Thứ 7, 23/11/2024, 13:58[GMT+7]

Diện mạo nông thôn mới ở Thái Thuần

Thứ 2, 17/11/2014 | 10:30:53
3,625 lượt xem
Xa trung tâm huyện, xuất phát điểm kinh tế thấp song xã Thái Thuần (Thái Thụy) đã có nhiều cố gắng trong xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, diện mạo làng quê sạch sẽ, cuộc sống sung túc đang dần hiện hữu.

Ðường giao thông nông thôn ở xã Thái Thuần (Thái Thụy).

 

Chúng tôi về thôn Linh Thanh, là một trong những thôn tiêu biểu về huy động nhân dân góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn của xã Thái Thuần. Nếu như trước đây, hầu hết những tuyến đường ngõ, đường trục thôn nhỏ hẹp, trời mưa lầy lội thì nay trở nên to đẹp, thông thoáng. Ðiều đó bắt nguồn từ chủ trương đúng, trúng của Ðảng, Nhà nước, nhận thức và việc làm tiến bộ của người dân vùng quê nghèo. Thái Thuần phấn khởi đón nhận chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh: Ðợt 1 với tổng lượng xi măng hỗ trợ gần 1.600 tấn, toàn xã đã cứng hóa gần 12km đường trục thôn, giao thông nội đồng và các cụm dân cư.

 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Thái Thuần đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, lấy sức dân để lo cho dân, đề cao dân chủ, công khai, minh bạch tài chính tạo sự nhất quán. Nhân dân không chỉ tham gia hàng trăm ngày công lao động mà  còn tích cực đóng góp hơn 2 tỷ đồng làm vốn đối ứng. UBND xã hỗ trợ vật liệu, đầu tư xây dựng hơn 1.000m đường giao thông. Có thể nói đây là cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân dân và huy động được tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Hiểu được lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại mà người dân Thái Thuần đã gắng sức góp công góp của, hộ ít cũng 400.000 - 500.000 đồng/khẩu, nhiều thì hơn 1 triệu đồng/khẩu.

 

Phát huy kết quả đạt được bước đầu,  đợt 2 năm 2014, Thái Thuần đăng ký tiếp nhận 1.100 tấn xi măng kết hợp huy động sức dân để làm một số tuyến đường giao thông nội đồng, xây dựng một số công trình khác. Bởi trên thực tế, các thôn hiện nay đều chưa có hội trường thôn, phải họp nhờ hoặc tạm bợ. Ðể giải quyết vấn đề này, biện pháp duy nhất của xã là cố gắng hoàn thiện trường mầm non tập trung, giải phóng các khu học tập nhỏ lẻ để bàn giao cho thôn làm hội trường sinh hoạt. Do nguồn vốn địa phương có hạn nên một số công trình như trường mầm non, trạm y tế còn dang dở là băn khoăn, trăn trở lớn của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Trao đổi với chúng tôi, ông  Hoàng Văn Ðương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, xã đã tập trung huy động nội lực, nguồn xã hội hóa. Tuy rằng đời sống nhân dân còn khó khăn song tất cả đã nêu cao tinh thần cố gắng vì phong trào chung. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền chủ trương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Rất mong các cấp, các ngành có sự quan tâm hơn nữa đối với những xã nghèo, giúp địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn.

 

Cùng với tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sinh hoạt  của nhân dân, Thái Thuần còn quan tâm thực hiện tiêu chí số 11, giảm hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Biện pháp chủ yếu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng ngành nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh. Mặc dù đồng quê chiêm trũng song diện tích lúa gieo sạ của Thái Thuần chiếm tới 70 - 80%,  diện tích cấy lúa BC15, lúa chất lượng cao dần mở rộng góp phần tăng năng suất qua mỗi mùa vụ... Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, nhân dân khai thác 30ha ao hồ truyền thống và 15ha cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình đa canh, thu nhập tăng gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa. 

 

Ðến thăm mô hình VAC của gia đình anh Hà Văn Mạnh, thôn Ðồng Kinh mới thấy hết được sự năng động, mạnh dạn, sáng tạo trong hướng đi, cách làm kinh tế của người dân nơi đây.  Sau khi chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác, nhận gọn hơn 3 mẫu vùng chua trũng phát triển kinh tế VAC, gia đình anh nuôi hàng trăm con ngan, gà, vịt, dê và lợn; 2.000m2 mặt nước anh nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng trở lên.

 

Giờ đây, bức tranh kinh tế của Thái Thuần không chỉ đơn thuần là mảnh ruộng, thửa vườn mà còn phát triển tiểu thủ công nghiệp thêm phần sôi động. Các đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân làm nòng cốt du nhập nghề mới. Hiện toàn xã có hơn 100 lao động làm nghề móc sợi, mây tre đan. Cơ sở làm nghề hương xuất khẩu thu hút 20 lao động, thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng trở lên/người/tháng. Trên đà này, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% sẽ không còn xa vời. Với nỗ lực và cố gắng của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, Thái Thuần đã đạt 11/19 tiêu chí. Những kết quả bước đầu sẽ tạo tiền đề để địa phương tiếp tục huy động nội lực, đi từng bước vững chắc, đưa diện mạo làng quê  khởi sắc và đời sống nhân dân ngày càng sung túc.

Lê Lan

Ðài Truyền thanh Thái Thụy

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày