Thứ 7, 23/11/2024, 21:45[GMT+7]

Hiệu quả mô hình tập huấn vận hành bảo dưỡng máy cơ khí nông nghiệp

Thứ 3, 22/04/2014 | 08:21:10
1,860 lượt xem
Những năm qua, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp luôn đổi mới cách nghĩ cách làm, thực hiện đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người dân cách bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Truyền đạt lý thuyết vận hành sửa chữa, bảo dưỡng máy cơ khí nông nghiệp tại xã Vũ Đông (Thành phố Thái Bình).

 

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Xuất phát từ thực tế hiện nay người dân đưa rất nhiều loại máy hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy gặt, máy tuốt, máy bơm nước... Tuy nhiên họ lại chưa biết cách để sử dụng các loại máy móc đó hiệu quả, kéo dài được tuổi thọ cũng như cách bảo dưỡng, sửa chữa những sự cố thường gặp. Ðặc biệt, số người sử dụng máy nông nghiệp đa số đều từ 35 - 55 tuổi, do đó kiến thức, trình độ về kỹ thuật công nghiệp rất hạn chế. Ngoài ra, các loại máy móc ngày càng nhiều chủng loại, xuất xứ làm cho người sử dụng khó nắm bắt được nguyên lý, cấu tạo máy...

 

Trước thực trạng đó, ngay từ năm 2011, Trung tâm đã tổ chức lớp tập huấn đầu tiên ở xã Quang Trung (Kiến Xương) với trên 50 học viên theo học. Qua lớp học này, Trung tâm đã nhận được sự đồng tình, phấn khởi ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Vì vậy tới năm 2012, Trung tâm đã tiến hành điều tra, khảo sát số lượng máy cơ khí nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để đề ra kế hoạch tập huấn cho sát thực tế. Kết quả năm 2012 Trung tâm đã mở 5 lớp cho học viên 10 xã ở huyện Kiến Xương và từ năm 2013 đến nay đã tổ chức được 10 lớp, trong đó mở rộng thêm sang địa bàn huyện Ðông Hưng và huyện Thái Thụy. Kết quả, với tổng số trên 800 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công, từ năm 2011 đến nay Trung tâm đã mở được 16 lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho trên 700 học viên đến từ 20 xã theo học.

 

Ðể các lớp tập huấn đem lại hiệu quả, các giảng viên đã dành phần lớn thời gian để đi sâu vào thực hành. Các chủ máy được mang máy móc hỏng, không sử dụng  đến để các giảng viên hướng dẫn cách “bắt bệnh”, “kê đơn” đồng thời thực hành trực tiếp trên chính chiếc máy của mình. Qua đó, người nông dân sẽ tự mình sửa chữa những máy đã “chết” hoạt động trở lại. Ngoài ra, các giáo viên cũng chỉ ra những sự cố thông thường của máy giúp người nông dân giảm chi phí sửa chữa mà không cần phải gọi thợ, đồng thời cũng nắm được cách thức bảo dưỡng để tăng tuổi thọ của máy. Ngoài những hiệu quả về mặt kinh tế, thông qua các lớp học này các hội viên nông dân còn gắn bó, giao lưu học hỏi lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

 

Khẳng định về hiệu quả của các lớp tập huấn, ông Phạm Văn Nhận, Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Tân (Kiến Xương) cho rằng: Là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Thanh Tân cần hơn bao giờ hết các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người lao động nông thôn. Mặc dù xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nhưng địa phương vẫn rất cầu thị trong học tập, đổi mới tư tưởng, nâng cao trình độ, kiến thức cho nông dân. Ðây là năm thứ 2 xã được Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp chọn mở lớp tập huấn bảo dưỡng vận hành, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho 35 hội viên nông dân trong xã. Tới nay, toàn xã có trên 80 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó 5 máy gặt đập liên hợp, 7 máy làm đất cỡ trung, 4 công cụ sạ hàng, 1 máy cấy và hàng chục máy làm đất cỡ nhỏ. Với số lượng máy móc trên, qua lớp học này các hộ nông dân đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm qua nhiều tình huống đơn giản nhất để làm chủ được máy, hạ chi phí đầu vào, chủ động trong thời vụ, an toàn khi vận hành máy.

 

Còn đối với ông Nguyễn Văn Vết, thôn Trại Lạng, xã Bình Nguyên (Kiến Xương) là chủ sở hữu 1 máy cắt cỏ, 1 máy cày to, 1 máy bơm nước, 1 ô tô tải 1,2 tấn từ hàng chục năm nay cho biết, bình quân mỗi năm ông thu lợi được trên 100 triệu đồng từ những loại máy móc này. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng ông đã gặp phải nhiều sự cố như hỏng trục bánh răng, rơi ốc vít do không được bảo dưỡng. Ông đã phải đi nhiều nơi để tìm kiếm thiết bị thay thế với chi phí hàng chục triệu đồng, vừa tốn kém lại vừa mất thời gian đi lại trong khi bản thân ông chưa hiểu nhiều về cấu tạo, nguyên lý hoạt động các động cơ của máy. Do vậy, ngay khi biết tin có lớp tập huấn, ông Vết đã tranh thủ dành thời gian 5 ngày để học. “Qua đây chúng tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào việc vận hành, sử dụng và sửa chữa máy, vừa chủ động trong thời vụ lại vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của máy’’, ông Vết chia sẻ.

 

Hay đối với bác Phạm Minh Châu, thôn Trại Lạng cũng sở hữu 1 máy cày to, 1 máy tuốt lúa, 1 máy cày nhỏ từ nhiều năm nay cho biết: “Bình quân mỗi vụ tôi cày được trên 30 mẫu, tuốt được 50 - 60 mẫu lúa cho thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng. Ðây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên số máy móc đó rất quan trọng với tôi’’. Mặc dù từ ngày sử dụng đến nay bác chưa tốn nhiều tiền để sửa chữa, thay thế thiết bị, phụ tùng của máy nhưng với bác việc bảo dưỡng là khâu hết sức quan trọng để tăng sức bền, hiệu quả của máy nên bác không ngần ngại theo học lớp tập huấn của Trung tâm. Với bác Châu, đây là lớp học  đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho những người dân như bác.

Thu Thủy

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày