Thứ 7, 09/11/2024, 22:19[GMT+7]

Nam Phú đón nước sạch về làng

Thứ 2, 28/11/2016 | 08:56:57
1,165 lượt xem
Nếu không có chương trình xây dựng nông thôn mới thì không biết đến bao giờ công trình trường tiểu học mới được hoàn thành, cũng không biết đến bao giờ những tuyến đường bê tông mới rộng đẹp thênh thang và giấc mơ nước sạch của bà con nơi đây mới trở thành sự thật - đây là tâm sự chung của nhiều người dân Nam Phú (Tiền Hải) khi đón nước sạch về làng.

Trước khi đón đợt không khí lạnh thứ hai của mùa đông năm nay, dù đã gần cuối tháng 11 nhưng trời vẫn nắng nóng đến kỳ lạ. Không hầm hập như mùa hè nhưng nắng rất gắt. Nắng rát chân. Nắng bỏng cánh tay của những người nông dân miền biển. Trời đã gần trưa mà nhóm công nhân Công ty Xây dựng Sông Hồng (Tiền Hải) vẫn mải miết kéo dây, lắp đồng hồ đo nước cho các hộ dân trên địa bàn xã Nam Phú để kịp tiến độ. Ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại. Chủ nhà cũng tham gia kéo đường nước. Vài ba người vây quanh, người thì hỏi bao giờ đến nhà mình, người thì hỏi phải chuẩn bị những gì... Thỉnh thoảng có người phóng xe máy qua dừng lại báo với tổ thợ là nhà mình còn sót ở tuyến nọ, đường kia. Không khí xây dựng nông thôn mới trong những ngày cuối cùng trước khi cán đích của Nam Phú vốn đã nhộn nhịp, khẩn trương thì không khí đón nước về làng, về nhà càng có phần tất bật. Bà Phan Thị Quý ở thôn Bình Thành cho biết, trước đây gia đình bà định không đăng ký dùng nước máy bởi nhà đã có giếng khoan cộng với bể nước mưa 15 khối. Vậy mà mới đầu mùa khô việc dùng nước đã phải dè sẻn. Khổ nhất là mùa này mực nước ngầm xuống thấp, Nam Phú lại là vùng ven biển nước vốn đã nhiễm mặn lại càng mặn hơn. Van xả, đường ống dẫn, vòi hoa sen, vòi rửa rồi máy giặt đều ố vàng, có cái còn han rỉ. Quần áo đi học của con cháu đều ngả màu. Nay thấy bà con lắp nước máy đông quá, bà Quý cũng quyết "kéo" nước máy về nhà. "Đời sống ngày càng cải thiện mà để thiếu cái nước hay nước bẩn thì khó chịu lắm" - bà Quý bộc bạch.

Là xã ven biển xa nhất huyện, Nam Phú có hơn 1.250 hộ với gần 5.400 nhân khẩu. Với mục tiêu phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết tâm đưa nước sạch về với người dân. Vì vậy, ngay sau khi tỉnh có chủ trương ưu đãi khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh đưa nước sạch về nông thôn, Công ty Xây dựng Sông Hồng đã lập kế hoạch khảo sát, lắp đặt nước máy, xã đứng ra làm trung gian, tổ chức hội nghị đối thoại ba bên: chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Mọi thông tin được cung cấp, mọi câu hỏi được trả lời. Chi phí, cách thức tiến hành đều công khai, được thỏa thuận ngay từ đầu. Trong quá trình thực hiện nếu có gì chưa thỏa đáng người dân cứ ý kiến với xã, xã sẽ phản hồi lại với Công ty. Theo đó, mỗi hộ dân tham gia chương trình phải đóng cho Công ty 2,7 triệu đồng, được lắp đặt đến đồng hồ và 25m dây ống nước. Còn lại đường ống sau đồng hồ, téc nước, các van khóa người dân phải tự mua. Những nhà lắp đặt sau đợt này sẽ phải trả thêm 100.000 đồng phí lắp đặt. Tính tổng chi phí, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 4 - 6 triệu đồng để hoàn thiện công trình. Đây là số tiền không nhỏ với người nông dân. Tuy vậy, để dự án thành công, để nước sạch sớm về làng phục vụ bà con, xã đã chọn giải pháp vừa làm vừa vận động, lấy đội ngũ cán bộ thôn làm nòng cốt.

Trái ngược với những khó khăn ban đầu khi nhiều hộ không đăng ký lắp đặt với lý do dùng nước mưa, nước giếng, nước ao hoặc mới đầu tư công trình bể lắng cả chục triệu đồng, giờ không lẽ đập đi, dòng nước đi đến đâu "mát và sạch" đến đấy. Đội ngũ trưởng thôn không phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, thậm chí đề nghị cho vay vốn nữa mà một đồn mười, mười đồn trăm, người dân cứ thế kéo nhau đăng ký. Đến ngày 22/11/2016, toàn xã đã có khoảng 1.000 hộ đăng ký, trong đó 350 hộ đã có nước máy sử dụng. Bà Bùi Thị Dung ở thôn Hợp Phố cho biết: Nước máy của gia đình đã sử dụng được hơn hai tuần. Nước sạch và trong lắm, có thể đun sôi pha trà. Nhà tắm, nhà vệ sinh cứ sạch bong, quần áo trắng trẻo, không ngà ngà như trước. Tôi không dám tin là nước máy lại về đến tận đây. Bây giờ thì về thật rồi. Trước kia ước chả có, giờ có rồi tội gì không dùng. Tuy có phải đầu tư tốn kém một ít nhưng bảo đảm sức khỏe, còn về lâu về dài nữa. Còn gia đình ông Đỗ Văn Đương ở thôn Bình Thành mặc dù mới đầu tư gần chục triệu đồng đúc 3 cái bể tròn nhưng có nước máy là đăng ký ngay. Đi nhiều, biết nhiều, ông hiểu được cái sướng khi dùng nước máy, cũng như ngày xưa chuyển từ dùng đèn dầu sang dùng điện vậy.

Chủ tịch UBND xã Nam Phú Phạm Văn Tuệ cho biết: Chiều dài đường ống cấp nước trên địa bàn khoảng 5km đã lắp đặt xong. Phía Công ty đang lắp đồng hồ đo nước cho các gia đình. Với mục tiêu hoàn thành lắp đặt hệ thống nước sạch cho người dân trong tháng 12/2016, ngoài việc tạo điều kiện cho Công ty thi công, xã còn cử cán bộ chuyên môn kiểm tra các thông số kỹ thuật, hướng dẫn Công ty ở các trục đường đang chỉnh trang theo tiêu chí nông thôn mới. Với những hộ chưa đăng ký, đa số là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, xã giao cho thôn, các ban, ngành tiếp tục vận động, tạo điều kiện về nguồn vốn.

Vùng quê cửa biển những ngày cuối năm rộn ràng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thi công nốt trường tiểu học, địa phương đầu tư kinh phí, tỉnh hỗ trợ xi măng, người dân góp công làm đường ra đồng. Rồi xây dựng lò đốt rác chung với xã Nam Hưng. Trong muôn nẻo rộn ràng ấy có niềm vui rất thật của những người nông dân chất phác, lần đầu tiên được đón dòng nước sạch về làng. Thêm một mong mỏi của họ, đó là dòng nước mãi sạch, mãi trong, tưới mát tấm lòng bao người dân miền biển.

Đỗ Hà
(Đài TTTH Tiền Hải)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày