Thứ 7, 23/11/2024, 14:31[GMT+7]

Xuân về làng Rãng

Thứ 5, 12/02/2015 | 10:27:20
4,711 lượt xem
Làng Rãng, thuộc xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, nơi chúng tôi một thời đến học sơ tán trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Bẵng đi mấy chục năm, cuối năm Giáp Ngọ chúng tôi mới có dịp trở lại. Làng Rãng bây giờ khác quá, thật khó nhận ra nếu không còn hai cây gạo cổ thụ ở giữa làng.

Đổi mới trên quê hương Thượng Hiền (Kiến Xương).

 

Làng Rãng xưa nằm giữa hai con sông nhỏ do vậy việc giao lưu, đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh kế - xã hội. Mặt khác đây là vùng chiêm trũng, 2/3 diện tích đất canh tác thuộc diện “chiêm khê, mùa thối”, người dân luôn trong cảnh “sống ngâm da, chết ngâm xương”. Đường làng nhỏ hẹp, quanh co, hai bên là những ao bèo, mùa mưa nước không có lối thoát, đường ngập sâu, lội bì bõm. Những tháng giêng, hai, mưa dầm kéo dài, đường ngõ lầy lội không ai muốn ra khỏi nhà, những khi có việc phải đi thì bằm cả mười đầu ngón chân xuống đất mà vẫn trượt ngã. Từ làng Rãng đi sang các làng bên đều phải qua những chiếc cầu tạm bằng tre, phụ nữ, trẻ em qua cầu thường phải lân, phải bò...

 

Nay trở lại làng Rãng, từ thị trấn Thanh Nê qua xã Bình Minh, xe chúng tôi bon bon trên chiếc cầu lớn bắc qua sông vào làng. Chúng tôi ngỡ ngàng không hiểu đây là làng hay phố nữa? Từ cầu vào trong làng, đường trải nhựa rộng rãi, hai bên đường có vỉa hè lát gạch với hàng cây xanh tốt, phía sau là nhà cửa san sát gồm các công trình: nhà máy nước, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, cửa hàng cùng nhà cửa của người dân được xây dựng đẹp đẽ, khang trang với những biển hiệu, biển quảng cáo rực rỡ.

 

Đi sâu vào trong làng, nơi đặt các lớp học sơ tán trước đây, chúng tôi càng ngỡ ngàng và thật sự không còn nhận ra hình hài làng Rãng đói nghèo hiu hắt buồn tẻ ngày xưa. Đường dọc làng bây giờ đã được nắn thẳng, trải nhựa, có đoạn rộng tới 5 -  6m, các ao nhỏ hai bên đường ngày ấy đã không còn, thay vào đó là nhà mái bằng, mái ngói, có cả nhà cao tầng rất hiện đại. Đi về phía cuối làng lại thấy một dãy phố hiện ra. Được biết, đây chính là một phần của bãi tha ma xưa, nay đã quy tụ các mộ về nghĩa trang mới, trả lại vẻ văn minh cho làng. Các gia đình mua đất về đây để ở và mở cửa hàng tạp hóa, cơ sở sản xuất đồ mộc, sửa chữa đồ điện, hàn xì, may vá, cắt tóc...

 

 

Sản phẩm mây đan truyền thống ở Thượng Hiền.

 

Từ làng Rãng đi sang các làng, các xã đều đã có cầu cứng bắc qua sông, các tuyến đường liên thôn, liên xã cũng đều được nâng cấp, mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông. Muốn đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh người làng Rãng chỉ việc đứng ở đường làng là có xe đón chứ không còn cảnh lục tục kéo về phố huyện chờ đợi như xưa. Ở làng Rãng bây giờ cũng đã có các loại xe khách, xe tải, taxi, xe ôm... để phục vụ người dân vận tải hàng hóa, vật liệu, hành khách. Các tuyến đê sông ôm trọn lấy làng, mặt đê đã được trải bê tông rộng từ 3 - 3,5m, hình thành một tuyến đường xung quanh làng nối với các tuyến đường xương cá làm thành mạng lưới giao thông khép kín, tạo thuận lợi cho sản xuất và đời sống, nhất là với những hộ dân còn ở ven đê.

 

Các tuyến đường, tuyến kênh mương dẫn nước nội đồng được quy hoạch và bê tông hóa cùng với các công cụ sản xuất như máy bơm nước, máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn đã làm cho làng hiện rõ hình hài công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vĩnh viễn không còn cảnh con trâu đi trước chiếc cày theo sau, người làng Rãng quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thời vụ cày cấy, gặt hái đã rút ngắn, nhiều người dân có thêm thời gian làm nghề phụ và tham gia vào các hoạt động xã hội...

 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Bá Thơ cho chúng tôi biết: Làng Rãng hoàn thành việc dồn điền đổi thửa khá nhanh, các gia đình còn tự nguyện hiến mỗi khẩu 36m2 đất để mở mang mạng lưới giao thông, thủy lợi nội đồng và làm quỹ đất để hình thành các cơ sở công nghiệp. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp cũng như duy trì được nghề mây tre đan truyền thống mà đời sống người dân, cả vật chất lẫn tinh thần, đều được nâng lên rõ rệt. Làng có hơn 1.700 hộ gia đình thì tất cả đều được dùng điện lưới quốc gia, nước sạch nông thôn, hàng trăm hộ đã sử dụng các tiện nghi đắt tiền như máy điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng lạnh, tủ lạnh, máy vi tính nối mạng internet, còn lại đều có các tiện nghi thông thường như xe máy, quạt điện, điện thoại di động, ti vi... Làng Rãng hiện không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn chưa đến 3%. Tất cả các đường thôn, ngõ xóm đều được sửa sang, tôn tạo, mở rộng và được bê tông hóa. Vệ sinh môi trường được tổ chức và duy trì thành nền nếp nên đến đâu cũng thấy đường quang, ngõ sạch. Các cơ sở thờ tự như đình, chùa, nhà thờ họ được trùng tu, tôn tạo đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân. Chùa Phúc Khánh bị tàn phá trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên nền đất cũ nay đã tọa lạc ngôi chùa mới khang trang. Mỗi khi chiều về, cùng với tiếng chuông chùa, tiếng loa truyền thanh âm vang và ánh đèn đường rực rỡ, làng Rãng vừa thơ mộng, vừa ấm cúng trong niềm vui cuộc sống mới.

 

Ghé thăm siêu thị mi ni của gia đình anh Phạm Thế Dư, cô chủ nhỏ có tên gọi là Nhớ cho chúng tôi biết, siêu thị có trên 300 mặt hàng các loại. Trò chuyện với một khách hàng công tác ở Thái Nguyên về thăm quê, anh bảo: Làng bây giờ chả kém gì thành phố. Trước đây, cứ nghĩ đến cảnh đường sá lầy lội, nước đọng ao tù nên ông cụ nhà tôi khi nghỉ hưu đã ở lại thành phố. Nay đổi mới thế này chắc cụ sẽ đòi về quê ở thôi. Chợ Rãng mới được nâng cấp khang trang và tương đối phong phú các mặt hàng do người làng sản xuất ra, dịp tết có cả đào, quất và hoa tươi.

 

Cuối năm, thời gian bận mải song chúng tôi vẫn được Chủ tịch UBND xã Tạ Văn Hải ân cần đón tiếp. Anh cho biết: Sự bứt phá quyết liệt trong những năm qua, nhất là từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo ra sự đổi thay toàn diện của làng Rãng. Hơn 4 năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã nói chung, làng Rãng nói riêng đã phấn đấu thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới, đến nay đã hoàn thành và được tỉnh cấp bằng công nhận cùng tiền thưởng 500 triệu đồng.

 

Thấy tôi say sưa ngắm hai cây gạo cổ thụ, anh Hải bảo: Hai “cụ gạo” tọa lạc trên đất này đã 350 năm, mới đây Hội cây di sản Việt Nam đã về khảo sát và cấp bằng công nhận là cây di sản quốc gia. Nhìn hai tấm bia công nhận cây di sản quốc gia đặt dưới hai gốc cây gạo, anh bạn tôi thốt lên: Thật quý giá!

 

Cuối năm, những cây bưởi trong vườn ở ven đường đã trổ hoa trắng xóa. Xuân đã về. Rời làng Rãng, xe chúng tôi chầm chậm lướt qua những căn nhà mới xây còn thơm mùi sơn, bên trong sáng ánh điện và xập xình tiếng nhạc. Bất giác, tôi nhớ đến hai câu thơ của cố nhà thơ Tố Hữu:

Rét nhiều nên ấm nắng hanh

Đắng cay nay mới ngọt lành đó chăng”.

 

Phạm Xuân Nghiên

(Thượng Hiền, Kiến Xương)

Ảnh: Thành Tâm

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày