Thứ 6, 15/11/2024, 20:48[GMT+7]

Kinh nghiệm bước đầu về xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 24/02/2012 | 15:49:26
1,885 lượt xem
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, bước đầu đã thu được kết quả khá tốt. Theo kết quả điều tra đánh giá thực trạng nông thôn ở 267 xã mới đây có 2,62% xã đạt từ 11 – 12 tiêu chí, 32,96% đạt 7 – 10 tiêu chí, 19,47% đạt 5 – 6 tiêu chí và 44,9% số xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Đường giao thông nông thôn ngày càng khang trang.

Như vậy, so với trước khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, các vùng sản xuất, công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng...theo tiêu chí NTM đã và đang hình thành. Qua đây đã xuất hiện nhiều xã, thôn có cách làm hay, sáng tạo, là những kinh nghiệm quý để các xã áp dụng trong chỉ đạo, lãnh đạo ở cơ sở.

 

Trong thời gian qua, các ngành, địa phương đã lấy phương châm “19 tiêu chí là đích hướng tới; quy hoạch là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu; lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng là động lực; sự đồng lòng góp sức của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công” để chỉ đạo xây dựng NTM. Theo đó, các xã đã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, đồng thời tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn. Đa phần các xã đạt nhiều tiêu chí và có kinh nghiệm trong tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM đều tiến hành làm từ ngoài đồng vào trong làng; từ ngõ xóm làm lên trung tâm xã; xã đảm nhiệm làm các công trình phức tạp ở khu trung tâm và thôn chủ động huy động sức dân làm công trình của thôn; các hộ dân đảm nhận cải tạo nhà ở, ao, vườn, công trình vệ sinh, giải phóng mặt bằng đường xóm...

 

Đến hết năm 2011, toàn tỉnh có 124 xã giao xong đất ngoài thực địa; bình quân khối lượng đào đắp kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông là 50 – 100 nghìn m3/ xã. Nhân dân ở nhiều xã, thôn đã đồng lòng tự nguyện tháo dỡ cổng dậu, nhà ở, công trình phụ trị giá hàng trăm triệu đồng để giải phóng mặt bằng làm đường thôn xóm, như Hồng Minh (Hưng Hà). Ngoài ra, tỉnh còn có các cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật... Chính vì vậy mà nhiều hộ dân đã đầu tư thêm vốn để tập trung sản xuất quy mô lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Kinh nghiệm cho thấy, các xã làm tốt chương trình xây dựng nông thôn mới đều thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết về xây dựng NTM đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho mọi người về chủ trương xây dựng NTM, người dân hiểu được lợi ích của mình và phải do mình xây dựng, quản lý; Nhà nước hỗ trợ và tạo động lực cho quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc xây dựng NTM phải coi là một phong trào quần chúng, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, có sự tham gia chủ động, tích cực, tự giác của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư và của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ và nhân dân ở địa phương phải vào cuộc ngay từ đầu để cùng tham gia với đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch và chỉ đạo quyết liệt từ khâu điều tra khảo sát đến triển khai thực hiện. Khi xây dựng đề án NTM, các địa phương phải tổ chức hội nghị để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, trên cơ sở các phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và lựa chọn phương án khả thi nhất.

 

Xây dựng NTM đòi hỏi nhiều công sức và của cải, do đó cần phải huy động sức mạnh tổng hợp và kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, mỗi địa phương, thôn xóm và người dân là chủ thể, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Các nguồn vốn phải huy động đa dạng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước với chương trình mục tiêu quốc gia; thu hút, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp để đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...; huy động sự đóng góp của người dân trên cơ sở cộng đồng dân cư dân chủ thảo luận, quyết định, phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương. Phân công cán bộ phụ trách công việc cụ thể và bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ xã, thôn; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Đặc biệt cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, chi bộ để thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội ở xã, thôn phát huy được hiệu lực của mình.

 

Để xây dựng NTM tiếp tục có chiều sâu, sức lan toả mạnh mẽ, trước hết các địa phương cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục về quan điểm, chủ trương, nội dung, trình tự, thủ tục và các bước tiến hành xây dựng NTM. Tập trung thúc đẩy sản xuất để nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, nhiều xã đã hoàn thành xong dồn điền, đổi thửa, do đó phải xây dựng được các vùng sản xuất hàng hoá, như vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên màu; đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất; phát triển chăn nuôi quy mô lớn; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng, công trình phòng chống lũ bão...

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày