Thứ 7, 23/11/2024, 18:10[GMT+7]

Diện mạo nông thôn mới ở Quỳnh Phụ

Thứ 7, 16/08/2014 | 16:17:36
2,504 lượt xem
Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tự nguyện ủng hộ tích cực của người dân, diện mạo các vùng quê thuần nông ở Quỳnh Phụ ngày một khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều xã đã gần “cán đích” NTM.

Nhân dân xã An Đồng (Quỳnh Phụ) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Quỳnh Phụ luôn xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân; do đó việc tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người về xây dựng NTM được đặt lên hàng đầu.

Cùng với đó, phát huy tốt quy chế dân chủ để nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến trong cả quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, người dân đã vào cuộc tích cực, tham gia góp công, góp của cho việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, chỉnh trang khuôn viên, đường làng ngõ xóm. Về Quỳnh Phụ hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước một diện mạo mới của những con đường liên thôn, liên xóm đã được trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi. Những con đường mới như nối dài thêm niềm vui, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Chính sự chung tay góp sức, hiến đất làm đường của nhiều người dân nơi đây đã góp phần tạo ra nguồn lực và tiền đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của địa phương.

Quyết định số 19 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM như một luồng gió mới giúp người dân Quỳnh Phụ đoàn kết, gắn bó hơn trong việc tự nguyện góp công, góp của để sớm hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng. 100% các xã, thị trấn đăng ký đề nghị tỉnh hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng NTM; đã tiếp nhận gần 53.730 tấn xi măng. Toàn huyện đã huy động 129,125 tỷ đồng mua vật tư, cát, đá, sắt thép xây dựng các công trình nhóm 1; trong đó, vốn nhân dân đóng góp 92,125 tỷ đồng; huy động con em xa quê và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ 47 tỷ đồng; ngân sách xã 28,54 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhân dân trong huyện còn hiến tặng hàng chục héc ta đất vườn, ao, cây cối, hoa màu, hàng nghìn mét tường bao và ngày công lao động phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng để thi công đường giao thông nông thôn. Ðã bê tông hóa gần 310km đường giao thông trục thôn, đường nhánh cấp I của đường trục thôn; trên 23km đường giao thông nội đồng trục chính; 4,2km kênh cấp I loại 3… Ðến nay, ngoài Quỳnh Minh đã “cán đích” NTM, các xã: Quỳnh Giao, Quỳnh Hoa, An Ðồng, An Khê, An Ninh đã đều đạt từ 16 - 18 tiêu chí, phấn đấu về đích NTM trong năm 2014; các xã còn lại đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành như: quy hoạch, điện, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, y tế, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự. Các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, môi trường, cơ sở vật chất trường học, văn hóa đang được các địa phương tập trung thực hiện.

Song song với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thì việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao cuộc sống cho người dân được các cấp lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ quan tâm, chú trọng thực hiện. Chỉ riêng vụ đông, thời gian qua, Quỳnh Phụ đã xây dựng 25 mô hình cánh đồng mẫu tại 20 xã với quy mô 50 ha/cánh đồng, trồng ớt, ngô, dưa bí, rau màu các loại, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, giúp nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Hàng nghìn hộ gia đình nông dân đã có cuộc sống khá, giàu nhờ vào vụ đông với thu nhập từ 50 - 150 triệu đồng/hộ/vụ đông. Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, diện tích gieo trồng bình quân đạt trên 46% trên diện tích đất hai vụ lúa. Nhiều xã phủ kín 70 - 90% diện tích như: Quỳnh Minh, Quỳnh Hải, Quỳnh Ngọc, An Ðồng... Nếu như trước đây, trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thì nay giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đã chiếm 38,6%, tăng 9% so với 5 năm trước. Chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ đã chuyển dần sang tập trung theo hướng hàng hóa, với nhiều trang trại, gia trại được hình thành và ngày càng được nhân rộng. Toàn huyện hiện có 1.540 gia trại, 176 trang trại, trong đó 29 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều địa phương có phong trào chăn nuôi tập trung phát triển cả về quy mô, số lượng và quy thành vùng sản xuất hàng hóa, như vùng nuôi lợn nái ngoại xã Quỳnh Minh, Quỳnh Hoa, An Tràng, Quỳnh Hội; vùng nuôi gia cầm xã Quỳnh Sơn, Quỳnh Khê, Quỳnh Châu; vùng nuôi trồng thủy sản xã An Thanh, An Mỹ, An Ninh. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Nhiễm khẳng định: Phát triển kinh tế trang trại, gia trại là hướng đi phù hợp, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu, đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM tại mỗi địa phương.

Quỳnh Phụ phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2020. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, huyện cần xây dựng lộ trình với những giải pháp cụ thể. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM cả bề rộng lẫn chiều sâu đến từng hộ dân. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần tăng thu nhập và đời sống nhân dân; trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực, nhất là từ doanh nghiệp, nhân dân, con em xa quê để hoàn thành các tiêu chí cần nhiều vốn…

Đức Dũng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày