Thứ 6, 15/11/2024, 20:20[GMT+7]

Nam Cường Từ vùng kinh tế mới đến xã nông thôn mới

Thứ 5, 29/12/2011 | 15:20:38
2,602 lượt xem
Gần 50 mùa xuân đi qua, từ một khu kinh tế mới khó khăn, nay Nam Cường không chỉ là xã khá giỏi về kinh tế xã hội của huyện, còn là một trong số xã đang nỗ lực phấn đấu để trở thành xã “nông thôn mới” trong tương lai.

Cán bộ và nhân dân huyện Tiền Hải dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền thờ Bác (xã Nam Cường). Ảnh: Thành Tâm

Đầu thập kỷ 60 (thế kỷ 20), Nam Cường (Tiền Hải) trở thành biểu tượng của tinh thần “đẩy sóng ra khơi, đắp đê ngăn thủy triều, biến bãi biển hoang vu thành đồng lúa, làng mạc” để khắp nơi về học tập. Ghi nhận kết quả đạt được của Nam Cường ngày 26/3/1962, Nam Cường vinh dự được Bác Hồ về thăm và động viên.

 

Những năm tháng đầu đi mở đất của Nam Cường thật vô cùng khó khăn, gian khổ. Mảnh đất Nam Cường hoang sơ nhiễm mặn, toàn là muống biển, cúc dại. Dưới đồng bãi chỉ thấy lau, lác chen chúc um tùm, nước có độ phèn quá cao,... Toàn khu mới có hơn 1.000 dân, trong đó có một số đảng viên (chi bộ đảng thành lập ngày 19/4/1961); hành trang ngoài mấy công cụ như cuốc, mai, dao và ít bộ quần áo, còn là sức lực và tinh thần là chính.

 

Những ngày đầu, không ít người nản lòng; trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Song với quyết tâm ra đi để lập nghiệp, mọi người giúp nhau dựng tạm nhà và nhanh chóng nhận đất khai hoang. Ngày Bác Hồ về thăm, đứng trên một bãi đất, Bác như một người cha già ân cần dạy bảo con cháu: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam”. Làm theo lời Người dạy, Nam Cường đã khai hoang lập nên cánh đồng hơn 200 ha trồng lúa và hơn 100 ha đất sát chân đê biển để trồng cói. Do đất đai chua mặn năng suất cây trồng không cao, cộng với cơ chế kinh tế cũ còn lạc hậu vì thế cái đói, cái nghèo cứ bám lấy lưng người dân  Nam Cường suốt mấy chục năm ròng.

 

Thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2001  2015) về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi, Đảng bộ Nam Cường đã lãnh đạo nhân dân “làm một cuộc cách mạng mới”. Trên cánh đồng cói năm xưa, Nam Cường đã quy hoạch chuyển đổi thành vùng nuôi trồng thuỷ hải sản rộng gần 100 ha. Hơn 10 năm qua, cánh đồng này liên tục đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 5  6 lần cấy lúa, trồng cói, có năm gấp 8  9 lần. Đầu tư cải tạo đất bằng phương pháp thuỷ lợi, tích cực đổi mới cơ cấu cây trồng, đến nay Nam Cường đưa 100% giống ngắn ngày vào canh tác, đạt năng suất từ 100 - 110 tạ/ha/ năm, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 45 - 50% diện tích.

 

Cùng với phong trào thâm canh lúa, Nam Cường cũng là một trong số xã đi đầu phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; đã xây dựng được 2 trang trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại với quy mô hàng ngàn đầu lợn/trang trại và 30 gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm. Nếu chưa tới Nam Cường, ai cũng nghĩ nơi đây chỉ có tôm cá, lúa, lợn, nhưng Nam Cường hiện tại còn có nhiều nghề thủ công như sản xuất đồ nhựa, thêu móc sợi, cơ khí... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

 

Cũng như bao miền quê khác, năm 2011 Nam Cường gặp nhiều khó khăn để phát triển do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, lạm phát, thời tiết, dịch bệnh bất lợi cho nông nghiệp. Với tinh thần cách mạng kiên cường và truyền thống chống thiên tai cộng với áp dụng kiến thức KHKT mới, Nam Cường đã gặt hái thắng lợi toàn diện. Năng suất lúa cả năm đạt 110tạ/ha. Nuôi trồng thuỷ hải sản đang chuyển theo hướng sản xuất hàng hoá. Xã đã chuyển 20ha/ 105 ha trong đê và 20/ 45 ha bãi triều sang ươm nuôi ngao giống thu lãi  hơn 20 tỷ đồng.

 

Một số hộ như ông Lê Văn Sử, Bùi Văn Thuận, Đinh Văn Đảo thu lãi 800 triệu- 1 tỷ đồng/ha/năm. Diện tích đầm trong đê còn lại thực hiện đa canh, đa con nuôi thuỷ sản như tôm sú, cá vược nước lợ, cua... đã tránh được rủ ro của thời tiết và nguồn nước bị ô nhiễm,  hiệu quả kinh tế gấp 6  7 lần trồng lúa. 12 ha nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt cũng được cải tạo và đổi mới con vật nuôi như trắm đen lai, cá vược đạt sản lượng 45 tấn (trắm 30 tấn, vược 15 tấn). Nuôi trồng thuỷ hải sản là nghề mới đối với người nông dân nội đồng đến vùng kinh tế mới ven biển, nhưng đã giúp Nam Cường thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ đê biển nhìn xuống không còn vùng đất hoang sơ Nam Cường ngày nào, thay vào đó là một miền quê trù phú với 100% nhà dân được kiên cố hoá. Trục đường xã được mở rộng, rải nhựa 2 ven đường với nhiều cửa hàng cửa hiệu, không khác phố thị là bao. Từ nét mặt, giao tiếp đến cách ăn mặc... của người dân nơi đây không còn dấu ấn kham khổ của mấy năm về trước. Trụ sở xã,  cơ sở hạ tầng, đền thờ Bác... được nâng cấp khá khang trang.

 

Tổng kết năm 2011, Nam Cường đạt GTSX (theo giá cố định 1994) hơn 40 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hơn 10%. Toàn xã 790 hộ, 3.176 nhân khẩu đạt thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 8%. Nhiều phong trào văn hoá - giáo dục  y tế  an ninh quốc phòng vẫn duy trì tốt. Đặc biệt là phong trào xây dựng văn hoá mới, Nam Cường đã có 2/3 thôn đạt danh hiệu “Thôn làng văn hoá” cấp huyện; 72% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá ”...

 

Năm 2012, Nam Cường phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 13  15%, phấn đấu đưa năng suất lúa đạt 115 tạ/ha (50% diện tích lúa chất lượng cao). Tiếp tục phương thức đa canh, đa con nuôi thuỷ sản và tăng diện tích ươm nuôi ngao giống, tạo nhanh nguồn thu cho dân. Chuyển một số diện tích màu xen kẹt trong các thôn hiệu quả kinh tế không cao sang xây dựng gia trại nuôi gà giống (đã có 1 hộ xây dựng đề án, đăng ký đầu tư). Lĩnh vực công nghiệp, Nam Cường đã hoàn thành đề án mở rộng điểm công nghiệp lên 7 ha, thu hút thêm 2 - 3 doanh nghiệp vào đầu tư, giải quyết thêm 100 lao động có việc làm. Xã cũng tiếp tục củng cố nghề và làng nghề.

  

Trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, Nam Cường đã hoàn thành một số việc quan trọng như xây dựng đề án, xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảng uỷ, UBND xã và ban chỉ đạo đang tập trung vào công tác dồn điền đổi thửa diện tích đất nông nghiệp trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ trong nhân dân. Đến 25/12/2011, toàn xã sẽ giao ruộng ngoài thực địa, với bình quân từ 1,5  1,8 mảnh/hộ. Đồng thời khẩn trương đưa máy móc vào đào đắp theo quy hoạch giao thông  thuỷ lợi nội đồng, phát động nhân dân chuẩn bị đầy đủ lực lượng vật chất cho sản xuất vụ xuân 2012. Huy động nhân tài vật lực để hoàn thiện một số công việc, đưa tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã đạt 12/19 tiêu chí. Con đường xây dựng nông thôn mới, như Nam Cường xác định còn nhiều khó khăn. Với tinh thần và nghị lực của mình, cộng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Nam Cường phấn đấu không chỉ có “Cường” mà còn “Thịnh vượng”.

Phan Lợi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày