Thứ 6, 15/11/2024, 17:19[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới: Cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ, sáng tạo (Kỳ 3)

Thứ 4, 13/06/2018 | 09:06:58
3,489 lượt xem
Đứng trước những khó khăn, thách thức mới, tiến độ xây dựng NTM đang có dấu hiệu chững lại, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt thì rất khó về đích đúng kế hoạch. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ “nút thắt”.

Nhân dân xã Quang Trung (Kiến Xương) cứng hóa hệ thống giao thông nội đồng.

Kỳ 3: Cần cách làm mới để đạt tiêu chí mới

Nghị quyết số 05-NQ/ĐH ngày 25/9/2015 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 75% trở lên số xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn, thách thức mới, tiến độ xây dựng NTM đang có dấu hiệu chững lại, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt thì rất khó về đích đúng kế hoạch. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, tháo gỡ “nút thắt”.

Với mục tiêu xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng - xã hội phù hợp; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí NTM; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Để đạt được mục tiêu đề ra, nhiệm vụ của các địa phương sẽ nặng nề hơn. Hơn thế, đứng trước yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi chính quyền cơ sở cần có cái nhìn khách quan hơn về thực tế, đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược, huy động tối đa các nguồn lực chứ không phải thực hiện những mục tiêu trước mắt, mang tính chủ quan như thời gian qua.

Đối với các xã chưa đạt chuẩn NTM cần khẩn trương rà soát, đánh giá năng lực thực hiện từng tiêu chí NTM, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình phấn đấu, bước đi phù hợp, bảo đảm đạt tiêu chí một cách bền vững; phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện cụ thể trong cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể; chống tư tưởng chủ quan, chạy theo thành tích và tư tưởng thụ động, trì trệ; kiên quyết không để phát sinh nợ đọng xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM. 

Hoàn thành đã khó, việc giữ vững và phát triển các tiêu chí NTM còn khó hơn nhiều, đặc biệt là những tiêu chí có sự điều chỉnh tăng theo từng năm như thu nhập, môi trường... Đây là nỗi lo chung của những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, có giải pháp tháo gỡ của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân. Các xã NTM cần thường xuyên rà soát; tiếp tục củng cố, nâng cao tiêu chí; xây dựng kế hoạch, lộ trình giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản; phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng. 

Đặc biệt, theo Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, xã về đích sẽ phải xét công nhận lại sau 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc xã nào không giữ được kết quả sẽ có nguy cơ “tuột” chuẩn NTM. 

Năm 2018, tỉnh ta có 14 xã NTM được công nhận đạt chuẩn năm 2013 phải xét công nhận lại. Hầu hết các tiêu chí khi thẩm định, công nhận ở các xã đều bảo đảm về chất lượng, tuy nhiên vẫn còn tình trạng “nợ” chỉ tiêu, một số tiêu chí chất lượng chưa cao. Do vậy, việc củng cố các tiêu chí là đòi hỏi cũng như thách thức lớn đối với những xã đã đạt chuẩn. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê đất và người dân cho thuê đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, thực hiện các giải pháp tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tăng cường đào tạo nghề, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Làm tốt công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn phù hợp với điều kiện của từng địa phương và từng tuyến đường; kiểm tra kịp thời phát hiện những hư hỏng để thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa...

Trường Mầm non Nam Hồng (Tiền Hải).

Công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh để các cấp chính quyền cơ sở và người dân hiểu đúng về chương trình, tạo được sự đồng thuận, huy động tốt nguồn lực từ cộng đồng. Các địa phương cần tiếp thu cơ chế, chính sách, xác định lộ trình thực hiện, học hỏi kinh nghiệm vượt khó, đánh giá đúng đắn và đúc rút những bài học thất bại của những địa phương khác để hoàn thành xây dựng NTM tại địa phương mình.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, hiện nay các huyện, thành phố đang triển khai thống kê, rà soát mức độ hoàn thành xây dựng NTM của từng xã theo bộ tiêu chí mới để từ đó có những hỗ trợ, giải pháp phù hợp duy trì, hoàn thành bền vững các tiêu chí.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là ở những huyện, xã chưa đạt chuẩn NTM, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động của các cấp, các ngành về xây dựng NTM. Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc tạo nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất phải đúng luật, sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả kinh tế cao; chú trọng thực hiện nghiêm Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư

Năm 2017, Vũ Thư có 18/29 xã hoàn thành các tiêu chí được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Thời gian tới, các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM cần tiếp tục chỉ đạo giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở địa phương. Đối với những xã chưa về đích, ban chỉ đạo NTM cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng để thực hiện, hoàn thành các tiêu chí trong năm 2018 và những năm tiếp theo; chỉ đạo và phân công các thành viên, bộ phận chuyên môn chủ động trong công việc, thường xuyên nắm bắt tiến độ, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đã đặt ra. Ngoài nguồn lực hỗ trợ của cấp trên, các xã phải tính toán nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn lực xây dựng NTM, không để nợ đọng trong xây dựng NTM.

Ông Lương Văn Tám, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Cầu (Quỳnh Phụ)

Là xã thuần nông có xuất phát điểm thấp nhất huyện, khi bắt tay xây dựng NTM, địa phương mới đạt 5 tiêu chí cơ bản. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, Đảng bộ xã An Cầu luôn đề cao vai trò của tổ chức đảng và tinh thần tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; bộ máy chỉ đạo điều hành chương trình được kiện toàn từ xã đến thôn. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được quan tâm, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM được đào tạo, tập huấn. Từ đó, nhận thức của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM chuyển biến tích cực, nhất là người dân đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Kết quả, cuối năm 2017 An Cầu đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Ông Phạm Văn Đát, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng (Tiền Hải)

Năm 2017, Nam Hồng là xã duy nhất của huyện Tiền Hải hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với tổng kinh phí đầu tư hơn 40,6 tỷ đồng. Để bảo đảm tiêu chí số 20 (nợ đọng xây dựng cơ bản), Nam Hồng có cách làm riêng đó là ngoài việc huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu thì địa phương luôn xác định công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 514 tỷ đồng (tăng 110,1% so với năm 2016), thu nhập bình quân đầu người đạt 38,91 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%. Từ đó, người dân phấn khởi, đồng lòng tự nguyện góp công, góp của xây dựng NTM.


Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày