1,4 km đường giao thông nông thôn, ước tính mỗi khẩu trong xóm phải đóng khoảng 1 triệu đồng. Tuy mức đóng góp cao song người dân đồng tình nhất trí ngay từ khi họp bàn. Ông Hà Văn Nháng, Trưởng thôn Cao Mộc, một trong những thôn đi đầu trong phong trào làm đường giao thông thôn, xóm bộc bạch: “Trước khi có Quyết định 19 của UBND tỉnh, thôn Cao Mộc đã bê tông hóa được gần 2 km giao thông trục thôn, nhánh thôn. Sau khi có xi măng hỗ trợ của tỉnh, phong trào làm đường giao thông trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.

Ðể có được những tuyến đường to, đẹp, người dân đã không ngần ngại, tự nguyện phá dỡ hàng chục mét tường bao, các công trình quan trọng, thậm chí phá bỏ cả 1/3 gian nhà để hiến đất mở đường. Ðặc biệt là trường hợp cô Ðức Thị Ðào, không chỉ đứng lên vận động mọi người làm đường, cô còn ủng hộ khu 10 triệu đồng làm kè bờ ao”. Với lượng xi măng đã đăng ký và  được UBND tỉnh phê duyệt là 4.141,1 tấn, đến nay, Ðồng Tiến đã tiếp nhận 3.121,1 tấn. Mạng lưới giao thông nông thôn trong toàn xã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn NTM với trên 30 km đường trục thôn, nhánh thôn được cứng hóa (trước khi thực hiện Quyết định 19 có khoảng 6 km được bê tông hóa).

Có được sự đổi thay tích cực trong nhận thức và hành động là nhờ Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Ðồng Tiến đã đồng thuận, nhất trí cao từ chủ trương tới thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Ðỗ Xuân Chình, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, thực hiện Quyết định 19 của UBND tỉnh, ngoài lượng xi măng tỉnh hỗ trợ thì nhân dân Ðồng Tiến phải chịu toàn bộ chi phí làm đường. Tuy nhiên, chủ trương này lại nhận được sự vào cuộc, hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Có được kết quả đó, theo ông Chình, ngoài việc phổ biến cơ chế, chính sách đến mỗi người dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của đội ngũ cán bộ; sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể còn nhờ sức mạnh, tiềm lực của người dân.

 

Nhân dân xóm 7, thôn Quan Ðình Bắc (xã Ðồng Tiến, Quỳnh Phụ) làm đường giao thông nông thôn.

Cũng bởi xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng NTM, khơi dậy và phát huy được tính dân chủ nhờ đó phong trào diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Nói về chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, ông Chình chia sẻ thêm: Không giống như những địa phương khác, để thi công mỗi tuyến đường, toàn bộ lượng vật liệu cần thiết được gửi vào mỗi hộ dân. Với xi măng nhận về cũng vậy.

Không chỉ tiết kiệm được công vận chuyển khi thi công, việc gửi vật liệu vào nhà dân, rải dọc tuyến  còn bảo đảm việc quản lý, bảo quản vật liệu, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm mỗi người dân. Việc huy động đóng góp trong dân cũng có nhiều cách làm sáng tạo, tùy thuộc đặc điểm từng khu vực nhưng luôn bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ. Nhờ đó, tiêu chí giao thông - một trong những tiêu chí khó thực hiện đã cơ bản hoàn thành. Hết năm 2013, Ðồng Tiến đã đạt 13/19 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2014 hoàn thành 5 tiêu chí: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, văn hóa và trong năm 2015 trở thành xã NTM.

Thực tế cho thấy, sức dân chính là nguồn lực to lớn để Ðồng Tiến làm nên những con đường. Việc phát huy tối đa quy chế dân chủ trong triển khai thực hiện chính là bài học kinh nghiệm được đúc rút qua thực tiễn thực hiện. Các chi bộ, thôn, xóm đứng ra tổ chức họp dân, phổ biến chủ trương, bàn bạc cách làm. Ðặc biệt, khuyến khích nhân dân tự làm, tự giám sát, nên lòng tin của người dân được nâng cao. Chính điều đó là chìa khóa để Ðồng Tiến thực hiện thành công công tác xã hội hóa trong làm đường giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của địa phương.

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày