Thứ 7, 23/11/2024, 18:16[GMT+7]

Kinh nghiệm xây dựng nhà văn hóa thôn ở Thụy Duyên

Thứ 6, 22/08/2014 | 08:39:06
4,653 lượt xem
Với lý do thiếu kinh phí, việc xây dựng nhà văn hóa thôn vẫn đang là một bài toán khó đối với không ít xã, thôn. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền có cách làm hay, huy động được nguồn lực từ nhân dân xây dựng nhà văn hóa.

Nhà văn hóa thôn Lễ Củ (xã Thụy Duyên, Thái Thụy) được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 265 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới, hiện vẫn còn 464/1.598 thôn chưa có nhà văn hóa; 88 nhà trẻ, 81 nhà dân, 22 nhà kho trong toàn tỉnh đang được tận dụng làm nơi để nhân dân hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ... Với lý do thiếu kinh phí, việc xây dựng nhà văn hóa thôn vẫn đang là một bài toán khó đối với không ít xã, thôn. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền có cách làm hay, huy động được nguồn lực từ nhân dân xây dựng nhà văn hóa.

Thụy Duyên (Thái Thụy) là xã thuần nông với 5.400 nhân khẩu sinh sống tại 5 thôn. Hơn 1 năm trước, nhà văn hóa các thôn Hóa Tài, Lễ Củ, Duyên Trữ vốn là nhà trẻ, nhà kho đã qua sử dụng nhiều năm nên trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Trần Văn Bản, cán bộ văn hóa xã cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của nhà văn hóa trong đời sống người dân nông thôn, hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2013, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về sử dụng nguồn ngân sách xã hỗ trợ các thôn 150 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn. Triển khai nghị quyết, 5 thôn đều thực hiện nghiêm túc. 3 thôn: Hóa Tài, Lễ Củ, Duyên Trữ xây dựng nhà văn hóa; 2 thôn còn lại, cơ sở vật chất, đình làng còn tương đối vững chãi, đáp ứng được vai trò nhà văn hóa thôn nên chuyển xây dựng 750m đường trục thôn. Đến nay, trên địa bàn xã Thụy Duyên, các thôn đều có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đến thăm nhà văn hóa thôn Hóa Tài, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Một nhà văn hóa với hội trường rộng 145m2, đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động. Trưởng thôn Bùi Văn Hường phấn khởi cho biết: Thành công trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn ở Hóa Tài xuất phát từ sự bàn bạc dân chủ, công khai và cách thức làm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khi xã có chủ trương hỗ trợ các thôn xây dựng nhà văn hóa, cấp ủy thôn đã tổ chức họp và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân trong thôn. Kế hoạch, dự toán xây dựng nhà văn hóa được Ban Chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn xây dựng ngay sau đó. Để phát huy tính dân chủ, sau khi kế hoạch, dự toán hoàn thành, Ban Chi ủy thôn tiếp tục tổ chức họp dân bàn bạc, 100% các hộ nhất trí đóng góp kinh phí xây dựng, theo đó mỗi khẩu đóng 150.000 đồng trong 3 vụ. Nhờ sự minh bạch trong quá trình thực hiện, đến nay, khi nhà văn hóa đã hoàn thành, hầu hết các hộ dân đã đóng đầy đủ theo quy định. Sắp tới, thôn sẽ tiến hành xây cổng, sân, tường bao của nhà văn hóa.

Nhà văn hóa thôn Lễ Củ đã hoàn thiện trong đó có cả các công trình phụ trợ, hoạt động cũng đi vào nền nếp. Chị Nguyễn Thị Phương, Trưởng thôn Lễ Củ cho biết: Xây dựng nhà văn hóa thôn đòi hỏi kinh phí khá lớn, ngân sách xã hỗ trợ là chất xúc tác để động viên, huy động sức người, sức của từ nhân dân. Sau khi họp bàn dân chủ, nhân dân nhất trí khẩu có ruộng đóng 100.000 đồng, khẩu không có ruộng đóng 40.000 đồng. Quá trình xây dựng đã tạo điều kiện để người dân trong thôn đấu thầu xây dựng nhà văn hóa, chuyên chở vật liệu, lấy công quy ra tiền đóng góp. Các đồng chí trong Ban Chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn, những người có uy tín trong thôn cũng trực tiếp đi gặp gỡ, vận động con em quê hương làm ăn, sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố ủng hộ xây dựng. Với tổng kinh phí xây dựng 341 triệu đồng, sau khi khánh thành nhiều con em xa quê tiếp tục ủng hộ kinh phí, thôn tiến hành họp bàn xây dựng công trình phụ trợ. Thành công trong xây dựng nhà văn hóa ở thôn Lễ Củ xuất phát từ việc huy động nguồn lực tại địa phương và tích cực vận động con em xa quê đóng góp kinh phí hỗ trợ.

Nhà văn hóa là “mái nhà chung” của mỗi người dân nông thôn, nơi chính quyền địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, học tập cộng đồng góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Với việc xây dựng thành công nhà văn hóa thôn, thời gian tới, Thụy Duyên sẽ triển khai xây dựng nhà văn hóa xã, hoàn thiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới trong năm 2015.

Vũ Hường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày