Thứ 6, 15/11/2024, 17:23[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới: Cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ, sáng tạo (Kỳ 1)

Thứ 2, 11/06/2018 | 08:30:19
2,234 lượt xem
Sau 7 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành điểm sáng xây dựng NTM của cả nước. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, đặc biệt, nhiều tiêu chí đã được sửa đổi, bổ sung đòi hỏi việc thực hiện cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, sáng tạo.

Tích tụ ruộng đất tạo cánh đồng màu cao sản xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ).

Năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; đồng thời, UBND tỉnh ban hành đề án xây dựng NTM để chỉ đạo triển khai ở tất cả các xã trong tỉnh. Sau 7 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành điểm sáng xây dựng NTM của cả nước. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, đặc biệt, nhiều tiêu chí đã được sửa đổi, bổ sung đòi hỏi việc thực hiện cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, sáng tạo.

Kỳ 1: Thái Bình - Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành đề án, Ban Chỉ đạo, 4 tiểu ban giúp việc và Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh được thành lập. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, mặc dù đời sống kinh tế nhiều khó khăn nhưng phong trào xây dựng NTM đã nhận được sự đồng thuận, tham gia hưởng ứng rất cao từ phía người dân.

Không phải xã điểm xây dựng NTM của tỉnh nhưng Nam Thắng (Tiền Hải) đã hoàn thành 19 tiêu chí, về đích năm 2013. Năm 2011, khi triển khai xây dựng NTM, Nam Thắng là xã nội đồng với trên 90% số hộ nông dân thu nhập chủ yếu từ làm nông nghiệp nên  gặp vô vàn khó khăn. 

Trong 3 năm (2011 - 2013), toàn xã tổ chức hơn 500 cuộc họp của Đảng ủy, Đảng bộ, hội nghị MTTQ và các đoàn thể, hội nghị nhân dân... để quán triệt ý nghĩa, mục đích chủ trương xây dựng NTM cũng như phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó đã động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chung sức đồng lòng xây dựng quê hương. Kết quả, cuối năm 2013, Nam Thắng cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí với tổng nguồn vốn huy động gần 74 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 44 tỷ đồng (gồm góp tiền, góp đất, hiến đất, tháo dỡ các công trình, tiền con em xa quê ủng hộ). 

Ông Vũ Ngọc Tính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã mang lại những lợi ích hết sức to lớn, góp phần thay đổi diện mạo làng quê cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. 

Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 12,7 triệu đồng, đến khi hoàn thành xây dựng NTM năm 2013 đã tăng lên 23,36 triệu đồng. Hiện nay, địa phương luôn chú trọng duy trì và nâng cao các tiêu chí, trong đó ưu tiên thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,3 triệu đồng/năm.

Không chỉ Nam Thắng, những cách làm hay, kinh nghiệm sáng tạo trong xây dựng NTM ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần đẩy nhanh kết quả NTM của huyện, của tỉnh. 

Cuối năm 2015, Hưng Hà là huyện đầu tiên của tỉnh về đích NTM trong niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Thời kỳ đầu triển khai xây dựng NTM, Hưng Hà cũng gặp nhiều thách thức lớn nhưng huyện đã biết khơi dậy và phát huy niềm tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân về một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của mỗi người. 

Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhân dân đóng góp gần 1.668 tỷ đồng, chiếm 37,2% kinh phí xây dựng NTM toàn huyện (bao gồm cả tiền mặt, giá trị các công trình tháo dỡ, hiến đất và ngày công lao động). Đến tháng 6/2017, toàn huyện có 32/33 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; xã còn lại là Bắc Sơn đã đạt 14/18 tiêu chí và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại để đề nghị tỉnh công nhận xã NTM.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự đồng thuận của nhân dân các địa phương đã tạo nên những thành tựu đột phá trong xây dựng NTM. Tổng nguồn lực huy động để xây dựng NTM lũy kế đến hết năm 2016 (bao gồm cả tiền, ngày công, xi măng tỉnh hỗ trợ, nhân dân hiến đất và tài sản) khoảng 14.468,6 tỷ đồng. Năm 2017, UBND tỉnh phân bổ 67.400 triệu đồng đầu tư phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Tính đến nay, toàn tỉnh có 200 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 70,7% tổng số xã trong toàn tỉnh); huyện Hưng Hà được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Số tiêu chí đạt bình quân là 17,57 tiêu chí/xã (tăng trên 11 tiêu chí/xã so với năm 2010, vượt so với bình quân chung trong cả nước 4 tiêu chí/xã). 77 xã còn lại có: 13 xã đạt từ 17 - 19 tiêu chí; 62 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 2 xã đạt  8 - 9 tiêu chí.

Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Thực tiễn xây dựng NTM đã khẳng định những thành tựu to lớn Thái Bình đạt được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các địa phương đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM. Trong quá trình thực hiện đã phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết, thống nhất; quyết liệt nhưng không nóng vội, không chủ quan, không chạy theo thành tích, xây dựng được lộ trình, bước đi phù hợp; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó coi trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và phương châm “lấy sức dân để giải quyết công việc của dân”. Tổ chức sơ kết, tổng kết các mô hình, rút kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng những điển hình tiên tiến. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên, nuôi dưỡng phong trào.
Ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thái Thụy

Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của chương trình xây dựng NTM, những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Thái Thụy và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia xây dựng NTM. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến các tầng lớp nhân dân, giúp người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ huyện đã phát động các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động; các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... cũng phát động các phong trào thi đua cụ thể, thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn Chữ, thôn An Ký Tây, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ)

Thành quả lớn nhất người dân chúng tôi được hưởng thụ khi địa phương xây dựng NTM đó là đời sống kinh tế khá lên trông thấy. Nhờ thực hiện tiêu chí dồn điền đổi thửa mà nhà tôi tích tụ được 4 sào ruộng chuyển sang trồng cây chuyên màu cho giá trị kinh tế cao và thu lãi từ 60 - 100 triệu đồng/năm. Giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, lao động sản xuất. Môi trường được cải thiện, người dân được sử dụng nguồn nước sạch giúp bảo vệ, nâng cao sức khỏe...

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày