Thứ 6, 15/11/2024, 21:57[GMT+7]

Cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân

Thứ 5, 06/10/2011 | 15:51:31
3,597 lượt xem
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, mọi người dân phải chung sức, đồng lòng, với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để hướng tới mục tiêu nông thôn có nền sản xuất phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hoá xã hội tiến bộ; dân chủ được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao...

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Thượng Hiền (Kiến Xương) đã đầu tư xây dựng trường mầm non đạt chuẩn. Ảnh: Ngọc Trâm

Trong những năm qua, nền kinh tế của Thái Bình vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, bởi dân cư nông thôn chiếm gần 90% dân số; trong khi đó ruộng đất canh tác ít, manh mún nên đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn. Khánh quan nhìn nhận lại cho thấy, nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

 

Với Thái Bình, xây dựng nông thôn mới (NTM) là tất yếu, khách quan, hợp quy luật để đổi mới toàn diện mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để làm được điều này, Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã nêu rõ quan điểm xây dựng NTM là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, phải có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND ban hành quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2011 – 2015.

 

Theo Quyết định số 09/2011/QĐ-UBND, nguồn hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh bao gồm nguồn hỗ trợ của Chính phủ và ngân sách tỉnh; mức hỗ trợ đầu tư được tính bằng tiền theo suất đầu tư cho từng hạng mục công trình trên cơ sở thiết kế, dự toán công trình đã có mặt bằng thi công; việc hỗ trợ vốn cho các công trình thực hiện theo kế hoạch hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt đối với từng danh mục cụ thể của từng xã.

 

Trước mắt, những xã đã hoàn thành nhiều tiêu chí sẽ được ưu tiên trước, phấn đấu từ nay đến năm 2013 có 8 xã điểm đạt xã NTM, đến năm 2015 có thêm 70 xã đạt các tiêu chí NTM. Cụ thể, các hạng mục được hỗ trợ như: Công tác dồn điền đổi thửa được hỗ trợ 100 triệu đồng/ xã; 500 triệu đồng/ xã thực hiện chỉnh trang đồng ruộng.

 

Đối với hỗ trợ  đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng NTM  bằng 100% ngân sách Nhà nước (Trung ương, tỉnh, huyện, xã), gồm: Xây mới trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 200 triệu đồng/ phòng, trường tiểu học và THCS 150 triệu đồng/ phòng; xây mới trạm y tế xã đạt chuẩn, hỗ trợ 1 tỷ đồng/ trạm...

 

Bên cạnh đó ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ một phần các hạng mục như đường giao thông nội đồng trục chính – bờ vùng giai đoạn 1 theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT là 250 triệu đồng/ km; khu thu gom xử lý rác thải diện tích khoảng 15.000 m2 là 850 triệu đồng/ khu.

 

Các công trình được hỗ trợ sẽ thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ; vốn tín dụng đầu tư Nhà nước; vốn ODA và vốn tín dụng thương mại...

 

Tuy nhiên, việc hỗ trợ đầu tư sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, trước mắt ưu tiên phát triển sản xuất trước, như việc chỉnh trang đồng ruộng, đường giao thông trục chính nội đồng, bờ vùng, kênh cấp I loại III...Đồng thời trên địa bàn một xã phải thực hiện cơ bản hoàn thành các mục tiêu ưu tiên, sau đó mới được hỗ trợ thực hiện các mục tiêu theo tuần tự như trên.

 

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng NTM có hiệu quả theo đúng tiến độ của tỉnh đề ra, các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT, Xây dựng, GTVT đã hướng dẫn tới từng xã việc thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM.

 

Theo hướng dẫn liên ngành thì kế hoạch đầu tư tổng thể giai đoạn 2011 – 2015 đối với cấp xã sẽ phải thuyết minh danh mục các công trình cần đầu tư theo thứ tự ưu tiên; trong đó phân chia danh mục công trình theo nhóm hỗ trợ một phần và đầu tư 100%. Đồng thời mỗi công trình đều phải nêu rõ địa điểm xây dựng; mục tiêu đầu tư; quy mô xây dựng; dự kiến tổng mức vốn đầu tư...Song, tất các công trình đầu tư đều phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trong xã thông qua việc họp với các hộ dân. Theo đó, các ý kiến đóng góp của nhân dân được ghi thành biên bản và chuyển tới ban quản lý xã, HĐND xã...

 

Trong thời gian qua, bằng các nguồn ngân sách của Nhà nước hỗ trợ đầu tư dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, nhiều địa phương đã thực sự tạo được vóc dáng mới, góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất, cũng như tinh thần cho người dân. Song, xây dựng NTM đòi hỏi  nguồn lực đầu tư rất lớn, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, do đó đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó có sự đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện cho công trình Nhà nước hỗ trợ một phần; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia tài trợ cho các công trình xây dựng NTM.

 

Ngoài ra, công sức, tiền của người dân và cộng đồng tự bỏ ra để chỉnh trang nơi ở của gia đình mình như xây dựng, nâng cấp nhà ở; cải tạo lại các công trình phục vụ khu chăn nuôi hợp vệ sinh...Đồng thời đóng góp, xây dựng các công trình công cộng của làng xã như giao thông thôn, xóm, kiên cố hoá kênh mương, đầu tư sản xuất ngoài đồng ruộng, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp...

 

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, mọi người dân phải chung sức, đồng lòng, với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để hướng tới mục tiêu nông thôn có nền sản xuất phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hoá xã hội tiến bộ; dân chủ được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao...

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày