Thứ 6, 15/11/2024, 21:26[GMT+7]

Hiến đất làm đường ở Hồng Châu Góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 18/11/2011 | 16:12:47
1,832 lượt xem
Những năm qua, xã Hồng Châu (Đông Hưng) thường xuyên tu bổ hệ thống giao thông do xã quản lý. Duy trì chế độ duy tu giao thông theo quý, nhất là vào những mùa mưa để giảm bớt khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Đường giao thông thôn xóm xã Hồng Châu huyện Đông Hưng. Ảnh: Thành Tâm

Cuối năm 2010, xã đã trích kinh phí để bê tông hóa toàn bộ đoạn đường từ thôn Đoàn Kết đến thôn Văn Thụ. Hiện nay con đường đã to, đẹp hơn trước và đã hoàn thành được gần một năm. Điều đáng nói ở đây là sự tự nguyện hiến đất của người dân phục vụ xây dựng con đường. Việc làm thiết thực này đã tạo động lực cho nhân dân trong toàn xã tích cực tham gia vào xây dựng mô hình nông thôn mới.

 

Theo anh Nguyễn Khắc Diễn - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: con đường kéo dài từ thôn Đoàn Kết đến thôn Văn Thụ được rải nhựa từ năm 1991 có chiều dài 1.194m, rộng 5m, trong đó lòng đường 3m đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ổ trâu, ổ gà xuất hiện ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia giao thông, đặc biệt đã xuất hiện những vụ tai nạn tuy chưa nghiêm trọng nhưng cũng  làm nhiều người dân lo sợ.

 

Xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân, UBND xã Hồng Châu đã trích gần 960 triệu đồng để bê tông hóa, mở rộng con đường ra 7m, trong đó 3m lòng đường và 2 bên là mỗi bên 2m. Có 77 hộ trên địa bàn của 2 thôn thuộc diện giải tỏa mặt bằng, trong đó các công trình trên đất chủ yếu là tường bao và công trình phụ. Xác định ngay từ đầu là phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên xã đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác GPMB do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, và các đồng chí trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn đều là thành viên BCĐ.

 

Thông qua hệ thống phát thanh, Hồng Châu đã tuyên truyền các hộ dân ở 2 thôn tự nguyện hiến đất để làm đường, đồng thời trực tiếp xuống các thôn họp, bàn bạc thống nhất với nhân dân. Lãnh đạo của 2 thôn có trách nhiệm trực tiếp thống kê đo đạc diện tích làm đường qua các hộ và vận động các hộ đồng tình với phương án làm đường của xã. Ban đầu xã cũng gặp khó khăn do một số hộ thắc mắc, không đồng ý về việc hiến đất lại không có đền bù. Các thành viên trong BCĐ đã phải trực tiếp xuống từng hộ để giải thích về lý do, lợi ích của việc làm đường, chủ trương của xã trong việc xây dựng tuyến đường và căn cứ vào Luật Đất đai để vận động các hộ dân. Cách làm đó  hợp với lòng dân nên chỉ trong 1 tháng, 100% hộ đã tự nguyện phá rỡ tường bao, công trình phụ để kịp thời thi công và sau 2 tháng công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

 

Để có được kết quả đó, Hồng Châu cũng đã nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu của những gia đình cán bộ, đảng viên làm trước để các hộ khác noi theo. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Hiền, Lê Hồng Quang, Lương Quý Dũng là những người tiên phong trong việc tự phá bỏ công trình trên đất để làm đường. Nhiều cụ già đã trên 80 tuổi vẫn tích cực tham gia vận động các con cháu hiến đất, như cụ Lương Quý Bích, cụ Nguyễn Đình Phiêu. Nhiều người đã ủng hộ và bày tỏ niềm phấn khởi trước những quyết sách đúng đắn của xã bởi đã sống qua nhiều thời kỳ nhưng họ chưa từng nghĩ đoạn đường đi qua nhà mình giờ đây lại to đẹp đến thế, từ nay về sau việc đi lại sẽ được an toàn, thuận lợi hơn....

 

Như vậy việc hoàn thiện tuyến đường nối 2 thôn ở Hồng Châu không những nói lên được ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước mà trên hết là họ đã khơi thông được tư tưởng  trông chờ tiền đền bù. Họ đã nghĩ xa hơn đến lợi ích lâu dài của tuyến đường và hi sinh một phần đất của gia đình để hướng đến những lợi ích chung. Vừa phá bỏ tường bao, công trình phụ, họ vừa xây dựng mới theo đúng mốc đường mới nhưng không ai tính toán đến chuyện thiệt hại mà gia đình phải bỏ ra để xây lại.

 

Tuy nhiên, xã cũng đã hỗ trợ đền bù 10 triệu đồng cho hộ ông Phạm Như Huyên do hiến nhiều diện tích và toàn bộ công trình phụ đều nằm trên phần đất hiến trong khi diện tích nhà lại hẹp để giảm bớt một phần thiệt hại cho gia đình. Đó là trường hợp duy nhất mà xã trích kinh phí hỗ trợ đền bù.

 

Mặc dù quy mô của tuyến đường nhỏ, số lượng đất hiến của các hộ dân không nhiều, nhưng đối với xã Hồng Châu, các hộ hiến đất trên là những tấm gương để các thôn khác làm theo, đặc biệt là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tất cả các tuyến đường liên thôn đã được xã triển khai cắm mốc rộng 7,5m, hệ thống trục đường xóm mở rộng ra 5m, trong đó đa số đều có một phần trên đất của dân. Theo đánh giá của lãnh đạo xã, đến nay đa số nhân dân đều đồng thuận với những phương án, kế hoạch trong việc xây dựng hệ thống giao thông của mô hình nông thôn mới. Đây là động lực để Hồng Châu đặt mục tiêu trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015.

  Thu Thủy       

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày