Thứ 6, 15/11/2024, 20:05[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới Kinh nghiệm từ Thanh Tân

Thứ 3, 26/07/2011 | 08:56:54
1,929 lượt xem
Thanh Tân (Kiến Xương) là một trong 8 địa phương được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau hai năm triển khai, với sự cố gắng của đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn, sự đoàn kết, tâm huyết của đảng viên và quần chúng nhân dân, Thanh Tân đã hoàn thành được khối lượng công việc khá lớn ; đặc biệt là công tác XDCB, dồn điền đổi thửa và giao thông thủy lợi nội đồng.

Chỉnh trang đường làng ở Thanh Tân, Kiến Xương, Thái Bình. Ảnh nguồn VOV

Đến nay, Thanh Tân đã cơ bản đạt được 11/19 tiêu chí. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những chuyển biến tích cực. Xã cũng đã vinh dự được đón trên 120 đoàn khách trong và ngoài tỉnh về khảo sát và trao đổi rút kinh nghiệm; trong đó, nhiều đoàn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương về thăm quan mô hình và động viên nhân dân Thanh Tân.

 

Trao đổi về kinh nghiệm bước đầu qua quá trình tiếp nhận và triển khai tổ chức thực hiện xây dựng NTM, ông Bùi Mạnh Hà - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã cho biết: Ngay sau khi được chọn làm điểm, Thanh Tân đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) gồm các đồng chí trong cấp ủy và các đồng chí là trưởng các ngành, đoàn thể. Ban chỉ đạo đã quán triệt, làm rõ chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước; các quy hoạch, các đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương tới toàn thể đảng viên và nhân dân; đồng thời, triển khai đồng bộ và toàn diện các nội dung trong 19 tiêu chí.

 

Bên cạnh đó, Thanh Tân cũng nhận thấy rằng, công tác tuyên truyền phải đặc biệt được chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: hội nghị, đài truyền thanh, xây dựng pano công khai quy hoạch và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở khu trung tâm, kẻ bảng tường, xây dựng phóng sự “Thanh Tân – Diện mạo mới, sức sống mới”, sáng tác 4 ca khúc ca ngợi quê hương…Nhờ vậy đã động viên được mọi cán bộ đảng viên và nhân dân phấn khởi, tự hào và tin tưởng ra sức góp công, góp của, góp trí tuệ tham gia xây dựng NTM. Hầu hết các hạng mục công trình đều có sự đóng góp của nhân dân.

 

Tính đến tháng 5/2011, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của địa phương đạt 37,7 tỷ đồng; trong đó, nhân dân và con em địa phương đi xa đóng góp 12,8 tỷ đồng, chiếm 33,95% tổng vốn đầu tư. Cụ thể, góp đất làm đường giao thông nội đồng 18 m2/khẩu quy giá trị 10,08 triệu đồng; đóng góp 118 triệu đồng cho xây mới trạm bơm và cứng hóa 5,86 km kênh; hiến trên 2.160 m2 đất để mở đường; đóng góp 791 triệu đồng tham gia vào Dự án điện RE2, nước sạch và vệ sinh nông thôn…

 

Không chỉ chú trọng công tác tuyên truyền, Thanh Tân còn chủ động cùng công ty tư vấn làm quy hoạch, thực hiện tốt quy trình dân chủ trong quá trình làm quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch và thực hiện quy hoạch đã làm. Đến nay, Thanh Tân đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội, quy hoạch chi tiết nông nghiệp và quy hoạch khu trung tâm. Một kinh nghiệm nữa đó là, đội ngũ cán bộ luôn luôn chủ động, đặc biệt là cán bộ chủ chốt phải bám sát các nội dung của đề án, tích cực và sáng tạo trong chỉ đạo xây dựng NTM. Đồng thời, huy động tổng hợp các nguồn lực xây dựng NTM; trong đó, nội lực là cơ bản, lâu dài; ngoại lực là quan trọng.

 

Trên lĩnh vực kinh tế, Thanh Tân tập trung phát triển và tổ chức sản xuất dựa trên tiềm lực sẵn có của địa phương, triển khai thực hiện đề án sản xuất trên cả bốn vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường cơ giới hóa và nâng cấp, cải tạo hạ tầng nông thôn.

 

Bên cạnh đó, Thanh Tân cũng tổ chức mỗi thôn làm điểm một mô hình như: điểm về tự quản vệ sinh môi trường; điểm về xây dựng nếp sống văn hóa trong đám cưới, đám tang; điểm về phóng tuyến, giải tỏa, phát quang lộ giới, đào đắp nắn đường thôn…Cùng với tổ chức thực hiện quy hoạch, Thanh Tân còn thực hiện đề án hỗ trợ cải thiện điều kiện sống và đào tạo nghề cho nông dân theo nhu cầu sản xuất kinh doanh: hoàn thành lớp sơ cấp kế toán doanh nghiệp cho 38 học viên, cử 10 cán bộ đi tập huấn tại Sở Khoa học và Công nghệ về Dự án xây dựng thư viện điện tử, mở 2 lớp nâng cao kiến thức sử dụng máy vi tính và Internet cho 42 học viên, tập huấn cho 50 lao động vận hành an toàn máy cơ khí nông nghiệp.

 

Từ nay đến năm 2013, Thanh Tân phấn đấu cơ giới hóa các khâu làm đất và thu hoạch lúa trên 100% diện tích, gieo sạ 50% diện tích; từng bước xây dựng và hoàn thiện hạ tầng đồng ruộng; thực hiện đề án sản xuất theo vùng, đặc biệt tổ chức thành công và nhân rộng diện tích cấy lúa giống. Đối với CN-TTCN, duy trì các tổ hợp nghề mây tre đan, mặt ghế cói, may xuất khẩu; phấn đấu giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 25%.

 

Bên cạnh đó, Thanh Tân cũng tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: quy hoạch chi tiết và xúc tiến xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao vui chơi giải trí tại các thôn; xây mới nhà hiệu bộ trường THCS; xây dựng trạm y tế, công viên khu trung tâm và nghĩa trang nhân dân. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%, 100% đường ngõ trong thôn được bê tông hóa hoặc rải đá láng nhựa và 100% số hộ được sử dụng nước sạch.

 

Minh Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày