Chủ nhật, 17/11/2024, 17:42[GMT+7]

Nông thôn mới - Cách làm riêng của Thái Bình

Thứ 2, 18/01/2016 | 09:10:49
3,336 lượt xem
Những năm qua, bên cạnh các chính sách của trung ương, Thái Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, nhờ đó đã xã hội hóa, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, phát huy được tính dân chủ rộng rãi, đưa xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhà máy cấp nước sạch Đông Huy (Công ty TNHH 27 - 7 Tiền Phong) cung cấp nước sinh hoạt cho 6 xã của huyện Đông Hưng.

(Tiếp theo kỳ trước)

Cơ chế hỗ trợ linh hoạt, kịp thời

Thái Bình là địa phương sớm có nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới (NTM), đây được coi là định hướng quan trọng, là mục tiêu để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. Ngay từ năm 2009, các sở, ngành đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chọn 8 xã làm điểm xây dựng NTM với cơ chế hỗ trợ 20,8 tỷ đồng/xã nhằm giúp các xã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trên cơ sở Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực tế đặt ra ở 8 xã điểm khi nguồn ngân sách trung ương và địa phương còn hạn hẹp, ngày 16/8/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, tập trung vào 70 xã điểm NTM giai đoạn 2011 - 2015 với mức hỗ trợ 600 triệu đồng/xã cho xây dựng quy hoạch, thực hiện dồn điền đổi thửa, được công bố công khai và cấp khi các xã đã hoàn thành, được phê duyệt. Cơ chế minh bạch, công khai này đã tạo động lực cho các địa phương thực hiện được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Quyết định số 09 đã bộc lộ nhiều hạn chế làm chậm tiến độ xây dựng NTM: không động viên được xã yếu, các xã được hỗ trợ tập trung quá nhiều vào xây dựng cơ bản dẫn đến tỷ lệ nợ đọng trong xây dựng cơ bản cao… Trong khi đó, một số xã không được chọn làm điểm nhưng lại làm tốt trong xây dựng NTM, đặc biệt là huy động nguồn lực tại chỗ, điển hình như xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy. Trên cơ sở công khai, dân chủ và thực tế nguồn tài chính của địa phương, Thụy Văn đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 10% tiền vật liệu đối với các tuyến đường giao thông thôn xóm; 40% giá trị công trình xây dựng nhà văn hóa thôn và cống thoát nước, chính vì thế đã phát huy được ý thức làm chủ của nhân dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Từ cơ chế hỗ trợ đó, Thụy Văn đã thực hiện bê tông hóa 14km đường giao thông thôn xóm, 12,6km đường giao thông nội đồng, xây mới được 2 nhà văn hóa thôn trị giá khoảng 600 triệu đồng; trở thành 1 trong 14 xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM. Cách làm sáng tạo của Thụy Văn đã giúp tỉnh nhìn nhận lại Quyết định số 09, kịp thời sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND. Đây là cơ hội công bằng cho các xã nhưng cũng tạo ra rào cản lớn cho xây dựng NTM, đó là cơ chế hỗ trợ của tỉnh vẫn chỉ tập trung ở nhóm xã khá, trong khi đó các xã còn khó khăn vẫn chưa tiếp cận được nhiều. Chính vì vậy, ngay trong năm 2013, tỉnh một lần nữa sửa đổi cơ chế hỗ trợ từ tiền mặt sang đầu tư trực tiếp bằng xi măng với Quyết định số 19/2013/QĐ-UBND bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02 về cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM. Thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ này, việc xã hội hóa huy động các nguồn lực - nhất là nguồn lực từ nhân dân được phát huy trên cơ sở người dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm, quyền lợi được hưởng thụ những công trình mà chính họ thống nhất đầu tư, quản lý và thực hiện. Quyết định số 19 như "cơn gió" tiếp thêm sức mạnh cho "ngọn lửa" xây dựng NTM đang bừng cháy khắp các địa phương trong tỉnh. Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: Quyết định số 19 của UBND tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề giúp các địa phương trong huyện tích cực triển khai hoàn thiện các tiêu chí liên quan đến đầu tư xây dựng công trình, đặc biệt là các công trình giao thông, từ đó mang lại diện mạo mới cho nông thôn. Với tổng lượng xi măng tiếp nhận hơn 92.000 tấn, Kiến Xương đã tiến hành cứng hóa 27km kênh mương cấp I loại 3, 75km đường giao thông trục chính nội đồng, 105km đường giao thông trục thôn, 266km đường giao thông nhánh cấp I trục thôn và 37 công trình nhóm 2.

Điểm tập kết nông sản trước khi đưa đi tiêu thụ tại xã Trung An (Vũ Thư).

Thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo ra động lực mạnh mẽ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, từ đó thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM. Trước năm 2014, Đông Các là 1 trong 8 xã khó khăn của huyện Đông Hưng trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nhờ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt của tỉnh, của huyện, đặc biệt là Quyết định số 19 của UBND tỉnh, xã đã huy động được sự vào cuộc tích cực của nhân dân, sự ủng hộ của con em xa quê. Ông Phạm Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Không chỉ hăng hái góp công, góp của xây dựng các công trình hạ tầng, con em xa quê còn tự đứng lên đảm nhận thi công một số tuyến đường và công trình phúc lợi. Nhờ đó, Đông Các đã có những bứt phá đi lên, phấn đấu là 1 trong 10 xã của huyện về đích NTM trong năm 2015.

Cùng với nhân dân Đông Các, rất nhiều cá nhân trong tỉnh tuy còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn sẵn lòng dành dụm, đóng góp hàng chục triệu đồng, hiến tặng hàng trăm mét vuông đất ở để mở đường hoặc xây dựng công trình phúc lợi. Nhiều cụ già tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn tích cực vận động con cháu ủng hộ hàng trăm triệu đồng; hàng nghìn gia đình làm ăn khá giả và con em xa quê, nhiều chức sắc tôn giáo đã ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng trong phong trào xây dựng NTM, điển hình như: gia đình ông Trần Xuân Ý (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) ủng hộ 2,04 tỷ đồng làm đường giao thông; bà Đinh Thị Nụ - vợ liệt sĩ ở xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà ủng hộ 280 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; gia đình ông Lê Anh Tuấn (xã Tây Phong, huyện Tiền Hải) ủng hộ 3 tỷ đồng; ông Trần Hữu Vĩnh (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) ủng hộ 1,95 tỷ đồng; gia đình ông Ngô Văn Phát (xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải) trú quán tại thành phố Hải Phòng ủng hộ 12,88 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Ý cho biết: Đi lại, sản xuất gặp nhiều khó khăn, mong muốn được "khoác áo mới" cho con đường đất lầy lội, xuống cấp là ước mơ từ rất lâu của tôi cũng như người dân trong thôn. Nhờ có cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, người dân hăng hái góp công, góp của để hiện thực hóa ước mơ. Là người trực tiếp đi lại, sản xuất trên tuyến đường thôn, tôi cùng gia đình đã ủng hộ 2,04 tỷ đồng để bê tông hóa 1,6km đường giao thông thôn xóm, hỗ trợ các thôn khác làm đường, đầu tư hàng trăm triệu đồng nâng cấp đường điện trên tuyến đường trục thôn Tân Hà, xã Tân Lễ.

Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Các cơ chế, chính sách của tỉnh không chỉ thu hút các cá nhân mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh cũng tích cực hưởng ứng, cùng chung sức xây dựng NTM. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động đã quyên góp từ 2 - 5 ngày lương, thậm chí 10 ngày lương để ủng hộ một xã, một thôn xây dựng NTM. Chẳng hạn như cán bộ, công chức, viên chức Sở Nội vụ ủng hộ 133 triệu đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ 393 triệu đồng, Sở Giao thông Vận tải ủng hộ 100 triệu đồng, 2.614 hội viên Hội Cựu chiến binh tỉnh đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở với số tiền 35,12 tỷ đồng...

Áp dụng linh hoạt cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã tích cực huy động nguồn lực để bứt phá đi lên, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Hết năm 2015, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM là 14.456,2 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp 4.025,5 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 2.155,4 tỷ đồng, vốn tín dụng 520 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 1.095 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 6.660,3 tỷ đồng (bao gồm nguồn kinh phí huy động bằng tiền và ngày công lao động). Nếu như giai đoạn 2011 - 2013, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM chỉ đạt 4.380,086 tỷ đồng thì đến năm 2014, khi triển khai thực hiện Quyết định số 19 của UBND tỉnh đã tạo ra đột phá tích cực trong xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh với tổng nguồn lực huy động 4.106,458 tỷ đồng.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ đúng, trúng lòng dân ấy được minh chứng qua khối lượng các công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, tính riêng năm 2014 ước bằng 3 lần khối lượng các công trình xây dựng trong giai đoạn 2011 - 2013. Hơn 760.000 tấn xi măng hỗ trợ đã làm thay đổi diện mạo nhiều làng quê, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu của người dân. Sự minh bạch, công khai mức hỗ trợ đã tạo đà cho nhiều địa phương chủ động huy động nguồn lực xây dựng tầng cơ sở, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, hoàn thành 19 tiêu chí trước kế hoạch.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày