Thứ 6, 15/11/2024, 20:49[GMT+7]

TIÊU THỤ NÔNG SẢN HÀNG HÓA Thiếu cây cầu nối nông dân với doanh nghiệp

Thứ 4, 02/05/2012 | 08:12:56
2,170 lượt xem
Nhờ thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là từ sau khi tỉnh ta triển khai xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã đều kết hợp dồn điền đổi thửa với chỉnh trang đồng ruộng và quy vùng sản xuất nên khối lượng hàng hoá nông sản ngày càng lớn và sản phẩm cũng khá đa dạng. Tuy nhiên việc tiêu thụ nông sản hàng hoá hiện còn bộc lộ rất nhiều bất cập, hạn chế cả từ phía các ngành chức năng, cả từ phía nông dân và doanh nghiệp.

Điểm thu mua nông sản tại xã An Ninh (Quỳnh Phụ).

Nhận biết rõ điều này, mới đây Sở Công Thương đã chủ trì xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại hai xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) và Tây Tiến (Tiền Hải). Cả hai mô hình đều chọn sản phẩm thóc để bao tiêu. Mỗi mô hình có khoảng 150 hộ dân tham gia với diện tích là 60ha/ xã. Hai doanh nghiệp được chọn để thu mua sản phẩm hàng hoá là Công ty cổ phần SX- KD XNK Lam Sơn và Công ty TNHH Hưng Cúc.

 

Các hộ dân tham gia mô hình điểm không chỉ được ký hợp đồng bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà còn được tập huấn chuyển giao KH- KT, tham quan mô hình tiêu thụ nông sản tại huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đặc biệt, các hộ dân còn được doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV thông qua hộ kinh doanh hoặc HTX DVNN. Qua 2 vụ sản xuất, các doanh nghiệp đã cung ứng cho các hộ dân tham gia mô hình gần 127 tấn phân bón các loại và thu mua từ các hộ dân hơn 300 tấn thóc thương phẩm, đạt trên 90% so với số lượng đăng ký trong hợp đồng.

 

Thông qua mô hình nói trên bước đầu giúp nông dân làm quen với hình thức tiêu thụ nông sản qua hợp đồng kinh tế; đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá; được chuyển giao KH- KT và mua vật tư nông nghiệp với giá phải chăng, chất lượng đảm bảo... Bác Bùi Hữu Căn, xã Quốc Tuấn cho biết, nhà cấy 9 sào ruộng, vụ mùa năm 2011 gia đình bác thu được 1,8 tấn thóc, ngoài số thóc để ăn và chăn nuôi gia đình bác đã bán cho doanh nghiệp 7 tạ. Theo bác Căn, từ khi tham gia mô hình việc tiêu thụ nông sản khá thuận lợi, giá cả hợp lý, sau khi phơi săn, rê sạch doanh nghiệp đến tận nhà thu mua, không phải chở đến đại lý bán như trước nên rất phù hợp với những gia đình mà người tham gia sản xuất đã lớn tuổi như vợ chồng bác.

 

Còn gia đình bác Trần Hữu Tiềm, thôn Thụy Lũng Nam, xã Quốc Tuấn cho biết, nhà có 8 sào ruộng, vụ mùa năm 2011 bác bán cho doanh nghiệp 5 tạ thóc Q5. Từ khi tham gia mô hình, mỗi vụ gia đình bác mua gần 3 tạ phân bón các loại với giá phải chăng mà lại không phải trả tiền mặt, cuối vụ thanh toán vào sản phẩm; trước bán cho tư thương lúc cần không bán được còn nay khi cần là bán được ngay. Cùng tham gia mô hình như ở Quốc Tuấn, gia đình chị Trần Thị Liên, thôn Đông Cao 1, xã Tây Tiến cho biết, gia đình chị có 1,8 mẫu ruộng, chủ yếu cấy giống T10 và Bắc thơm, năm 2011 gia đình thu hoạch được gần 6 tấn, trừ đi phần để sử dụng chị bán cho HTX 2 tấn thóc các loại với giá cả khá hợp lý, có lợi cho người sản xuất...

 

Về phía doanh nghiệp, nhờ tham gia mô hình giúp họ có được nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng bảo đảm nên hoàn toàn chủ động về kế hoạch SX- KD. Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết, công ty ông đã tham gia mua nông sản tại Tây Tiến được 6 năm nhưng trước chỉ mua được khoảng 100 tấn/ năm, từ khi tham gia mô hình, ký hợp đồng rõ ràng với nông dân thì lượng thóc thu mua được đã tăng vọt lên gấp đôi. Còn ông Nguyễn Như Kiên- PTGĐ Công ty cổ phần SX- KD XNK Lam Sơn cho biết, mỗi năm doanh nghiệp phải tạm ứng vốn để bán trả chậm từ 30- 40 tỷ đồng tiền vật tư nông nghiệp nhưng bù lại doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu rất ổn định, đồng thời giúp doanh nghiệp gần dân, hiểu dân hơn từ đó có giải pháp để hợp tác lâu dài với các hộ dân...

 

Ngoài 2 mô hình thí điểm nói trên, hiện tỉnh ta cũng đã xuất hiện một số mô hình tiêu thụ nông sản rất hiệu quả. Điển hình như mô hình trồng và bao tiêu cà chua bi tại Đông Xuyên (Tiền Hải). Hay như mô hình tiêu thụ khoai tây thương phẩm tại xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ). Năm 2011, huyện Quỳnh Phụ cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho khoảng 1.000ha trong tổng số hơn 6.000ha cây vụ đông, trong đó có sản phẩm được bao tiêu 100% diện tích như bí đỏ.

 

Những thành công bước đầu là không thể phủ nhận. Tuy nhiên việc tiêu thụ nông sản cho nông dân hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn và bộc lộ không ít bấp cập, hạn chế. Đến nay chúng ta vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng, cụ thể về việc này dẫn tới sự vào cuộc thiếu tích cực của các ngành chức năng và thiếu chế tài xử lý khi các bên vi phạm cam kết trong hợp đồng. Khi doanh nghiệp vi phạm hợp đồng thì dân không biết kêu ai như trường hợp trồng thanh hao hoa vàng ở Quỳnh Phụ; ngược lại khi giá nông sản tăng dân tự ý phá bỏ hợp đồng bán sản phẩm cho tư thương thì doanh nghiệp cũng đành chịu. Bên cạnh đó, người dân vẫn sản xuất theo kiểu tự phát, bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần. Ngay với mô hình thí điểm cũng còn không ít vướng mắc.

 

Ông Nguyễn Quang Minh- Chủ nhiệm HTX Tây Tiến cho biết, sản lượng thóc toàn xã mỗi năm có khoảng 1.700 tấn, trừ đi số tiêu dùng còn khoảng 700 tấn thóc hàng hoá nhưng doanh nghiệp chỉ mua khoảng 200 tấn, còn lại gần 500 tấn các hộ vẫn phải tự lo mà chủ yếu là bán cho tư thương nên đôi lúc bị ép giá. Cùng với đó, HTX chỉ có 60m2 nhà kho xây cấp 4 từ lâu, nay đã xuống cấp, vừa trữ thóc, vừa để vật tư nên rất chật chội, vào mùa vụ có ngày HTX nhập tới 30- 40 tấn thóc nên phải để ở cả phòng làm việc, thậm chí để ngay ngoài hiên. Ngoài ra, mỗi vụ HTX cần khoảng 1 tỷ đồng để mua vật tư nông nghiệp cung ứng cho nông dân nhưng thực tế chỉ có khoảng 300 triệu đồng nên rất thiếu vốn để dự trữ nguồn hàng dẫn tới lúc cao điểm về thời vụ đã không đủ vật tư cung ứng cho dân...

 

Để khắc phục những hạn chế nói trên đòi hỏi các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, trước hết là quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh và quy hoạch mạng lưới các điểm cung ứng vật tư nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng đại lý và cung ứng hàng. Trong bối cảnh sau dồn điền đổi thửa các xã mới khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún mà chưa tích tụ được ruộng đất cần khuyến khích các hộ áp dụng mô hình cùng thửa, cùng trà và đa sở hữu; chọn một loại cây để cùng trồng; dân góp đất, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư và bao tiêu sản phẩm; thực hiện 5 chung (làm đất chung, chuẩn bị giống chung, gieo hạt chung, phun thuốc chung và thu hoạch chung) để giảm bớt chi phí và hình thành các vùng chuyên canh lớn tập trung. Xây dựng cơ chế giúp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất của nông dân để sản xuất, trước mắt tỉnh cần quan tâm hỗ trợ về lãi suất và đầu tư hạ tầng để phục vụ sản xuất. Tăng cường liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp và chuỗi các cửa hàng, đại lý bán sản phẩm để khép kín quy trình sản xuất.

 

Ngoài ra, tỉnh cần có chế tài cụ thể để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, xử lý nếu các bên vi phạm điều khoản trong hợp đồng. Trước mắt sẽ áp dụng cơ chế hộ nào vi phạm hợp đồng thì vụ sau không thu mua nông sản của hộ đó nữa và không hỗ trợ sản xuất với những hộ vi phạm hợp đồng. Thôn nào, xã nào có nhiều hộ vi phạm sẽ chọn thôn khác, xã khác tham gia mô hình tiêu thụ nông sản. Đồng thời có cơ chế và chế tài kiểm soát doanh nghiệp nếu họ vi phạm hợp đồng giúp giảm thiếu thiệt hại cho người sản xuất.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

(Tác phẩm tham dự Cuộc thi báo chí viết về Đề tài nông thôn mới) 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày