Thứ 6, 15/11/2024, 19:37[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới Sự cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay

Thứ 6, 05/08/2011 | 14:57:05
1,745 lượt xem
Trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thái Bình không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, khu vực nông thôn đang có bước phát triển khá toàn diện, sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,1%/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, an ninh - chính trị được giữ vững...

Ngày càng có nhiều hộ nông dân đầu tư mua sắm máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thành Tâm

Tuy nhiên, với thực trạng  nông thôn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu CNH – HĐH, do đó đòi hỏi phải có sự đột phá trên tất các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường...nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Để giải quyết những hạn chế, Thái Bình đã triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020. Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, người dân sẽ được tiếp cận và thụ hưởng nền sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ.

           

Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, dân số gần 1,8 triệu người, trong đó 86% sống ở nông thôn; diện tích mặt bằng là 154.654 ha, đất nông nghiệp chiếm khoảng 106 nghìn ha. Mặc dù trong những năm qua khu vực nông thôn có bước phát triển tương đối mạnh trên tất cả các lĩnh vực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thực tế cho thấy, nông nghiệp quy hoạch còn chắp vá, không đồng bộ, sản xuất nhỏ lẻ, chậm chuyển sang sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; tỷ trọng nông nghiệp còn quá cao. Kết cấu hạ tầng nông thôn không theo kịp yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống: đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp; giao thông, thuỷ lợi nội đồng chắp vá, tận dụng... Bản sắc, đời sống văn hoá làng xã đang bị mai một, thiếu các điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng. Thu nhập của người nông dân còn thấp so với thu nhập chung của xã hội.

 

Theo kết quả khảo sát đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Bình về thực trạng nông thôn hiện nay so với Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM thì còn một số lĩnh vực chưa xã nào đạt. Cụ thể về giao thông nông thôn, các trục thôn xóm phần lớn đều không đạt bề rộng theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT; trục liên xã xây dựng từ những năm 1990 nên phần lớn đã xuống cấp; giao thông nội đồng chủ yếu là đường đất, kết hợp làm bờ kênh mương, bề rộng không đáp ứng được yêu cầu cơ giới hoá. Hệ thống thuỷ lợi do khu vực nông thôn quản lý gồm trên 1 nghìn km sông trục xã, thôn, sông dẫn trạm bơm; 1.121 trạm bơm; 1.568 cống đập nội đồng; kênh cấp I là 1.851 km, cấp II gần 2.940 km, cấp III gần 1.900 km song, toàn tỉnh mới kiến cố hoá được 655 km (9,4%), chủ yếu là kênh cấp I, còn lại là kênh đất chiếm nhiều diện tích và gây tổn thất nước trong quá trình hoạt động...

 

Nhìn chung, hiện trạng nông thôn chung toàn tỉnh vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị và với chuẩn của Bộ tiêu chí Quốc gia. Do đó, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng tiến trình CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn và là cơ sở phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

 

Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã khẳng định xây dựng NTM là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài; là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phải có sự đầu tư của Nhà nước, được thực hiện đồng bộ trên cơ sở kế thừa và phát triển, có bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần phải huy động mọi nguồn lực để đầu tư và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt sẽ ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Xây dựng NTM còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó người dân ở nông thôn là chủ thể trực tiếp dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, quản lý, điều hành của chính quyền và sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, nhất là cơ sở.

 

Theo Quyết định 1004/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án xây dựng NTM tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020”, mục tiêu đề ra đến năm 2013 có 8 xã điểm đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt 10 tiêu chí trở lên; đến năm 2015, có 70 xã trở lên đạt 19 tiêu chí; năm 2020, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên; 6 huyện, thành phố trở lên đạt huyện, thành phố NTM. Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đã có các giải pháp cụ thể, chi tiết trên từng lĩnh vực, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành triển khai, thực hiện thuộc lĩnh vực mình quản lý...Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM phải dựa trên nguyên tắc bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất và đồng thuận cao trong Đảng, nhân dân; Nhà nước định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, hỗ trợ đầu tư, đào tạo và hướng dẫn thực hiện...

 

Đến nay, việc triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả tương đối khả quan, có 231/267 xã hoàn thành quy hoạch chung, đạt 86,52%; 59 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thuỷ lợi nội đồng; 15 xã  hoàn thành xong dồn điền đổi thửa...Ngoài những địa phương tích cực triển khai thực hiện xây dựng NTM, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn quan niệm đây là việc của Đảng và Nhà nước cấp trên, chưa coi là nhiệm vụ của địa phương nên tư tưởng vẫn trông chờ, ỷ nại vào sự chỉ đạo và nguồn đầu tư kinh phí của cấp trên. Phải khẳng định rằng, xây dựng NTM là sự cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, do đó đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là vai trò của cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Đồng thời các địa phương cần phát động và khơi dậy phong trào cách mạng, Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong quá trình thực hiện; huy động sự đóng góp của nhân dân để thực hiện có hiệu quả các nội dung xây dựng NTM.

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày