Thứ 4, 13/11/2024, 06:42[GMT+7]

Quỳnh Hải Phát triển vùng chuyên màu

Thứ 2, 18/08/2014 | 08:43:35
1,779 lượt xem
Ở vùng chuyên màu xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ), trên mỗi tấc đất, người dân đều tận dụng để xen canh, luân canh, gối vụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) chăm sóc cây màu.

 

Ðược biết, vùng chuyên màu này mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm, là 1 trong 9 cánh đồng mẫu thực hiện theo Ðề án xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh từ vụ xuân năm 2013. Ðẩy mạnh phát triển vùng chuyên màu không chỉ giúp Quỳnh Hải thực hiện các tiêu chí: việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới mà còn bước đầu hình thành nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

 

Giải quyết bài toán việc làm, thu nhập, giảm hộ nghèo   

 

Trở lại Quỳnh Hải một ngày đầu tháng 8, trên cánh đồng chuyên màu, những con đường đất lầy lội đang dần được thay thế bởi những con đường bê tông to đẹp, sạch sẽ. Những luống rau xanh ngắt trải dài, từng hàng dưa, mướp, mướp đắng thẳng tắp khiến nơi đây giống như khu du lịch sinh thái. Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt mỗi người nông dân khi vụ thu hoạch năm nay rau bán được giá. Trên mảnh ruộng hơn 1 sào, gia đình anh Ðào Văn Trang (thôn An Phú 1) đang miệt mài thu hoạch cần tây. Nhìn những luống cần tây đều tăm tắp, xanh mướt một màu, anh Trang hồ hởi: Ðây là cây gia vị khó trồng bởi ưa đất mới, yêu cầu tỉ mỉ trong gieo trồng, chăm sóc tuy nhiên trồng trái vụ lại cho giá cao trong khi thời gian trồng ngắn (khoảng 40 ngày). Gia đình tôi hiện trồng 3 sào cần tây, mỗi sào cho thu hoạch khoảng 500kg, với giá bán hiện tại khoảng 60.000 đồng/kg; bình quân mỗi sào thu về 30 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 20 triệu đồng/sào.

 

Theo Trưởng thôn An Phú 1 Ðào Văn Tuấn, cánh đồng màu hiện là nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn, toàn thôn hiện có gần 200 hộ tham gia sản xuất trên vùng chuyên màu này. Cùng với các hộ trực tiếp sản xuất, trên 80% người dân trong thôn tham gia kinh doanh, buôn bán nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ ở khắp các địa phương. Không chỉ những người trong độ tuổi lao động, từ các cụ già tới những em nhỏ đều có thể kiếm thêm thu nhập từ việc nhặt cỏ trên diện tích trồng ớt.

 

Cùng với sự năng động trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm, người dân Quỳnh Hải cũng nhanh nhạy chuyển đổi trồng các cây phù hợp với nhu cầu của thị trường, tận dụng từng bờ thửa, từng tấc đất trồng xen canh, nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích. Ông Vũ Ðức Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Là địa phương có truyền thống trồng màu, vụ đông được coi là vụ chính thứ ba trong năm của người dân Quỳnh Hải, đặc biệt ở vùng chuyên màu, thu nhập từ cây màu cao hơn nhiều lần cấy lúa. Xác định được điều đó, trong nghị quyết của Ðảng ủy xã luôn coi phát triển cây màu là nhiệm vụ chính trị, thành lập ban chỉ đạo sản xuất nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo. Xã cũng trích ngân sách địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng (cống, mương máng) hỗ trợ người dân một phần chi phí làm đường nội đồng để thuận tiện trong sản xuất, buôn bán nông sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào thu mua. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 3%, giảm 3% so với năm 2012. Hiện Quỳnh Hải đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Nhưng chưa bền vững

 

Cùng với 3,4 tỷ đồng hỗ trợ của tỉnh, nhân dân Quỳnh Hải đã góp thêm tiền, công lao động để cứng hóa 3.080m kênh mương phục vụ tưới tiêu trên cánh đồng mẫu; bê tông hóa đường giao thông nội đồng. Ðến nay, 50% kênh mương, đường giao thông nội đồng được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân trồng trọt, phát triển sản xuất. Bên những bó rau cải xanh mướt chờ xe đến thu mua, ông Nguyễn Tiến Nhân (thôn An Phú 1) cho biết: Ðược quy hoạch thành cánh đồng mẫu, những hộ nông dân như gia đình tôi đã thuận lợi hơn nhiều trong canh tác, nông sản làm ra cũng được tiêu thụ nhanh do giao thông đi lại không còn khó khăn như trước. Tuy nhiên, những nông dân như ông vẫn đang mong mỏi cơ sở hạ tầng của cánh đồng mẫu được đầu tư đồng bộ.

 

Ðối với đồng màu như ở Quỳnh Hải, việc tưới, tiêu rất cần thiết, chỉ cần ngập úng 1 - 2 giờ là có thể thiệt hại hàng chục triệu đồng do hoa màu bị hư hại. Ðiển hình như cây cần tây cho thu nhập hàng chục triệu đồng/sào nhưng cả cánh đồng rất ít hộ trồng do chưa yên tâm về tính ổn định của thị trường tiêu thụ. Trên thực tế, vấn đề đầu ra cho nông sản là bài toán chưa có lời giải ở nơi đây, cái vòng luẩn quẩn “mất mùa được giá, được mùa mất giá” còn đeo bám mỗi hộ dân nơi đây. Ðược mùa, được giá, mỗi héc ta cho thu nhập gần tỷ đồng mỗi năm không phải chuyện hiếm nhưng cũng có khi mất giá người dân phải nhổ rau để thu ruộng trồng vụ khác. Cái gọi là “liên kết 4 nhà” dường như người dân nơi đây còn chưa biết đến bởi với họ, từ việc trồng cây gì, chăm sóc ra sao, bán thế nào hoàn toàn do mỗi nhà chủ động. “Trồng ít thì còn bán được chứ trồng nhiều thì biết bán cho ai. Chợ đầu mối đã được quy hoạch nhưng lâu nay vẫn nằm trên giấy”  - ông Nhân thở dài. Cũng bởi đầu ra nông sản còn bỏ khuyết mà việc ghi chép nhật ký sản xuất của các hộ tham gia cánh đồng mẫu bị bỏ quên.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới sản xuất chuyên nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm giảm chi phí, sức lao động, nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Quỳnh Hải đã hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, việc làm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên để duy trì và thực hiện tốt hơn nữa các tiêu chí này thực sự cần những giải pháp mang tính bền vững, nhất là đối với ngành kinh tế nông nghiệp chủ lực của địa phương, cũng như để diện mạo “cánh đồng mẫu” rõ nét hơn trên vùng đất chuyên màu của xã.

Lưu Ngần

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày