Thứ 6, 15/11/2024, 18:30[GMT+7]

Vũ Hội trên đường xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 08/05/2012 | 10:37:00
2,144 lượt xem
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Vũ Hội đã đạt được những thành quả khả quan để vững tin bước vào hành trình xây dựng nông thôn mới. Xã hoàn thành 11 tiêu chí; 8 tiêu chí còn lại, đều là những tiêu chí rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã.

Cơ sở chế biến bún ở Vũ Hội. Ảnh: Thu Hương

Xã đa nghề nhưng coi trọng nông nghiệp

    

Từ năm 2001 đến nay, Vũ Hội (Vũ Thư) luôn giữ vững là xã đa nghề do UBND tỉnh công nhận. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 163.5 tỷ đồng. Trong đó,  TTCN- TMDV đạt 137,5 tỷ đồng, (tăng 16,5% so với 2010), chiếm 84% cơ cấu kinh tế.

     

Người dân Vũ Hội có tư duy làm giàu, nhạy bén với cơ chế thị trường. Mỗi ngày hàng trăm lao động trong xã tỏa về Thành phố, lặn lội khắp các ngõ hẻm mua, nhặt đồng nát, phế liệu, những thứ người ta vứt bỏ để cung cấp cho các cơ sở sản xuất dép, đồ nhôm dân dụng ở địa phương. Toàn xã hiện có 3 cơ sở sản xuất  dép nhựa; 3 cơ sở sản xuất đồ nhôm; 12 cơ sở sản xuất miến, bún phở, bánh đa nem, công suất bình quân 1 - 2 tấn nguyên liệu/ngày. Mỗi cơ sở tạo việc làm cho hàng chục lao  động. Xã có 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Xuân Trường Phát chuyên sản xuất gạch không nung kiêm cơ khí, xây dựng; mỗi ngày, doanh nghiệp xuất xưởng trên 1 vạn viên gạch. Anh Trần Xuân Thủy lập Xí nghiệp sản xuất đồ nhôm dân dụng, sản phẩm tiêu thụ khắp cả nước. Xưởng  cơ khí Hà Duy Nam chuyên sản xuất máy làm bún, làm bánh phở.

 

Người dân Vũ Hội mua sắm trên 40 ô tô vận tải, ô tô khách và xe con  từ 4-16 chỗ ngồi. Nhiều hộ làm dịch vụ chuyên chở 2 chiều: Chở miến, nồi xoong nhôm, dép nhựa vào Namon>, lên mạn ngược, chuyến về mang theo củ dong làm miến, phế liệu. Sự năng động của một số người dân nơi đây còn thể hiện ở chỗ họ luôn tự học hỏi, bươn trải, đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, khi gặp khó khăn, họ tự điều chỉnh, thay đổi nghề. Có hộ làm máy miến, khi hàng “đi chậm” lại làm đậu phụ, bánh đa nem. Anh Huynh ban đầu thu gom đồng nát, tích lũy vốn mua xe vận tải hàng hoá Bắc - Namon>, nay chyển sang mua xe chở khách, anh nộp thuế cho xã 100 triệu đồng/năm.

    

Điều đáng quý là làng xã “9 người 10 nghề” nhưng vẫn coi trọng sản xuất nông nghiệp: Vừa làm nghề, buôn bán giỏi nhưng thâm canh cây lúa không thua kém các xã trong huyện. Những năm gần đây, Vũ Hội tạo được chuyển biến mạnh về cơ cấu giống lúa, mùa vụ:  100% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, gieo mạ non nền đất cứng và gieo thẳng. Năm 2011 đưa giống thuần lên 60-65% diện tích, còn lại là lúa chất lượng cao, góp phần đưa năng suất lúa cả năm đạt 130,75 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Nhạy bén tiếp thu phương thức gieo vãi, gieo sạ khởi động từ thôn Năng An thực hiện vụ mùa 2007; đến vụ xuân 2012, toàn xã gieo sạ 283ha/353,6 ha.

 

Ông Tống Ngọc Lừng, thôn Hưng Nhượng khẳng định: Đây là kết quả Hợp tác xã DVNN cùng Hội Nông dân mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT tiến bộ tới người dân, đồng thời việc dồn điền đổi thửa tạo thuận tiện cho nông dân trong sản xuất, nhất là áp dụng phương thức gieo vãi, gieo sạ. Vụ xuân 2012, ruộng của thôn Hưng Nhượng chỉ còn gần 10% cấy, còn lại đều gieo thẳng. Nhân dân Vũ Hội đã đầu tư mua 8 máy gặt đập liên hợp, 13 máy làm đất đa năng, trên 20 dàn gieo sạ đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất, giải quyết sự thiếu hụt lao động khi mùa vụ khẩn trương, góp phần tạo quỹ thời gian làm vụ đông (năm 2011 đạt gần 53 ha, tăng 1,5 lần so với 2006).

 

Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá trước đây nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư, nay hàng chục hộ đầu tư nuôi quy mô gia trại. Các anh Tống Sỹ Hạnh, Tống Sỹ Hoàn, Trần Văn Tám mạnh dạn đấu thầu chân ruộng chua trũng, cấy lúa năng suất thấp, đầu tư đào ao nuôi cá, nuôi gà vịt, lợn, làm vườn, trồng cây cảnh, cây hòe. Giá trị sản xuất từ chăn nuôi và thủy sản năm qua ước đạt 8,5 tỷ đồng, tăng gần 80% so với năm 2006, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Những khó khăn, thách thức cần tháo gỡ

     

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Vũ Hội đã đạt được những thành quả khả quan để vững tin bước vào hành trình xây dựng nông thôn mới: Xã hoàn thành 11 tiêu chí; 8 tiêu chí còn lại, đều là những tiêu chí rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã.

    

Sản xuất phát triển nhưng kèm theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.

    

Bình quân, làng nghề chế biến gần 1000 tấn gạo, đỗ tương/năm - một con số không nhỏ. Nước thải từ các cơ sở chế biến nông sản, sản xuất nhôm, nhựa làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Từ năm 2006 đến nay, cấp ủy, chính quyền xã Vũ Hội đã có nhiều việc làm tích cực giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống (nước, không khí). Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng 2 nhà máy nước, năm 2011 cung cấp 123.730 m3 nước sạch, tăng 20,4% so với 2010. Trong quy hoạch nông thôn mới, xã bố trí quỹ đất làm bãi chôn lấp rác. Các thôn đều có tổ thu gom rác. Đối với những hộ chế biến nông sản, thực phẩm có lượng nước thải lớn, xã hướng dẫn quy trình xử lý bằng cách làm bể chứa, dùng hóa chất, hạn chế nước thải trực tiếp ra môi trường. Địa phương đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng hệ thống rãnh thoát nước có nắp đậy.

 

Được huyện hỗ trợ, Vũ Hội đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề tại khu vực thôn Mỹ Tây, diện tích 8,3 ha. Hiện Công ty Cổ phần Xuân Trường Phát xây dựng nhà xưởng sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, mặc dù xã đã tuyên truyền và vận động những hộ sản xuất bún, nhôm, dép để họ ra xây dựng tại cụm công nghiệp nhưng mấy năm nay, chưa có hộ nào hưởng ứng. Nguyên nhân chính là do điều kiện vốn liếng còn hạn chế. Khu đất quy hoạch cụm công nghiệp là ruộng giao ổn định cho dân, tiền bồi thường thu hồi đất rất lớn, việc đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông, điện, lấp trũng... vượt quá khả năng của địa phương.

Bảo Linh

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày