Thứ 6, 15/11/2024, 18:29[GMT+7]

Thực hiện tiêu chí điện trong xây dựng NTM Cần sự chung tay của chính quyền địa phương

Thứ 6, 18/05/2012 | 15:18:39
1,536 lượt xem
Để đảm bảo thực hiện thành công tiêu chí về điện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh,  còn rất nhiều khó khăn phía trước, ngoài sự nỗ lực của ngành điện, rất cần sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành liên quan, sự đồng thuận của toàn xã hội.

Những kết quả bước đầu

 

Hệ thống lưới điện nông thôn tỉnh Thái Bình được đầu tư từ 20- 30 năm trước, với các tổ chức quản lý điện nông thôn được thành lập thiếu đồng bộ, chắp vá; nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn; trong quá trình vận hành, sử dụng, đa số các lưới điện không được sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng điện không bảo đảm, có nơi điện áp cuối nguồn xuống thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao, từ 30- 33%.

 

Từ năm 2009- 2010, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của 184 xã, thị trấn (trong đó 15 xã tiếp nhận giai đoạn 2004- 2005), Công ty Điện lực Thái Bình đã phối hợp với các địa phương kiện toàn lại bộ máy quản lý, tận dụng các nguồn vốn từng bước đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Đến nay, Công ty đã đầu tư trên 700 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện, lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng. Kết quả của những biện pháp này làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn. Đặc biệt tỷ lệ tổn thất điện năng giảm, từ 30- 33% trước tiếp nhận xuống còn 10- 15%. Tại 8/8 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh đã đạt tiêu chí về điện, với tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện tại 8/8 xã đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành.

 

Chưa hết khó khăn

 

Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra đối với tỷ lệ tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn phải giảm xuống còn 10% vào năm 2015, và theo lộ trình, đến năm 2015, toàn tỉnh có 70 xã cơ bản đạt chuẩn NTM. Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết: Để đảm bảo tiêu chí về điện cho việc triển khai thực hiện rộng mô hình NTM, Công ty đã tranh thủ mọi nguồn vốn vay: ODA, Ngân hàng thế giới, ngân sách trung ương... thực hiện nâng cấp, cải tạo lưới điện nhằm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng NTM. Hiện, Công ty đang chuẩn bị triển khai 2 dự án lớn: REII đợt 3 cho 65 xã, với nguồn vốn 175 tỷ đồng; REII đợt 5 cho 25 xã, nguồn vốn đầu tư là 80 tỷ đồng. Nhưng khó khăn lớn nhất khi triển khai các dự án này là công tác đền bù giải phóng mặt bằng để có vị trí dựng cột, kéo đường dây. Vì vậy, cần có sự chung tay chia sẻ, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành điện và chính quyền địa phương.

 

Huyện Tiền Hải có 6 xã: Đông Xuyên, An Ninh, Đông Trung, Đông Hoàng, Tây Sơn, Đông Lâm được thụ hưởng từ dự án REII đợt 3 và 3 xã: Đông Trà, Đông Quý, Tây Lương được thụ hưởng từ dự án REII đợt 5. Tuy nhiên, một số trục đường liên xã, liên thôn tại đây được quy hoạch mở rộng từ 7- 40 m, nhưng đó mới chỉ là quy hoạch, không biết khi nào mới được thực hiện vì chưa có vốn. Nếu chờ mở rộng đường rồi thực hiện dự án thì sẽ chậm tiến độ. Theo Giám đốc Điện lực Tiền Hải- Lê Bá Quyến: Để có được nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới thì dự án cần phải triển khai đúng tiến độ. Khi mở rộng đường, trong quy hoạch cần bố trí nguồn vốn dịch chuyển cột điện.                              

 

Cần sự chung tay của chính quyền địa phương

 

Tại các xã xây dựng NTM, khi mở rộng đường liên thôn, ngõ xóm thì hầu hết các cột điện sẽ phải dịch chuyển. Nhưng trong quá trình lập dự án lại không tính đến nguồn vốn dịch chuyển cột điện. Vì vậy, vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo khắc phục theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó ngành điện tham gia: Lập phương án và giám sát kỹ thuật, tháo, hạ và treo lại dây dẫn, hòm công tơ. Đến nay, tất cả các xã do ngành điện quản lý có nhu cầu dịch chuyển cột điện, đường dây điện đều được Điện lực các huyện, thành phố phối kết hợp thực hiện đúng tiến độ. Xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ)- một trong 8 xã điểm xây dựng NMT của tỉnh, nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với Điện lực huyện nên việc dịch chuyển đường dây, cột điện rất thuận lợi. Đến nay, cơ bản các cột điện nằm trên trục đường giao thông đã được dịch chuyển.

 

Đối với các xã thuộc dự án REII, REII mở rộng do Sở Công Thương quản lý, thì việc dịch chuyển cột điện không thuộc ngành điện. Hiện nay, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng các cột đứng “sừng sững”, hiên ngang giữa lòng đường. Việc tồn tại rất “vô duyên” của nó đã gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông và luôn là mối nguy hiểm rình rập, trong khi chính quyền xã thừa nhận, họ bất lực trong việc giải quyết vấn đề này vì thiếu kinh phí, trong đó có xã Vân Trường (Tiền Hải). Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giảng- Giám đốc Ban Quản lý dự án năng lượng nông thôn II- REII (trực thuộc Sở Công Thương) cho biết: Các cột điện thuộc xã Vân Trường được cải tạo, nâng cấp thuộc dự án REII do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã hoàn thành năm 2005, trước khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM. Vì vậy, khi đường mở rộng thì chính quyền địa phương phải tự dự trù kinh phí dịch chuyển cột điện. Còn đối với các xã hưởng lợi từ dự án REII mở rộng, việc mở rộng đường theo quy hoạch NTM, Ban quản lý dự án REII có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương dịch chuyển cột điện, đường dây điện.

 

Như vậy, để đảm bảo điện cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên diện rộng, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, ngoài sự nỗ lực của ngành điện, rất cần sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành liên quan, sự đồng thuận của toàn xã hội.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày