Thứ 7, 23/11/2024, 10:54[GMT+7]

Đông Hưng hướng đích huyện nông thôn mới trước năm 2020

Thứ 6, 03/07/2015 | 09:13:28
1,702 lượt xem
Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đông Hưng đã sát sao lãnh đạo, chỉ đạo, nhân dân đồng thuận hưởng ứng, vì vậy, từ huyện xếp tốp cuối, Đông Hưng đã vươn lên đứng tốp đầu của tỉnh với nhiều kết quả nổi bật.

Đường giao thông nông thôn ở xã Minh Châu (Đông Hưng). Ảnh: Ngọc Linh

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM), UBND huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: phân loại xã trung bình, xã khó khăn, xã có khả năng về đích sớm để tập trung lãnh đạo, hỗ trợ; phân công cán bộ trực tiếp phụ trách xã, phân các phòng chuyên môn phụ trách từng tiêu chí, đồng thời yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các xã hoàn thành các tiêu chí. Huyện cũng thường xuyên quan tâm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tập trung triển khai các dự án, công trình xây dựng NTM bảo đảm đúng tiến độ; định hướng và giúp các địa phương mở rộng mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị, liên kết với các doanh nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tranh thủ xi măng hỗ trợ của tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận, hưởng ứng và tích cực tham gia, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM…

Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, ngoài cơ chế hỗ trợ xi măng cho các xã và đầu tư ngân sách cho một số công trình của các xã phấn đấu về đích NTM, năm 2014, Đông Hưng đầu tư thêm 400 triệu đồng/xã, năm 2015 nâng lên 500 triệu đồng/xã để thúc đẩy tiến độ xây dựng đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, đồng thời căn cứ điều kiện cụ thể của từng xã để hỗ trợ xây dựng khu xử lý rác thải tập trung, trường học, trạm y tế... Đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng kết cấu hạ tầng NTM của huyện là 1.207,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 711,3 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 232,5 tỷ đồng, vốn xã hội hóa, huy động từ nhân dân và vốn tài trợ 263,9 tỷ đồng. Người dân trong huyện đã hiến 750.210m2 đất làm đường giao thông, tự tháo dỡ 10.500m tường bao để mở rộng đường giao thông nông thôn. Các xã đã tiếp nhận và sử dụng 113.684 tấn xi măng hỗ trợ trị giá 138,87 tỷ đồng, 5,53km kênh bê tông đúc sẵn phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn…

Tính từ 2010 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây mới đạt chuẩn 746,5km đường giao thông các loại; nạo vét 57km sông trục, nâng cấp 41 trạm bơm, xây mới 85,2km kênh cấp I. Ngoài 1.053 máy cày tay, toàn huyện đã có 310 máy cày đa năng, tăng 282 máy; 159 máy gặt đập liên hợp, tăng 134 máy so với năm 2010. Đã đầu tư cải tạo, xây mới 418 phòng học, 22 trạm y tế, xây mới 13 trụ sở làm việc của cấp ủy, chính quyền và 8 nhà văn hóa xã…

Không chỉ làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc theo hướng hiện đại, văn minh, phong trào xây dựng NTM còn tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Năm 2014, tổng diện tích gieo trồng của Đông Hưng đạt 31.739ha, tăng 1.085ha so với năm trước. Diện tích lúa 23.920ha, năng suất lúa hai vụ bình quân đạt 133,55 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với năm 2013. Vụ đông đạt 4.544ha, xây dựng 14 cánh đồng lớn, diện tích 708,5ha, tăng 207,9ha so với năm 2013. Tổng đàn lợn duy trì thường xuyên 160.000 con, đàn gia cầm 1.863.000 con, tăng 341.833 con so với năm 2010. Toàn huyện hiện có 114 trang trại theo tiêu chí mới. 36 chợ vùng, 5 chợ xã được quy hoạch, củng cố cùng với việc hình thành các điểm dịch vụ đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân. 27 làng nghề, 118 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thương mại, vận tải và trên 6.000 cơ sở dịch vụ thương mại cá thể đã giải quyết việc làm cho 54.000 lao động...

Phát huy kết quả đạt được, từ nay đến hết năm 2015 và những năm tiếp theo, Đông Hưng phấn đấu giữ vững và củng cố các tiêu chí ở những xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Những xã còn lại căn cứ tình hình cụ thể xây dựng kế hoạch rút ngắn thời gian hoàn thành từng tiêu chí. Năm 2015, huyện phấn đấu có 10 xã về đích NTM, năm 2016 có thêm 8 xã, đưa Đông Hưng trở thành huyện NTM trước năm 2020.

"Để bứt phá vươn lên, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ động phối hợp với các sở, ngành, tạo điều kiện tốt nhất để các xã xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, từ 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2013, đến hết năm 2014, Đông Hưng đã có 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 14 xã đạt từ 14 - 18 tiêu chí, 12 xã đạt 10 - 13 tiêu chí."

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện

Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày