Thứ 6, 15/11/2024, 11:50[GMT+7]

Gỡ khó cho các doanh nghiệp nước sạch

Thứ 3, 15/01/2019 | 08:18:31
2,182 lượt xem
Chủ trương xã hội hóa đầu tư chương trình nước sạch nông thôn (NSNT) của tỉnh được triển khai từ năm 2014 đã được các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được các sở, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ.

Nông dân xã An Khê (Quỳnh Phụ) phấn khởi khi được sử dụng nước sạch.

Đến hết ngày 31/12/2018, trên địa bàn tỉnh có 31 dự án đầu tư mới, đầu tư nâng cấp mở rộng được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư (trong đó 24 dự án đầu tư mới, 7 dự án nâng cấp và mở rộng) với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; 26 dự án chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn Ngân hàng Thế giới; 2 dự án nhà máy nước Thụy An và nhà máy nước Thái Thọ (Thái Thụy) đầu tư từ nguồn vốn khoa học công nghệ của trung ương, vốn doanh nghiệp hỗ trợ và một phần vốn hỗ trợ của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án như: thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng... đồng thời chỉ đạo chính quyền cơ sở vận động nhân dân tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong quá trình thi công công trình, nhất là việc cắt đường để thi công hệ thống đường ống cấp nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hướng dẫn và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc vay vốn đầu tư các công trình cấp NSNT. 

Đến hết 31/12/2018, toàn tỉnh có 24 dự án được các ngân hàng cho vay vốn với tổng số tiền cam kết cho vay trên 418,5 tỷ đồng. Với sự vào cuộc tích cực đó, chỉ đến cuối năm 2016, hệ thống đường ống cấp nước sạch của các dự án đã phủ kín và đủ khả năng cung cấp nước sạch đến trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các dự án đầu tư đã hoàn thành, 100% dân số vùng nông thôn của tỉnh được cung cấp nước sạch với tỷ lệ sử dụng NSNT toàn tỉnh đến ngày 31/12/2018 đạt trên 96,8%.

Để có được những kết quả đó là cả sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp bởi trong quá trình triển khai thực hiện, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nước sạch cho nhân dân. 

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh cho biết: Do các quy định của trung ương về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các công trình NSNT, tiêu chuẩn quản lý chất lượng NSNT... chưa đồng bộ nên việc ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ các công trình cấp NSNT còn có điểm chưa thống nhất, chưa cụ thể dẫn tới tiến độ cấp kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp vẫn còn chậm. Đến ngày 31/12/2018, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho 51 dự án, công trình với tổng kinh phí 461,469 tỷ đồng, trong đó số kinh phí được phân bổ hỗ trợ mới chỉ được 218,788 tỷ đồng, chiếm 47,41% tổng số kinh phí được duyệt hỗ trợ. Chính việc cấp kinh phí hỗ trợ chậm đó đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không chủ động được nguồn tài chính để trả tiền vay ngân hàng và các chi phí phát sinh khác. 

Bà Ngô Thị Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nước Hoàng Hải cho biết: Công ty được UBND tỉnh chấp thuận cho thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân 3 xã Đông Phương, Đông Cường, Đông Xá, huyện Đông Hưng và 2 xã Thụy Duyên, Thụy Chính, huyện Thái Thụy. Công ty đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thành 95% dự án, được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 10 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ nhận được 3,488 tỷ đồng. Chính vì thế, Công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, rất khó có thể trụ vững được. Một trong những khó khăn nữa đó là mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở nhưng nhận thức của nhân dân tại một số địa phương trong việc sử dụng nước sạch còn hạn chế dẫn tới tình trạng sản lượng nước tiêu thụ còn thấp, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động của các nhà máy nước sạch. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước sạch còn gặp rất nhiều khó khăn khác như: thời hạn cho vay vốn của các ngân hàng chỉ ở mức trung hạn (5 năm), gây khó khăn trong việc cân đối tài chính; chưa có quy định cụ thể về việc huy động tiền đóng góp của người dân sử dụng nước sạch...

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nước sạch, tại buổi làm việc với Hội Nước sạch tỉnh, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu kế hoạch hỗ trợ cho các dự án, bảo đảm công bằng, khách quan, đúng theo quy định của Nhà nước; giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp nước sạch, trên cơ sở đó tỉnh sẽ xem xét, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, từ đó góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước sạch duy trì, quản lý, khai thác dự án đạt hiệu quả cao nhất. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp nước sạch phải bảo đảm quy trình vận hành, chất lượng, số lượng nước cung cấp cho nhân dân; thực hiện tốt 6 công khai theo chỉ đạo của tỉnh gồm: công khai quy trình công nghệ, công khai quy trình quản lý chất lượng, công khai quy định về quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước, công khai kết quả kiểm tra chất lượng nước của các cơ quan chức năng, công khai giá sử dụng nước (theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh đối với từng dự án), công khai mức huy động tiền đóng góp của người sử dụng nước trong việc đầu tư xây dựng công trình cấp NSNT; đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc thỏa thuận với người dân về việc góp vốn.


Minh Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày