Thứ 6, 15/11/2024, 17:42[GMT+7]

Đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước

Thứ 2, 07/05/2018 | 08:29:19
1,315 lượt xem
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết quý I/2018, cả nước có 3.289 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), chiếm 36,84%. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục triển khai tháo gỡ.

Triển khai xây dựng Nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa (Ảnh: BT)

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, cập nhật đến quý I/2018, cả nước có 3.289 xã (chiếm 36,84%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 220 xã (2,47%) so với cuối năm 2017. Có 49 đơn vị cấp huyện thuộc 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tăng 6 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2017).

Sau hơn 1 năm triển khai trong thực tiễn, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM theo Quyết định 1980/QĐ-TTg đã cơ bản khắc phục được những bất cập của giai đoạn trước, phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng linh hoạt mức đạt chuẩn của một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng đã tạo thuận lợi cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện, đồng thời giảm bớt nhu cầu đầu tư những hạng mục công trình chưa cần thiết. Đến nay, bình quân tiêu chí/xã đạt 14,25 tiêu chí, tăng 0,07 tiêu chí so với cuối năm 2017, tăng 0,78% tiêu chí so với cuối năm 2016.

Trong đó, về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, giao thông nông thôn trong hơn 7 năm qua đã hoàn thành khối lượng hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010; có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp. Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

Bên cạnh đó, mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn. Đồng thời, 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã, 60,8% số xã có chợ, 58,6% số xã có nhà văn hóa. Hệ thống thủy nông được xây dựng mới và hoàn thiện, trên địa bàn nông thôn có 18.100 trạm bơm phục vụ sản xuất và dân sinh, bình quân mỗi xã có 2 trạm bơm. Hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn được đầu tư xây dựng với 4.498 xã có công trình nước sạch tập trung.

Về phát triển sản xuất, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó, đã có 744 chuỗi nông sản an toàn. Cụ thể, một số địa phương dần hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như: tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 11.000ha xoài, hơn 3.800 ha bưởi da xanh; huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.800ha trồng cây có múi, trong đó diện tích trồng cam hơn 1.650ha,… Mô hình cây vụ Đông có giá trị cao, đạt 300-400 triệu/ha tại Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai cho hiệu quả kinh tế và tạo thêm việc làm cho người lao động (Ảnh: BT)

Đặc biệt, trong năm 2017, các địa phương đã quan tâm, chú trọng hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chủ động bố trí nguồn lực từ chương trình NTM để hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Trong đó, ưu tiên củng cố những hợp tác xã đã có ở các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2020 và tích cực vận động thành lập mới ở những xã chưa có hợp tác xã nông nghiệp.

Thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đến nay, đã có khoảng 27 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm về xử lý môi trường đã được các địa phương áp dụng hiệu quả. Đặc biệt, một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ để từng bước điều chỉnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam như: mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, mô hình tự chủ động xây dựng hệ thống lò đốt rác quy mô cấp xã.

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 63,33%, Đông Nam Bộ 63,22% thì miền núi phía Bắc đạt 15,53%, Tây Nguyên 22,5%, Đồng bằng sông Cửu Long 29,43%, duyên hải Nam Trung Bộ 30,87%. Trong khi một số địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định,…) để chuyển sang giai đoạn nâng cao chất lượng và xây dựng NTM kiểu mẫu thì một số địa phương, số xã đạt chuẩn còn rất thấp (Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng,…).

Tác động của thiên tai kỷ lục trong năm 2017 và biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về con người, tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường,… Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi còn hạn chế.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng ở một số địa bàn. Trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước có tiến bộ nhưng chuyển biến chưa rõ nét, đang là vấn đề nổi lên được xã hội quan tâm.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, cả nước phấn đấu có khoảng 39% số xã (khoảng 3.500 xã) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng khoảng 5% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.

Trong đó, để đạt được các mục tiêu đề ra, theo Bộ NN&PTNT, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền về NTM; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phản ánh kịp thời hơi thở của cuộc sống thực tiễn xây dựng NTM của cả nước.

Tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng NTM đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đồng bộ và phù hợp với điều kiện triển khai thực tế của địa phương.

Cùng với đó, tăng cường triển khai hiệu quả chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các Đề tài, dự án đã được phê duyệt năm 2018 và tiếp tục thành lập các Hội đồng tư vấn để lựa chọn các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thiết thực hiện trong giai đoạn 2018-2020.

Đáng chú ý, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.

Đặc biệt, chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý; giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM; từng địa phương cần xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hóa và an ninh trật tự.

Mặt khác, đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM để nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng NTM kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, cần đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản./.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày