Thứ 6, 15/11/2024, 21:30[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh(Tiền Hải): Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn 

Thứ 6, 11/11/2011 | 09:57:16
2,210 lượt xem
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về “xây dựng nông thôn mới”, Đảng bộ và nhân dân xã Tây Ninh (Tiền Hải) vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đây là một trong nội dung cơ bản Nghị quyết 26 (Hội nghị TƯ 7, khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, hy vọng những năm sắp tới khu vực “tam nông” sẽ có bước đổi đời. Lo bởi Tây Ninh còn nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu.

Một góc thị trấn Tiền Hải. Ảnh minh họa

So sánh thực tế địa phương với các tiêu chí về nông thôn mới, Tây Ninh mới đạt 5/19 tiêu chí, trong khi xã còn bộn bề khó khăn. Cách trung tâm thị trấn Tiền Hải khoảng 3km nhưng Tây Ninh khó phát triển thương mại- dịch vụ bởi mua sắm hàng hoá ai cũng thích vào thị trấn. Gần khu công nghiệp nên đưa thủ công nghiệp vào xã không dễ.

 

Tây Ninh cũng đã phát triển một làng nghề, nhưng từ năm 2010 đến nay không còn hoạt động. Sản xuất nông nghiệp lại càng khó khăn, xã có tổng diện tích canh tác 320 ha, nhưng các cánh đồng xen giữa các khu dân cư. Có nơi, thôn nọ sang thôn kia chỉ 150- 200 mét, rất khó cho thâm canh, nên năng suất lúa chỉ ở mức trung bình của huyện.

 

Vụ xuân 2011, cả huyện trúng mùa lớn (71tạ/ha) thì Tây Ninh chỉ đạt 58 tạ/ha. Thâm canh màu thì cánh đồng sát làng, chuột, gà, vịt phá hoại… Từ đặc điểm ấy nên GTSX trồng trọt của Tây Ninh mới đạt 43 triệu đồng/ha/năm, bình quân thu nhập đầu người mới đạt 6,9 triệu đồng/người/năm, toàn xã còn 10,48% hộ nghèo chưa kể tư tưởng một bộ phận cán bộ và nhân dân khi tiếp thu chủ trương xây dựng nông thôn mới vẫn trông chờ vào sự trợ giúp của trên; đồng ruộng đã hẹp, manh mún nhưng hậu quả của phá vỡ mặt bằng canh tác do lấy đất làm gạch  chưa khắc phục hết sẽ  khó dễ cho việc dồn điền đổi thửa sắp tới. Lao động trong độ tuổi khá cao (2.871 người) nhưng tỷ lệ qua đào tạo nghề thấp; xã có 4 thôn, nhưng mới có 2 nhà văn hoá, chưa có chợ. Hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều, lại xuống cấp, hệ thống mương máng mới cứng hoá được 2.600/15.000 m. Trăn trở nhất của Đảng bộ, chính quyền Tây Ninh là phát triển kinh tế để đưa mức thu nhập bình quân đạt quy định của bộ tiêu chí.

 

Tổ chức nghiên cứu, quán  triệt  các thỉ thị, nghị quyết của Đảng và hướng dẫn của các ngành, các cấp về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cùng với công tác tuyên truyền, Tây Ninh đã hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo, tìm chọn đơn vị tư vấn và được phê duyệt quy hoạch chung. Các quy hoạch chi tiết như vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, giao thông, thuỷ lợi nội đồng, giao thông nông thôn, trung tâm xã, quy hoạch dân cư đã hoàn tất đang chờ huyện phê duyệt.

 

Trên mặt trận tư tưởng, xã tập trung chỉ đạo các tổ chức quần chúng như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên làm tốt công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên hiểu đầy đủ ý nghĩa, mục đích chủ trương xây dựng nông thôn mới, để mọi người nêu cao ý thức tự lập, tự cường, chống tư tưởng trông chờ, ỷ nại. Đảng viên, đoàn viên, hội viên đi đầu trong các phong trào đóng góp, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, nhường thuận lợi cho hộ khó khăn trong công tác dồn đổi ruộng đất. Đảng uỷ, UBND xã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

Theo quy hoạch sơ bộ, Tây Ninh xây dựng 2 vùng lúa tập trung chất lượng cao (chiếm 50% diện tích); 3 vùng lúa- màu (2 lúa- 1 vụ đông); 2 vùng nuôi trồng thuỷ sản từ 15-  20 ha. Kết hợp giữa công tác cải tạo đất  với đổi mới cơ cấu và thâm canh theo khoa học để đưa năng suất lúa đạt từ 12,5 - 13 tấn/ha/năm. Bố trí 40- 50% diện tích màu trồng cây vụ đông, tập trung sản xuất các cây màu có giá trị cao để tăng thu nhập cho nhân dân. Toàn xã hướng tới mục tiêu giá trị sản xuất đạt 65- 70 triệu đồng/ha/năm vào năm 2015 và phát triển cao hơn vào các năm tiếp theo.

 

Về CN- TTCN, Tây Ninh chủ trương tiếp tục khôi phục, phát triển nghề và làng nghề. Chị Vũ Thị Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Ninh đã đi đầu đưa nghề móc sợi về xã, tạo việc làm  cho gần 80 hội viên. Mặt khác, xã còn tích cực liên hệ với khu công nghiệp Tiền Hải để đưa lao động vào các xí nghiệp, nhà máy; phối hợp chặt chẽ với các ngành để xuất khẩu lao động … nhằm nâng cao tỷ trọng CN- TMDV của xã lên 67- 70%.

 

Trước mắt, nhiệm vụ khó khăn nhất hiện nay mà Tây Ninh phải tập trung lãnh đạo và quyết tâm giành thắng lợi là công tác dồn điền thửa. Đây là nhiệm vụ cấp bách, nhạy cảm; vì vậy Đảng uỷ đã ra nghị quyết chuyên đề với mục tiêu sau dồn đổi còn 1,2- 1 thửa /hộ. UBND xã Tây Ninh cũng xây dựng kế hoạch “dồn điền đổi thửa” với 6 bước:  thành lập ban “dồn điền” của xã, tiểu ban của các thôn; phối hợp với các tổ chức quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hộ, nhóm hộ, dòng họ;điều tra hiện trạng, tiến hành xây dựng dự thảo phương án; triển khai đăng ký tới hộ, nhóm hộ, điều chỉnh (nếu có) của từng thôn; tổ chức lập sơ đồ, cắm mốc; tổ chức giao đất thực địa..., phấn đấu hoàn thành 6 bước và giao đất trước ngày 10/11/2011…

 

Với những biện pháp đúng, bước đi cụ thể, phù hợp, hy vọng mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh sẽ giành thắng lợi trọn vẹn theo đúng lộ trình, góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu trở thành tỉnh công- nông nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

                                                                                      Phan Anh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày