Thứ 6, 15/11/2024, 11:32[GMT+7]

Xuân ở làng chài Cao Bình

Thứ 6, 01/02/2019 | 16:05:57
4,240 lượt xem
Vốn là làng chài mang đậm đặc trưng của miền sông nước, từ chỗ coi thuyền là nhà, nay người dân làng chài Cao Bình, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) đã có cuộc sống no ấm, đủ đầy trong những ngôi nhà kiên cố. Giờ đây, dù đi bất cứ nơi đâu, đối với họ, những ngày tết vẫn là những ngày ý nghĩa nhất trong năm khi được trở về nhà.

Một góc làng chài Cao Bình.

Người ta thường nói có an cư mới lạc nghiệp, thế nhưng người dân làng chài Cao Bình trước đây chỉ có nghề đánh bắt thủy hải sản duy nhất, nhưng họ không có nhà mà chỉ có thuyền, lênh đênh trên sông nước từ đời này nối tiếp đời khác. Vì thế, khi về làng chài hầu như mọi người chỉ biết nói về cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây nhưng không ai nắm rõ họ đi đâu và sống ở đâu. 

Kể về người làng chài Cao Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến Phạm Quang Hiệu cho biết: Làng Cao Bình trước đây, thôn Cao Bình ngày nay từ xa xưa đến giờ chỉ chuyên khai thác thủy hải sản tự nhiên. Người dân sống lênh đênh trên thuyền, không có nhà, không có đất, ít có người học hành. Họ chỉ giao lưu với nhau sau mỗi buổi chiều về khi cá đã đầy khoang và khi giao thương sản phẩm. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều trên thuyền nên dân số của Cao Bình rất khó quản lý, chính quyền địa phương cũng không nắm được làng có bao nhiêu khẩu. Đến những năm gần đây khi công tác quản lý dân số, quản lý sổ hộ khẩu chặt chẽ hơn, người dân trong làng Cao Bình buộc phải quay về làm thủ tục, giấy tờ, đặc biệt sau khi có dự án của Chính phủ về việc sắp xếp ổn định cư dân làng Cao Bình thì xã cũng mới biết được chính xác dân số của làng.

Đến nay, thôn Cao Bình vẫn tiếp tục nghề đánh bắt thủy hải sản với gần 200 hộ dân, tuy nhiên so với trước đây đời sống người dân đã được nâng cao hơn nhiều bởi giá trị sản phẩm cao hơn, phương tiện đánh bắt cũng khá hơn. Thu nhập của người dân trong làng còn phụ thuộc vào mỗi hôm đi biển và tùy vào từng thời vụ. Với bà con nơi đây, nghề làm tôm cá gọi là bách nghề, lúc làm tôm, lúc làm cá vược, cá khoai, lúc làm sứa... nhưng thắng lợi nhất là đến mùa sứa, nếu đi đánh bắt vào tháng 2, tháng 3 sẽ cho thu nhập cao nhất, có những ngày được tới vài chục triệu đồng, nhưng có những tháng lại chỉ đủ ăn. 

Điển hình như ông Phạm Văn Ngọc, ông Phạm Văn Trung có những ngày đi biển đánh bắt được hàng trăm con sứa, thu nhập hàng chục triệu đồng. Vì thế mà tính ra thu nhập của làng Cao Bình hiện nay cao nhất xã với bình quân 20 triệu đồng/hộ/tháng nhưng cũng là thôn còn số hộ nghèo cao nhất do chưa có nhà vì nhiều gia đình mới tách hộ.

Cao Bình còn điều đặc biệt ở chỗ trước đây không ai được đi học, còn được gọi là làng không biết chữ thì nay 100% con em trong làng đã được đi học, 100% người dân được bổ túc văn hóa để xóa mù chữ. Từ chỗ chỉ biết dùng tay điểm chỉ thì nay người kém nhất đã biết đọc, biết viết tên của mình. Đến ngay chứng minh thư của người dân từ những năm 2007 về trước cũng không có bởi họ không biết đi đâu mà làm. Cũng nhờ có dự án hỗ trợ của Chính phủ mà từ năm 2008 đến nay làng chài đã được xây mới cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, trường mầm non, nhà văn hóa thôn, đường điện. Các hộ đã được cấp đất, hỗ trợ 20 triệu đồng để xây nhà nên đã dần ổn định về chỗ ở, trẻ em, người già có nhà ở và được đi học. 

Cụ Nguyễn Thị Phượng, 80 tuổi tâm sự: Trước đây nhà có 3 thế hệ nhưng chỉ sinh sống trên một chiếc thuyền khoảng 10mvô cùng chật chội, khó khăn, chẳng mấy khi nhìn thấy bờ, thấy đất vì cũng không có chỗ cho chúng tôi đặt chân lên. Nhưng từ khi được cấp đất chúng tôi đã xây nhà, được ăn ngon ngủ yên mà không còn lo mỗi mùa mưa bão như trước đây. Cũng từ đó chúng tôi được tổ chức vui chơi những ngày lễ hội và được chứng kiến thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới với không khí nhộn nhịp mà không bị trôi đi lặng lẽ như thời ở trên thuyền.

Ông Phạm Quang Hiệu cho biết thêm: Đặc thù khác của người dân Cao Bình hiện nay là dù nghèo hay giàu, dù ít hay nhiều cá nhưng cứ tới ngày 28, 29 tháng Chạp tàu bè của người dân trong làng từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định đều tập trung trở về nhà, nơi đó có những người mẹ già, con nhỏ đang chờ họ. Đặc biệt, 100% người dân Cao Bình đều là người Công giáo nên họ đã có sự chuẩn bị, trang trí lộng lẫy từ dịp lễ Noel khiến không khí ngày Tết Nguyên đán ở đây dường như đã đến sớm hơn mọi nơi. 

Mặc dù không có nhiều thời gian sắm tết song người Cao Bình vẫn tổ chức đụng lợn, chuẩn bị đầy đủ những món ăn đặc trưng nhất của ngày tết cổ truyền như thịt gà, gói giò và thậm chí còn gói bánh chưng để mời nhau bữa cơm, chúc nhau sức khỏe trong ngày đầu năm mới. Đây cũng chính là niềm vui, sự quây quần đặc biệt nhất trong năm của người dân Cao Bình kể từ khi họ có nhà.


Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Cao Bình

Năm 2018 là năm thứ 10 tôi làm trưởng thôn nhưng mỗi năm tôi lại thấy có sự thay đổi không nhỏ ở nơi đây. Nhất là sau khi có dự án hỗ trợ của Chính phủ, người dân thôn Cao Bình đã ổn định về chỗ ăn, chỗ ở, vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, người già có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, trẻ em được đến trường, tiếp xúc với văn hóa xã hội và những điều kiện tốt nhất hiện nay. Do đó, đời sống người dân không ngừng nâng cao, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư. Từ một nơi gần như không ai biết đến, ở đâu không ai hay, nhưng xét về kinh tế thì người Cao Bình hiện nay đã hơn rất nhiều người dân ở đất liền. Tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ để 100% hộ dân ở Cao Bình có đất, xây nhà, sớm ổn định cuộc sống.

Ông Trần Văn Ích, thôn Cao Bình

Từ nhỏ tới lớn lênh đênh trên sông cùng ông bà, bố mẹ tới năm 1994 tôi đã lên đất liền làm nhà và là 1 trong 5 hộ đầu tiên lên mặt đất sinh sống. Đất Cao Bình hình thành từ khoảng 200 năm nay nhưng trước đây các hộ đều sống trên sông nước, nay đây mai đó không biết đâu là bờ. Kể từ khi có cơ chế bán cá cho Nhà nước và được Nhà nước cấp gạo thì người làng Cao Bình đã được quan tâm hơn, đời sống người dân bắt đầu có sự thay đổi. Đặc biệt, từ khi có dự án hỗ trợ của Chính phủ cấp đất cho người dân làng chài thì đã có sự chuyển biến rõ nét hơn cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, đời sống dân sinh được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Tấn, thôn Cao Bình

Không gì vui hơn khi chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm, con cháu được học hành biết chữ, trình độ văn hóa ngày càng nâng cao, kinh tế ngày càng ổn định. Mặc dù đã thấm đẫm những khó khăn, vất vả của người lái thuyền nhưng đến giờ tôi vẫn không bỏ nghề vì nó đã bám chặt với mình từ thuở ấu thơ với nhiều kỷ niệm mà không phải ai cũng có thể rời xa được. Nhưng khác với trước đây là giờ tôi đã có nhà, chỉ đi làm quanh quẩn ở các nhánh sông nhỏ, sáng đi tối về, không còn phải đi ra biển lớn nên đã phần nào yên tâm gắn bó với nghề của mình hơn.


Thu Thủy 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày