Thứ 7, 23/11/2024, 14:27[GMT+7]

Kế hoạch thực hiện chủ trương, giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ 4, 08/04/2015 | 08:07:29
1,534 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ảnh minh họa.

 

Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ phân công trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và bổ sung các nhiệm vụ mới theo Kết luận số 97-KL/TW 15/5/2014 của Bộ Chính trị đối với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai những nhiệm vụ chủ yếu.

 

Trong đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

 

Cụ thể, tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất; xây dựng đề án tổng thể, đề án chuyên đề, cụ thể hóa chủ trương, giải pháp thực hiện tái cơ cấu trong từng lĩnh vực, ở từng địa phương; xây dựng và chỉ đạo thực hiện các kế hoạch hành động.

 

Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp tham gia thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; điều chỉnh cơ cấu chi tiêu công; tăng cường bộ máy chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu; thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện.

 

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân đồng thời hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở nông thôn, nhất là các doanh nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản, doanh nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, điện khí hóa nông thôn, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm; tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực sản xuất với khả năng cạnh tranh được nâng cao.

 

Đổi mới cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực

 

Kế hoạch nêu rõ, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời chính sách đủ mạnh để khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn nhất là những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. Mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, tăng nguồn vốn tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, dễ tiếp cận vốn tín dụng.

 

Trong đó, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất. Rà soát lại quy hoạch, bổ sung kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ đất lúa nhưng cho phép thay đổi linh hoạt mục đích sử dụng giữa lúa và các cây trồng khác.

 

Hạn chế việc thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác. Khi tiến hành thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng và dịch vụ công… sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ đảm bảo lợi ích chính đáng của người quản lý sử dụng đất, có các phương án sử dụng lớp đất mặt và các vấn đề liên quan theo quy định. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, thuê mướn đất nông nghiệp, khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất.

 

Thực hiện ưu đãi thuế giá trị gia tăng đối với vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách ưu đãi cao để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, miền núi, hảo đảo.

 

Tiếp tục ưu tiên dành vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn. Tăng thêm hỗ trợ cho vay qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng, đổi mới cơ chế, thủ tục để nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp cận tín dụng thuận lợi. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tín dụng đối với nông nghiệp, tăng cường cho vay hộ gia đình với số lượng lớn hơn và vay theo tín chấp nhiều hơn, triển khai cho vay đối với hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, sức cạnh tranh cao.

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày