Thứ 6, 15/11/2024, 20:55[GMT+7]

Mô hình nông thôn mới ở Thụy An

Thứ 3, 03/04/2012 | 15:50:37
3,099 lượt xem
Về Thụy An, đi trên những con đường bê tông chắc bền, nhà cửa xây dựng khang trang, kiên cố tôi cảm giác vùng quê thuần nông nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Nông dân xã Thụy An (Thái Thụy) chăm sóc cây màu. Ảnh: Ngọc Trâm

Những năm qua, xã Thụy An (Thái Thụy) vươn lên là điểm sáng của Thái Bình về thâm canh lúa, trồng cây màu, trồng cây vụ đông, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Trên bước đường xây dựng nông thôn mới hôm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này địa phương đã tích cực hoàn thành quy hoạch chung, tổ chức dồn điền đổi thửa, huy động sức dân chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông nông thôn… góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn nơi đây ngày thêm khởi sắc.

 

Thụy An là địa phương có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, nhân dân cần cù chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất. Với  312,37 ha diện tích đất nông nghiệp, 98% dân số làm ruộng, trước kia Thụy An cùng với Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) là 2 xã đầu tiên của tỉnh xây dựng thành công cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Vụ lúa xuân năm 2006, năng suất lúa toàn xã đạt 80,1 tạ/ha, cao nhất tỉnh.

 

Thực hiện hiệu quả phương thức canh tác: xuân muộn-mùa sớm-vụ đông rộng, 100% diện tích cấy giống lúa ngắn ngày, 50% diện tích cấy lúa hàng hoá ở vụ chiêm, 90 đến 95% diện tích ở vụ mùa nhiều năm trở lại đây Thụy An luôn dẫn đầu huyện về năng suất lúa. Nơi đây cũng là vùng trồng cây màu, cây vụ đông tập trung quy mô lớn nhất huyện. Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Huy Sát khẳng định: đây chính là những yếu tố, tiền đề và điều kiện rất thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thụy An quyết tâm xây dựng thành công mô hình nông thôn mới trong tương lai. Khi Tỉnh uỷ có Nghị quyết 02, BCH Đảng bộ xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; UBND xã thành lập BCĐ, Ban quản lý, tổ công tác giúp việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, qua nhiều kênh để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

 

Cùng với đó, xã tập trung rà soát đánh giá lại thực trạng của địa phương theo bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lập đề án, các quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong Đảng bộ, xuống các chi bộ thôn và nhân dân để tạo sự đồng thuận chung. Khi tư tưởng đã thông, Thụy An chọn khâu đột phá đầu tiên là thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp ngay trong vụ xuân năm 2011, đến ngày mùng 5/7 hoàn thành việc đo giao ngoài thực địa cho người dân để cuối năm nhân dân yên tâm sản xuất vụ đông. Sau dồn đổi, bình quân mỗi hộ sản xuất 1,53 thửa.

 

Cùng với dồn điền đổi thửa, xã huy động nhân lực tổ chức đào đắp bờ vùng, bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng với khối lượng 226.600m3, trong đó nhân dân tự đào đắp 176.000 m3 với kinh phí 3,4 tỷ đồng. Đồng ruộng Thụy An có hệ thống sông, kênh xen kẽ chằng chịt, nếu như trước đây vận chuyển nông sản của bà con chủ yếu bằng thuyền thì nay bờ vùng, bờ thửa đắp cao, to rộng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, càng thêm hăng say lao động sản xuất. Toàn xã có 2 máy làm đất đa năng, 112 máy cày tay đi đến tận các xứ đồng, đầu ruộng phục vụ nhân dân làm đất cấy lúa, trồng màu rất thuận tiện, góp phần nâng cao năng suất lao động.

 

Sau dồn điền đổi thửa, Thụy An đã xây dựng, tổ chức vùng sản xuất hàng hoá luân canh 3 đến 4 vụ/năm: màu xuân-màu hè- lúa mùa- cây vụ đông với diện tích 205,2 ha, tăng 42 ha so với năm 2010-2011. Riêng vụ đông năm 2011, toàn xã trồng được 204,8 ha hành tỏi, dưa hấu, bí, rau màu, cây xuất khẩu các loại... Nếu như năm 2009, giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác của Thụy An đạt 116,5 triệu đồng, 2010 là 139 triệu đồng thì đến năm 2011 tăng lên 148 triệu đồng. Nhiều gia đình chỉ chuyên canh lúa-màu  nhưng mỗi năm  thu từ 50 đến 60 triệu đồng. Cũng nhờ ruộng lớn, bờ to, canh tác trên 1 thửa thuận tiện nên vụ xuân năm 2012 này, nông dân Thụy An  gieo trồng hơn 100 ha cây màu xuân, gieo sạ 130 ha lúa... góp phần tiết kiệm công, chí phí, nâng cao thu nhập. Song song với quá trình làm cuộc cách mạng trên đồng ruộng, xã vận động nhân dân tích cực góp công, góp của chỉnh trang đường làng, ngõ xóm theo tiêu chí nông thôn mới. Kết quả đã bê tông hoá được 7 km ngõ ngang với kinh phí 1,7 tỷ đồng, trong đó xã hỗ trợ 380 triệu đồng tiền vật liệu, còn lại do nhân dân đóng góp.

 

Về Thụy An, đi trên những con đường bê tông chắc bền, nhà cửa xây dựng khang trang, kiên cố tôi cảm giác vùng quê thuần nông nơi đây đang đổi thay từng ngày. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 76,9 tỷ đồng (riêng sản xuất nông nghiệp đạt 57 tỷ đồng),  tăng 38,3% so với năm 2010. Nơi đây giữ vững địa bàn “xã trắng ma túy”, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thâm canh lúa-màu giỏi  đã từng bước nâng cao đời sống cho người dân với mức thu nhập bình quân đạt 18,1 triệu đồng/người/năm. Anh Sát khẳng định: xây dựng nông thôn mới ở Thụy An giờ mới ở bước khởi đầu sẽ còn nhiều việc phải làm.

 

Trong năm 2012,  địa phương phấn đấu hoàn thành lập các quy hoạch, phê duyệt đề án, huy động sự đóng góp  của nhân dân chỉnh trang đồng ruộng, phấn đấu đạt tiêu chí về giao thông thủy lợi, tạo đà sản xuất hàng hoá phát triển. Đối với các tiêu chí còn lại, xã sẽ căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, huy động các nguồn lực trong dân, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, đưa ra giải pháp, lộ trình thực hiện cho phù hợp theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” phấn đấu đến hết năm 2015 cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày